Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tiếp và làm việc với Đoàn công tác Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nguồn nước Hà Lan

Ngày 18/03/2024
Chiều nay (18/3), Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã tiếp và làm việc với Đoàn công tác Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nguồn nước Hà Lan do Bộ trưởng Mark Harbers dẫn đầu.
Cùng dự buổi làm việc có lãnh đạo các cơ quan của Bộ như Cục Hàng không VN, Cục Hàng hải VN, Cục Đường thuỷ nội địa và nhiều đại diện các cơ quan đơn vị.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và đại diện lãnh đạo các cơ quan của Bộ
tại buổi tiếp Đoàn công tác Bộ Cơ sở hạ tầng và Quản lý nguồn nước Hà Lan

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Mark Harbers khẳng định, việc nâng cấp mạng lưới logistics sẽ cho phép có nhiều sản phẩm hơn được giao thương, tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Do vậy, với việc kết nối các loại hình giao thông sẽ thực hiện được mục tiêu phát triển các hành lang bền vững. Trong đó, Việt Nam là quốc gia tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây, hỗ trợ gia tăng nhu cầu vận chuyển các loại hàng hóa khác nhau, nếu mạng lưới logistics hiệu quả, đáng tin cậy, chất lượng cao sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của các sản phẩm Việt Nam, góp phần đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.

“Kinh nghiệm từ Hà Lan, tận dụng hệ thống đường thủy nội địa, kết nối hai cảng biển Rotterdam và Amsterdam với nhiều cảng thủy nhỏ khác, từ đó vận tải đến các điểm đến ở châu Âu bằng đường thủy. Vì vậy, Hà Lan được gọi là cửa ngõ vào Châu Âu. Lĩnh vực hàng hải, Hà Lan coi ba yếu tố: viện nghiên cứu, doanh nghiệp tư nhân và cơ quan chính phủ là tam giác vàng, hợp lực thúc đẩy lĩnh vực này phát triển”, Bộ trưởng Mark Harbers chia sẻđồng thời cho biết thêm, đối với lĩnh vực hàng không, giữa hai bên có tiềm năng lớn trong hợp tác mở rộng, hiện đại hóa cảng hàng không Việt Nam, bao gồm các công trình mặt đất và thiết bị, vận hành.

Cũng theo Bộ trưởng Mark Harbers, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành cửa ngõ của khu vực Đông Nam Á khi thúc đẩy phát triển, kết nối vận tải đường thủy, cảng biển và logistics. Phía Hà Lan mong muốn chia sẻ kinh nghiệp, hợp tác vận tải thủy nội địa, phát triển cảng, đóng tàu, hệ thống logistics thông minh với nhiều giải pháp khác nhau, cả về kĩ thuật, vận hành, mang lại lợi ích cho các bên tham gia.

Bộ trưởng Mark Harbers cũng thông tin, hiện Hà Lan và một tổ chức phi Chính phủ tại California (Mỹ) đồng chủ trì sáng kiến Biên bản ghi nhớ (EMU) phát thải bằng 0 đối với phương tiện hạng trung, hạng nặng nhằm đạt 100% phát thải bằng 0 vào năm 2040.

Biên bản ghi nhớ này không phải là ràng buộc pháp lý mà mục tiêu nhằm hài hòa hóa, hướng các bên liên quan hỗ trợ, giúp nhau thực hiện và đạt được sự chuyển đổi này. Hiện đã có 33 quốc gia tham gia ký kết EMU và 130 đơn vị khác thông qua như chính quyền cấp địa phương, doanh nghiệp...

Tháng 10/2023, Việt Nam cũng đã được mời tham gia ký kết chính thức EMU cấp toàn cầu này. Hiện thư mời đã được gửi tới Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam; Bộ Công thương được Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối về việc này.

"EMU này có liên quan nhiều đến lĩnh vực GTVT. Do vậy, chúng tôi mong rằng Bộ GTVT sẽ thảo luận, có ý kiến với Bộ Công thương để sớm có các đề xuất về việc ký kết EMU", Bộ trưởng Mark Harbers đề nghị.

Chào mừng Bộ trưởng Mark Harbers đến làm việc với Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, Việt Nam và Hà Lan đã thiết lập mối quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và tới năm 2019, hai bên đã nâng cấp mối quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Trong suốt chặng hơn 50 năm qua, hai bên đã thúc đẩy hợp tác toàn diện, không chỉ bao gồm trao đổi kinh tế, thương mại mà còn cả những lĩnh về ứng phó với biến đổi khí hậu, nông nghiệp, năng lượng tái tạo… để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và chung tay ứng phó hiệu quả với các thách thức toàn cầu.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tại buổi làm việc

