Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh mở rộng và hợp tác phát triển đào tạo trong lĩnh vực hàng hải với các đối tác trong khu vực

Ngày 25/03/2024
Từ ngày 14-18/3/2024, PGS.TS. Nguyễn Xuân Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn công tác tại Thâm Quyến (Trung Quốc) theo lời mời của Giáo sư, TS. Shan Hongjun - Hiệu trưởng Trường Đại học hàng hải Đại Liên.

PGS.TS. Nguyễn Xuân Phương phát biểu tham luận
xây dựng nguồn nhân lực hàng hải chất lượng cao trong thời đại mới

Trong chuyến công tác, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tham dự lễ khánh thành Trung tâm phát triển bền vững hàng hải quốc tế, trực thuộc Trường Đại học hàng hải Đại Liên tại Thâm Quyến. Chương trình có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo đặc khu kinh tế Hồng Kông, Thâm Quyến, các học giả tư vấn xây dựng chính sách và các nhà nghiên cứu và giảng dạy đại học trong khu vực. Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp tham luận về những nội dung cần hành động để kịp thời chuẩn bị và đào tạo thế hệ nhân lực hàng hải chất lượng cao, có khả năng làm việc trong môi trường toàn cầu hoá và hội nhập sâu rộng, sẵn sàng phục vụ cho công cuộc đổi mới toàn diện ngành hàng hải quốc gia và khu vực.

Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh
tham quan Trung tâm phát triển bền vững hàng hải quốc tế

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Xuân Phương nhấn mạnh: trong bối cảnh của Việt Nam nói riêng, tính đến năm 2025, công tác đào tạo và bồi dưỡng phải đạt khoảng 42.000 sĩ quan, thuyền viên chất lượng cao; trong đó đào tạo mới khoảng 15.000 người (nhằm bổ sung và thay thế lực lượng hiện có). Cùng với đó, khoảng 6.000 sĩ quan quản lý và khoảng 9.000 thuyền viên, công nhân kỹ thuật hàng hải phải được đào tạo để phục vụ chiến lược kinh tế biển mà Đảng đã đề ra. Để làm được điều này, xuất phát từ kinh nghiệm đào tạo thực tế, UTH đề xuất ba nhóm giải pháp cần phải thực hiện ngay như sau. Một là, liên tục cải tiến chương trình đào tạo. Theo đó, cơ sở giáo dục đại học phải kiến tạo môi trường học tập mở, sôi động, đề cao tính phản biện, đa dạng phương thức tiếp cận. Qua đó, giúp người học gia tăng cơ hội tiếp xúc nhiều kiến thức mới và toàn diện. Hai là, đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành hàng hải để thúc đẩy cơ chế phối hợp nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; đồng thời tạo cơ hội thực tập chuyên sâu cho người học. Ba là, coi trọng hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng hải. Xuất phát từ bản chất xuyên biên giới trong quá trình khai thác và vận tải biển, việc đào tạo nhân lực hàng hải phải luôn lấy tiêu chuẩn toàn cầu làm thước đo tham chiếu cho công tác xây dựng và kiện toàn chương trình đào tạo.

Toàn cảnh phiên bỏ phiếu đại diện khu vực Châu Á, Thái Bình Dương, Châu Đại Dương

năm 2025 - 2026 trong khuôn khổ hành động của Hiệp hội IAMU

PGS. TS. Nguyễn Xuân Phương và lãnh đạo các Trường Đại học hàng hải
trong khu vực Châu Á, Thái Bình Dương và Châu Đại Dương

Trong khuôn khổ chuyến công tác, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tham dự phiên bỏ phiếu lựa chọn đại diện khu vực Châu Á, Thái Bình Dương và Châu Đại Dương tại Hiệp hội quốc tế các trường đại học hàng hải (IAMU) giai đoạn 2025-2026. Đây là hoạt động được tổ chức định kỳ hai năm một lần, hướng đến xây dựng và củng cố một cộng đồng hàng hải Châu Á, Thái Bình Dương và Châu Đại Dương đoàn kết và phát triển, góp phần gia tăng tiếng nói chính sách của khu vực tại các hội nghị hàng hải thế giới.

GS.TS. SHAN Hongjun - Hiệu trưởng Trường Đại học hàng hải Đại Liên tiếp kiến

PGS. TS. Nguyễn Xuân Phương - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TP. HCM

Đồng thời, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh tham dự Diễn đàn hợp tác kinh tế Trung Quốc – ASEAN GBA. Tại Diễn đàn, các diễn giả, các nhà kinh tế, các doanh nghiệp cùng thảo luận triển vọng kinh tế tươi sáng tại ASEAN khi tiếp nhận làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ doanh nghiệp khu vực vịnh lớn (Greater Bay) Quảng Đông - Hồng Kông – Ma Cao (GBA). Đón đầu sự kiện này, Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh chủ động hoạch định công tác đào tạo, tái cấu trúc các ngành trọng điểm như Kinh tế biển, Khoa học hàng hải, Logistics nhằm kịp thời thích ứng với sự biến động và dịch chuyển kinh tế trong khu vực.