Cục Đăng kiểm Việt Nam tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản QPPL, triển khai thực hiện Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT và Thông tư số 44/2023/TT-BGTVT của Bộ GTVT

Ngày 13/01/2024
Chiều 13/1, Cục Đăng kiểm Việt Nam (ĐKVN) đã tổ chức Hội nghị phổ biến văn bản Quy phạm pháp luật (QPPL), triển khai thực hiện Thông tư số 43/2023/TT-BGTVT và Thông tư số 44/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải.

Tham dự Hội nghị có Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng, Phó Cục trưởng Nguyễn Tô An; đại diện lãnh đạo các Vụ: Khoa học công nghệ và môi trường, Pháp chế, Tổ chức cán bộ, Tài chính… Hội nghị cũng được tổ chức trực tuyến với 63 điểm cầu tại Sở GTVT của 63 tỉnh thành phố và hơn 400 điểm cầu tại các Trung tâm Đăng kiểm trên cả nước.

Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Ngày 29/12/2023 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành hai thông tư liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, trong đó Thông tư số 43 liên quan đến cải tạo xe cơ giới; Thông tư số 44 liên quan đến hướng dẫn thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Hôm nay, ngày 13/1/2024, Cục ĐKVN tổ chức hội nghị để phổ biến hai thông tư này.

Trước khi đi vào nội dung của các Thông tư nêu trên, Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng đã báo cáo tóm tắt công tác kiểm định xe cơ giới trong năm 2023 và định hướng năm 2024.

Theo đó, công tác kiểm định xe cơ giới trong năm 2023 có thể kể đến các nội dung nổi bật. Cụ thể: Trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới, Cục ĐKVN có 09 văn bản báo cáo Bộ GTVT trả lời kiến nghị cử tri, trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội. Năm 2023 có thể nói là năm Cục ĐKVN tham gia xây dựng nhiều văn bản quy phạm pháp luật nhất từ trước tới nay, riêng lĩnh vực kiểm định phương tiện cơ giới được bộ đã có 02 dự án luật; 01 Nghị định; 04 thông tư và 01 quy chuẩn. 

Các đơn vị chức năng của Cục duy trì công tác giải đáp, hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ tới các Sở GTVT, các Trung tâm đăng kiểm trên toàn quốc đảm bảo tính kịp thời. Đồng thời, thường xuyên duy trì công tác trực đường dây nóng tư vấn giải đáp các khó khăn vướng mắc của khách hàng trong công tác kiểm định; hỗ trợ khách hàng và hướng dẫn các Trung tâm đăng kiểm cách xử lý tình huống phát sinh trong quá trình đăng kiểm phương tiện, đảm bảo phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.

Các Đoàn kiểm tra thực hiện công tác kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới cho 11 trung tâm đăng kiểm thành lập mới; kiểm tra đánh giá định kỳ, cấp lại Giấy chứng nhận cho 40 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động.

Hiện tại, cả nước có 274/292 Trung tâm đăng kiểm đang hoạt động (tương đương 94%) với 447/542 dây chuyền kiểm định đang hoạt động (tương đương hơn 82% năng lực kiểm định toàn hệ thống).

Hiện còn 18 Trung tâm đang dừng hoạt động do phục vụ công tác điều tra, do không đủ điều kiện hoặc tự đóng cửa. Vì vậy, từ cuối tháng 6/2023 hệ thống kiểm định trên toàn quốc cơ bản đã hoạt động bình thường trở lại, đáp ứng tốt nhu cầu kiểm định xe của người Dân và Doanh nghiệp.

Cục đã tổ chức 31 đợt đánh giá đăng kiểm viên, công nhận mới cho 295 đăng kiểm viên xe cơ giới và 279 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao; thực hiện đánh giá, cấp lại chứng chỉ đăng kiểm viên cho 217 đăng kiểm viên xe cơ giới và 236 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao.

Tính đến thời điểm này, cả nước có 1.747 đăng kiểm viên đang thực hiện công tác kiểm định tại các đơn vị đăng kiểm, trong đó có 1.002 đăng kiểm viên bậc cao và 745 đăng kiểm viên xe cơ giới.