“Quan hệ Việt Nam - Hà Lan luôn được lãnh đạo cấp cao hai nước quan tâm, thúc đẩy trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực GTVT. Hà Lan đã dành nhiều hỗ trợ cho ngành GTVT Việt Nam, đặc biệt là các hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, đường thủy nội địa và hàng không”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng thông tin thêm, trong đó, lĩnh vực hàng hải và đường thủy nội địa, Thỏa thuận công nhận giấy chứng nhận khả năng chuyên môn của thuyền viên theo Công ước STCW giữa Việt Nam và Hà Lan đã được ký kết vào năm 2002. Thỏa thuận này là cơ sở pháp lý để tạo thuận lợi cho các thuyền viên Việt Nam làm việc trên các tàu biển của Hà Lan và cũng là cơ sở để hai bên triển khai nhiều hoạt động trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực hàng hải.

Lĩnh vực hàng không, Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Vương quốc Hà Lan về vận tải hàng không giữa và qua lãnh thổ hai nước ký chính thức ngày 1/10/1993 tại Hà Nội. Mặc dù hiện nay chưa có hãng hàng không nào của hai nước khai thác đường bay giữa Việt Nam và Hà Lan, nhưng tiềm năng kết nối hàng không trực tiếp giữa hai nước là rất lớn.

Bên cạnh đó, năm 2016, Cục Hàng không VN, Công ty Tư vấn cảng hàng không Hà Lan (NACO) và đại diện một số doanh nghiệp Hà Lan đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực hàng không dân dụng giai đoạn 2016-2019. Trong khuôn khổ hợp tác này, hai bên đã phối hợp tổ chức các diễn đàn hàng không dân dụng và một số khóa đào tạo chuyên môn về quản lý năng lực cảng hàng không, quản lý hoạt động bay.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sắp tới sẽ công tác tại Hà Lan. Bộ trưởng bày tỏ mong muốn phía Hà Lan hỗ trợ điều kiện thuận lợi để đoàn công tác Bộ GTVT Việt Nam tìm hiểu, được chia sẻ kinh nghiệm của Hà Lan trong đầu tư và vận hành hệ thống giao thông thông minh; trong quản lý, khai thác cảng biển, trong đó có cảng Rotterdam.

"Qua 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, tôi cho rằng đã đến lúc hai nước tự tin hướng tới những hợp tác mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Cùng đó thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, nhất là trong các lĩnh vực đường thủy, cảng biển, hàng không... Đây cũng là các lĩnh vực Việt Nam có thế mạnh tại khu vực Châu Á và ASEAN", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đánh giá cao những nội dung mà hai bên đã trao đổi tại buổi làm việc, đồng thời đề xuất tăng cường hợp tác giữa hai Bộ trong thời gian tới. Trong đó, hai bên tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai các nội dung hợp tác nêu tại các bản thỏa thuận hợp tác, bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, cảng, thủy nội địa và hàng không đã ký giữa các đối tác của hai nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên tiếp xúc và hợp tác hiệu quả.


Bộ trưởng Mark Harbers tặng quà lưu niệm cho Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng đề nghị phía Hà Lan xem xét tiếp tục hỗ trợ cấp học bổng đào tạo cán bộ tại Hà Lan trong các lĩnh vực khai thác cảng, số hóa trong lĩnh vực đường thủy, hàng hải, cảng biển, logistics; phối hợp triển khai các chương trình nghiên cứu chung liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho hệ thống cảng và đường thủy Việt Nam.

Cùng đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị hai bên tăng cường các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như giao thông thông minh, quản lý - khai thác cảng biển.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đề nghị hai bên phối hợp xem xét khả năng mở đường bay thẳng giữa Việt Nam và Hà Lan.

Bộ trưởng cũng gợi ý một số hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực hàng không như: Doanh nghiệp Hà Lan cung cấp thiết bị, giải pháp quản lý tại các cảng hảng không Việt Nam...

Về ý kiến trao đổi của phía Hà Lan liên quan đến Biên bản ghi nhớ cấp toàn cầu về giảm phát thải khí carbon, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định Bộ GTVT luôn ủng hộ các sáng kiến, giải pháp về nội dung này. Việt Nam cũng đã có chương trình, kế hoạch hành động về thực hiện giảm phát thải, mục tiêu đến 2050 phát thải ròng bằng 0; trong đó Bộ GTVT được giao nhiều nhiệm vụ.

"Bộ GTVT sẽ cùng Bộ Công thương Việt Nam nghiên cứu nghiêm túc, tham mưu Chính phủ về vấn đề này", Bộ trưởng Thắng nhấn mạnh.

Kết thúc buổi làm việc, hai bên thống nhất tiếp tục trao đổi, hiện thực hóa các hợp tác trong thời gian tới, trong đó có giao thông bền vững, bảo vệ môi trường, nhất là trong hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hai nước hợp tác, phát triển.

 

H.L