Phú Yên: Hạ tầng giao thông - động lực thu hút đầu tư

Ngày 04/03/2024
Phú Yên đang dồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Điều này phù hợp với Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi tỉnh xác định tiếp tục huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông; tạo động lực cho các hoạt động liên kết, hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng, khu vực.

Phú Yên sẽ phát triển các tuyến đường ven biển
nhằm tăng cường liên kết vùng và khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch biển đảo

Hạ tầng giao thông hoàn thiện

Theo Sở GTVT Phú Yên, hệ thống giao thông đường bộ toàn tỉnh hiện có tổng chiều dài 5.715km, gồm 6 tuyến quốc lộ, dài 447km; 10 tuyến tỉnh lộ, dài 230,8km; 659,57km đường huyện; 472,9km đường đô thị và 3.798km đường giao thông nông thôn. Nhìn chung, các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đều đã được đầu tư hoàn chỉnh, kết nối liên hoàn với các tuyến quốc lộ, tạo điều kiện cho Phú Yên kết nối vùng thông suốt với cả nước theo 2 trục Bắc - Nam và Đông - Tây.

Cụ thể, trục Bắc - Nam có 3 tuyến đường chạy dọc chiều dài của tỉnh là Quốc lộ 1, trục đường ven biển và Quốc lộ 19C. Đây là các trục đường đối ngoại quan trọng để vận chuyển, lưu thông hàng hóa, đi lại cũng như kết nối với các khu công nghiệp, sân bay, cảng biển, các khu du lịch. Theo trục Đông - Tây có tuyến Quốc lộ 25, Quốc lộ 29, ĐT643, ĐT644, ĐT650… nối Quốc lộ 1 với Quốc lộ 14 và các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk và kết nối đến cửa khẩu các nước bạn. Đây là các trục đường ngang chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, tạo sự kết nối giữa vùng đồng bằng, duyên hải miền Trung với Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên cho biết: Trong giai đoạn 2012-2022, Phú Yên đã huy động hơn 11.805 tỉ đồng đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông. Việc đầu tư, củng cố mạng lưới hạ tầng giao thông giúp rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, nhất là miền ngược với miền xuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa lưu thông, kinh tế phát triển.

Tiêu biểu, công trình cầu Dinh Ông (thuộc Dự án tuyến đường tránh lũ cứu hộ, cứu nạn nối các huyện, thành phố: Tây Hòa, Phú Hòa, Tuy Hòa, Tuy An giai đoạn 1) hoàn thành, tạo sự kết nối giao thông giữa hai huyện Phú Hòa - Tây Hòa.

Trước đó, tuyến trục dọc miền Tây (Quốc lộ 19C) hoàn thành giúp kết nối các huyện phía Tây của tỉnh cũng như tạo kết nối với các tỉnh Bình Định - Phú Yên - Đắk Lắk. Tuyến Quốc lộ 25 được nâng cấp, mở rộng không chỉ đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng lớn từ Phú Yên đi Gia Lai, cũng như nối liền duyên hải Nam Trung Bộ với khu vực Tây Nguyên.

Cuối năm 2023, Dự án đầu tư, nâng cấp, mở rộng tuyến ĐT650 được triển khai nhằm chia sẻ lưu lượng phương tiện giao thông trên Quốc lộ 19C, Quốc lộ 25, đồng thời phục vụ nhu cầu đi lại, vận chuyển nông sản, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các huyện phía tây của tỉnh.

Ngoài ra, Phú Yên còn có hệ thống đường sắt dài 95,25km; khu hàng không dân dụng Cảng hàng không Tuy Hòa, phục vụ hai tuyến bay: Tuy Hòa - TP Hồ Chí Minh, Tuy Hòa - Hà Nội và ngược lại với công suất 550.000 lượt khách/năm.