Cục đã tổ chức 05 lớp tập huấn đăng kiểm viên kiểm định xe cơ giới tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho 251 học viên; tổ chức 03 lớp tập huấn nhân viên nghiệp vụ cho 209 học viên.

Để thực hiện phân cấp, phân quyền trong công tác đánh giá điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới của các đơn vị đăng kiểm theo quy định tại Nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, Cục đã triển khai tổ chức 04 khóa hướng dẫn cho các Sở GTVT trên toàn quốc để chuẩn bị cho việc chuyển giao nhiệm vụ theo quy định của Nghị định.

Lĩnh vực kiểm định đang triển khai thực hiện 13 TTHC theo chức năng nhiệm vụ được giao. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, Cục đã cố gắng duy trì triển khai giải quyết đối với 08 TTHC cấp độ 3 trên hệ thống BPMC của Cục và thực hiện dịch vụ công toàn trình cấp độ 4 đối với 01 TTHC.

Cục đã sửa đổi, cập nhật phần mềm quản lý kiểm định xe cơ giới sử dụng tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới nhằm hạn chế, khắc phục hiện tượng can thiệp thay đổi dữ liệu kiểm định phương tiện; xây dựng phần mềm hỗ trợ các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới trong việc lập hồ sơ phương tiện, cấp tem và giấy chứng nhận kiểm định cho các xe được miễn kiểm định lần đầu; phần mềm đặt lịch hẹn đăng ký kiểm định trực tuyến; xây dựng phần mềm tra cứu thông tin và in giấy xác nhận thời hạn hiệu lực và giấy chứng nhận có chữ ký số của Cục ĐKVN cho các xe con không kinh doanh vận tải được giãn thời gian kiểm định theo quy định tại Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT.

Toàn hệ thống đã kiểm định được 5.358.411 lượt phương tiện, trong đó: 4.186.573 phương tiện đạt yêu cầu (chiếm 78,1%); 1.171.837 lượt phương tiện không đạt lần đầu và phải bảo dưỡng, sửa chữa hiệu chỉnh để kiểm định lại (chiếm 21,9%).

Cục đã thành lập các Tổ kiểm tra xác minh phương tiện theo phản ánh của cơ quan báo chí trong lĩnh vực kiểm định xe cơ giới; đồng thời cử cán bộ tham gia phối hợp cùng Đoàn công tác của Sở GTVT địa phương liên quan đến quy trình kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định đối với phương tiện.

Cục đã tổ chức thành công nhiều Hội nghị trực tiếp và trực tuyến đánh giá tình hình hoạt động kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đề xuất các giải pháp phòng ngừa nguy cơ ùn tắc phương tiện kiểm định vào những tháng cuối năm 2023 và trong năm 2024, tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 30/2023/NĐ-CP.

Đồng thời, để đảm bảo công tác an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện, Cục thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ tới các đơn vị đăng kiểm để tăng cường đảm bảo các điều kiện thực hiện công tác kiểm định xe cơ giới theo đúng quy định hiện hành.

Dù năm 2023 phải đối mặt với những khó khăn vô cùng lớn, nhưng với quyết tâm, nỗ lực của toàn ngành, hệ thống kiểm định đã dần ổn định và phục vụ tốt các nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Cục trưởng Nguyễn Chiến Thắng cho rằng, những thành tích nói trên mới chỉ là bước đầu và cần phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ trong năm 2024.

Đông đảo các đại biểu tham dự Hội nghị

Năm 2024 được Cục ĐKVN nhận định là năm bản lề của lĩnh vực kiểm định xe cơ giới do có hàng loạt thay đổi lớn, Cục ĐKVN tập trung vào một số định hướng chính sau đây: Thay đổi căn bản nhận thức của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành theo hướng hoạt động kiểm định là việc cung cấp dịch vụ công và phải lấy sự hài lòng của người Dân và Doanh nghiệp làm tôn chỉ mục tiêu phục vụ. Đây được coi là giải pháp gốc rễ vì từ nhận thức đúng thì hành động mới đúng.

