Trả lời kiến nghị cử tri TP Hồ Chí Minh về nâng cao hiệu quả tuyên truyền an toàn giao thông

Ngày 22/03/2024
Bộ GTVT có Văn bản số 3045/BGTVT-VT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh trả lời kiến nghị cử tri Thành phố Hồ Chí Minh gửi tới sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV về nâng cao hiệu quả tuyên truyền an toàn giao thông.

Theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024 do Ban Dân nguyện chuyển đến Bộ Giao thông vận tải, cử tri Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị như sau:
Cử tri mong muốn các cơ quan chức năng sớm có những giải pháp khả thi tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để người dân an toàn khi tham gia giao thông

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ Giao thông vận tải xin trả lời như sau:

Để tăng cường công tác quản lý, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để người dân an toàn khi tham gia giao thông và tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị chỉ đạo và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ các giải pháp (Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 04/9/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; Chỉ thị số 23-CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới; Nghị Quyết số 21/2011/QH13 ngày 26/11/2011 của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII; Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 05/4/2022 của Chính phủ về tăng cường thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 – 2025; Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045).

Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết trên của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định nhiệm vụ, mục tiêu thực hiện: “Hàng năm giảm 5 - 10% số người chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường; thể chế quản lý về an toàn giao thông phù hợp, hiệu lực và hiệu quả; kết cấu hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông an toàn, hiện đại, thân thiện môi trường; người tham gia giao thông có kiến thức, kỹ năng, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, hình thành văn hóa giao thông an toàn; có hệ thống cấp cứu, điều trị kịp thời, hiệu quả đối với nạn nhân tai nạn giao thông; áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông”; đồng thời xác định các giải pháp: nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để người dân an toàn khi tham gia giao thông là những giải pháp trong 05 trụ cột về an toàn giao thông (gồm: Quản lý nhà nước, Kết cấu hạ tầng, Phương tiện giao thông, Người tham gia giao thông, Ứng phó sau tai nạn giao thông).

Thực hiện Quyết định số 2060/QĐ-TTg, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành Quyết định số 419/QĐ-BGTVT ngày 18/03/2021 về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có giao cụ thể nhiệm vụ cho các cơ quan đơn vị trong toàn ngành triển khai thực hiện các nội dung: (1) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời ứng dụng và phát triển các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. (2) Nghiên cứu, xem xét triển khai cập nhật dữ liệu tai nạn giao thông trên nền bản đồ số giao thông để phục vụ công tác quản lý, phát hiện và xử lý kịp thời các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông đường bộ; (3) Áp dụng đồng bộ hệ thống quản lý, điều hành giao thông thông minh để bảo đảm việc vận hành, khai thác an toàn mạng lưới giao thông liên vùng, trên các tuyến đường bộ cao tốc và các quốc lộ trọng yếu. (4) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn khi đầu tư, xây dựng các hạng mục công trình giao thông để tổ chức giao thông thông minh, nhằm giảm ùn tắc và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống quốc lộ, đặc biệt là đường bộ cao tốc. (5)Triển khai thực hiện chương trình tuyên truyền, giáo dục an toàn giao thông qua các phương tiện thông tin đại chúng ở trung ương, các mạng xã hội, các ứng dụng trên các thiết bị thông minh, các ứng dụng trò chơi; tổ chức vận động xây dựng văn hóa giao thông trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc; xây dựng và hoàn thiện các cẩm nang sổ tay an  toàn giao thông trên đường bộ cao tốc, đường giao thông nông thôn dưới dạng các ứng dụng trên nên tảng di động thông minh…

Các bộ, ngành, địa phương đang tiếp tục thực hiện các giải pháp và nhiệm vụ đã được giao tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải đang hoàn thiện hai dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp vào tháng 5 năm 2024.  Qua đó tiếp tục nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, góp phần phòng ngừa, hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn giao thông và các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách, hàng hóa; tăng cường công tác quản lý, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để người dân an toàn khi tham gia giao thông.

Nguồn: Bộ GTVT