Bờ biển Phú Yên có chiều dài 189km, với một cảng vận tải tổng hợp Vũng Rô với công suất thiết kế 250.000 tấn hàng hóa/năm, tiếp nhận tàu có tải trọng đến 3.000 tấn. Địa phương đang tiếp tục định hướng phát triển các tuyến đường thủy nội địa ven biển, từ bờ ra các đảo, các điểm du lịch dọc bờ biển nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh du lịch biển đảo…

Những năm tới, Phú Yên tiếp tục huy động các nguồn lực
để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại

Lấy giao thông làm động lực

Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: Phú Yên tiếp tục huy động các nguồn lực để ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ, hiện đại với các tỉnh trong khu vực và cả nước; tạo động lực cho các hoạt động liên kết, hợp tác, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa các vùng, khu vực.

Hệ thống giao thông sẽ làm động lực kết nối đồng bộ với các khu kinh tế ven biển, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và cảng hàng không, cảng biển. Việc đầu tư hoàn thiện đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giúp kết nối tất cả địa phương trong vùng; hoàn thiện hệ thống đường tỉnh, huyện và hệ thống giao thông nông thôn.

Cụ thể, trong giai đoạn này, Phú Yên tiếp tục phát triển và kết nối mạng lưới giao thông quốc gia thông qua việc đầu tư nâng cấp, mở rộng đảm bảo theo tiêu chuẩn đối với các tuyến Quốc lộ 1D, 25, 29, 19C, đường Trường Sơn Đông và Quốc lộ 19E nối với Gia Lai; tuyến đường bộ ven biển và các tuyến đường cao tốc, đường sắt, đường thủy…

Đầu tư, nâng cấp Cảng hàng không Tuy Hòa đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc nội 4C phục vụ 3 triệu hành khách/năm; báo cáo phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng, bảo đảm phục vụ 5 triệu hành khách/năm khi có nhu cầu.

Phú Yên tiếp tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp ga Tuy Hòa (TP Tuy Hòa), ga Phú Hiệp (thị xã Đông Hòa); đề xuất đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối Phú Yên với các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh của Campuchia, Lào... Cảng biển Phú Yên cũng được quy hoạch nhóm cảng biển loại 3, bao gồm khu bến Vũng Rô và khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa.

Đối với hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh, Phú Yên tiếp tục nâng cấp, xây dựng hệ thống đường tỉnh kết nối các tuyến đường cao tốc; nâng cấp các tuyến quốc lộ đến các khu kinh tế, khu du lịch, dịch vụ trọng điểm, đường vào khu, cụm công nghiệp tạo nên mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh, liên kết giữa các phương thức vận tải, giữa đô thị và nông thôn, đạt tối thiểu cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe.

Các tuyến đường bộ ven biển cũng sẽ được hình thành trên cơ sở tận dụng tối đa các tuyến đường hiện có, kết hợp xây dựng mới, quy mô tối thiểu cấp III-IV và đường đô thị, 2-6 làn xe. Phú Yên cũng huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư các tuyến đường huyện, đường xã và giao thông nông thôn phù hợp với quy hoạch; hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

Xây dựng đường gom, điểm đấu nối giao thông vào các tuyến quốc lộ đảm bảo kết nối thuận lợi với mạng lưới giao thông các khu vực phát triển kinh tế và liên tỉnh, liên vùng. Xây dựng các trạm dừng nghỉ, bãi đỗ xe; duy trì, nâng cấp các bến xe hiện có và xây dựng mới các bến xe đạt từ loại 3 trở lên. Đối với giao thông đường thủy nội địa, Phú Yên sẽ hình thành và phát triển các tuyến vận tải thủy từ bờ biển ra các đảo; phát triển các bến, cảng thủy nội địa phục vụ vận chuyển hành khách, hàng hóa.

Phú Yên sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển, khai thác cảng biển; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển đạt nhóm cảng biển số 3, gồm: Khu bến Vũng Rô, khu bến Bãi Gốc - Đông Hòa; duy trì, nâng cấp, cải tạo hệ thống cảng cá, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão tại vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô; đầu tư mới các bến tàu, cầu phao nổi tại các địa phương ven biển để phục vụ phát triển du lịch…

Nguồn: Báo Phú Yên