Đổi mới mạnh mẽ về thể chế, trong đó sửa đổi căn bản hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từ Luật Giao thông đường bộ đến thông tư, quy chuẩn kỹ thuật, xây dựng các Đề án nhằm tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ đăng kiểm để đảm bảo sự công khai, minh mạch, tránh chồng chéo chức năng nhiệm vụ; đồng thời tăng cường phân cấp quản lý cho địa phương để nâng cao hiệu quả công tác quản lý.

Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có chất lượng làm động lực cho phát triển lâu dài, bền vững; cử nhiều cán bộ tham gia các chương trình đào tạo trong và ngoài nước.

Tiến hành hiện đại hóa cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng công tác kiểm định: Thông qua các văn bản quy phạm pháp luật, Cục ĐKVN đã thúc đẩy đổi mới trang thiết bị kiểm định theo hướng khuyến khích việc áp dụng công nghệ mới, tăng tính chủ động, sáng tạo, tăng sự tự động hóa, kết nối nhằm giảm sự tác động, can thiệp chủ quan của con người; thiết lập cơ sở dữ liệu quản lý tập trung và được cập nhật thường xuyên trên cơ sở thời gian thực. Các cơ sở dữ liệu được chia sẻ giữa các cơ quan hữu quan (thuế, đăng ký, quản lý đường bộ, ...) để tăng hiệu quả quản lý nhà nước phục vụ cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số.

Đổi mới công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm theo hướng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan từ trung ương đến địa phương để xấy dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn, áp dụng quản lý rủi ro nhằm sử dụng hiệu quả nguồn lực kiểm tra, giám sát.

Tăng cường hợp tác quốc tế để hội nhập quốc tế hiệu quả, tiếp thu tinh hoa công nghệ từ các nước tiên tiến và khẳng định vai trò, vị thế của Đất nước; Duy trì tham gia tích cực vào hoạt động của các tổ chức, hiệp hội đặc biệt là CITA, Nhóm sản phẩm ô tô của ASEAN; các hoạt động trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA/UKVFTA, Hiệp định UNECE 1958.

Tích cực phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí thông tin tuyên truyền sâu rộng về công tác đăng kiểm, giúp cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và thực hiện đúng các quy định của nhà nước. Đồng thời chủ động nắm bắt diễn biến tình hình, phối hợp chặt chẽ với các  cơ quan, đơn vị liên quan và các địa phương, từng bước khắc phục khó khăn, kịp thời giải quyết vướng mắc của các đơn vị đăng kiểm.

Đề xuất điều chỉnh mức giá dịch vụ kiểm định phù hợp với thực tế, tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Đây là giải pháp rất quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và phòng chống tiêu cực trong công tác kiểm định.

Với các giải pháp đồng bộ và mạnh mẽ nêu trên, Cục trưởng Cục ĐKVN rất mong muốn thực hiện thắng lợi 3 đột phá trong lĩnh vực đăng kiểm đó là: Hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra.

Phó Cục trưởng Cục ĐKVN Nguyễn Tô An phổ biến Thông tư 43/2023/TT-BGTVT

ngày 29/12/2023

Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Cục trưởng Nguyễn Tô An đã giới thiệu Thông tư 43/2023/TT-BGTVT ngày 29/12/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 85/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ trưởng Bộ GTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thông tư số 42/2018/TT-BGTVT ngày 30/7/2018 và Thông tư số 16/2022/TT-BGTVT ngày 30/8/2022 của Bộ trưởng Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của các thông tư trong lĩnh vực đăng kiểm. Thông tư này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/2/2024.

Ngoài làm rõ các quy định về cải tạo xe cơ giới, cụ thể hóa và đơn giản hóa các bước, trình tự thực hiện, mẫu hóa các văn bản đề nghị, thông báo, tiếp nhận, phiếu kiểm soát quá trình thực hiện giúp cho người dân, doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý dễ thực hiện và đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, Thông tư 43 còn có một số nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng, cụ thể như sau:

Thông tư đã định nghĩa và giải thích từ ngữ rõ ràng, đúng và phù hợp với công việc thực tế mà cụ thể một trong số đó là định nghĩa lại về cải tạo xe cơ giới. Quy định rõ việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo là một phần không thể tách rời trong hoạt động kiểm định xe cơ giới để phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc nghiệm thu kết hợp với kiểm định an toàn kỹ thuật và bào vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, sớm đưa phương tiện vào khai thác, sử dụng phục vụ cho nhu cầu hoạt động vận tải ngay sau khi xe cơ giới được nghiệm thu cải tạo.

Phân cấp rõ dàng và toàn diện các nội dung thẩm định thiết kế cho các Sở GTVT các địa phương để thực hiện được hầu hết các nội dung cải tạo xe cơ giới hiện nay, Cục ĐKVN chỉ thực hiện thẩm định thiết kế đối với một số trường hợp nội dung cải tạo xe cơ giới phức tạp, đòi hòi cần có chuyên môn sâu như: Cải tạo các loại xe khác thành xe chuyên dùng, ô tô đầu kéo; Cải tạo đối với xe cơ giới tay lái nghịch; Cải tạo đối với hệ thống phanh, treo, lái theo đề nghị của của nhà sản xuất xe.

Việc thực hiện thẩm định thiết kế được thực hiện tại bất kỳ các Sở GTVT địa phương trên toàn quốc thay vì các Sở Giao thông vận tải chỉ chịu trách nhiệm thẩm định các thiết kế cải tạo xe cơ giới có đăng ký biển số tại địa phương mình, giúp cho người dân, doanh nghiệp có nhiều sự lựa chọn để thực hiện.

Đơn giản hóa các thủ tục trong thực hiện cải tạo xe cơ giới: Làm rõ các trường hợp xe cơ giới có sự thay đổi để đơn giản hóa thủ tục trong cải tạo, giúp người dân, doanh nghiệp thuận tiện khi đi kiểm định; Cho phép các cơ sở thiết kế cung cấp cho chủ phương tiện văn bản đồng ý sử dụng bản sao hồ sơ thiết kế do chính Cơ sở thiết kế tự thiết kế và đã được cơ quan thẩm định thiết kế thẩm định, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế theo quy định tại Thông tư này cho các xe cơ giới có cùng nhãn hiệu, số loại, thông số kỹ thuật với xe cơ giới trước cải tạo, để làm cơ sở cho việc thi công và nghiệm thu xe cơ giới cải tạo cho các xe cơ giới tương tự.

Hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các trường hợp xe cơ giới có các thông số kỹ thuật khác với Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định đã được cấp trước ngày 15/02/2024 thì tiếp tục thực hiện các bước để nghiệm thu và kiểm định để được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, Tem kiểm định theo quy định.

Bổ sung trách nhiệm của Chủ phương tiện, Cơ sở thiết kế, Cơ quan thẩm định thiết kế, Cơ sở thi công cải tạo và Cơ quan nghiệm thu và để làm rõ trách nhiệm trong thực hiện thiết kế, thi công, nghiệm thu và sử dụng phương tiện đúng mục đích cải tạo nhằm nâng cao chất lượng phương tiện xe cơ giới cải tạo…

Đại diện phòng Kiểm định xe cơ giới phổ biến Thông tư 44/2023/TT-BGTVT

Cũng tại Hội nghị, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới Nguyễn Văn Phương cũng giới thiệu Thông tư 44/2023/TT-BGTVT ngày 29/12/2023 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới và nghị định số 30/2023/NĐ-CP ngày 08/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Trong khuôn khổ Hội nghị, đại diện các Sở GTVT, các TTĐK tham dự cuộc họp đã cùng trao đổi, thảo luận về các nội dung mới được quy định tại hai Thông tư nêu trên. Đại diện Cục ĐKVN, các phòng chức năng đã giải đáp những thắc mắc của các đại biểu tham dự để làm rõ hơn các quy định mới tại hai Thông tư này nhằm giúp đưa các quy định sớm đi vào thực tế, kịp thời khi bắt đầu có hiệu lực thi hành vào 15/2/2024./.

KC