Đồng Nai: Tập trung nâng cấp, sửa chữa các tuyến đường tỉnh

Ngày 02/04/2024
Đồng Nai hiện có 24 đường tỉnh với tổng chiều dài gần 500km. Đây là những tuyến giao thông huyết mạch kết nối các huyện, thành phố trên toàn tỉnh (cùng với các tuyến quốc lộ, đường cao tốc).

Công nhân thi công duy tu, lắp đặt mương thoát nước

trên đường tỉnh 767 (huyện Trảng Bom).

Trong năm 2023 và 2024, Sở Giao thông vận tải, Ban Quản lý dự án công trình giao thông tỉnh đã và sẽ phối hợp duy tu, sửa chữa, nâng cấp nhiều hạ tầng đường tỉnh, góp phần đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) và để người dân đi lại thuận tiện hơn.

Chấn chỉnh các bất cập hiện hữu

Đường tỉnh 767 là tuyến đường huyết mạch kết nối huyện Trảng Bom và huyện Vĩnh Cửu với điểm đầu tại ngã ba Trị An (giao với Quốc lộ 1) và điểm cuối thuộc xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu). Vào các khung giờ cao điểm, tuyến đường này có lượng phương tiện di chuyển dày đặc tại các vị trí thuộc xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) và xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) do các loại phương tiện ra vào Khu công nghiệp Sông Mây (huyện Trảng Bom).

Tuy nhiên, cuối năm 2023, trên mặt đường xuất hiện rạn nứt và các vết lún, “ổ gà” khiến việc tham gia giao thông của các phương tiện gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, một số đoạn qua khu vực xã Bắc Sơn còn chưa có hệ thống thoát nước hoàn chỉnh, dẫn tới tình trạng ngập cục bộ tại các vị trí ngoài Khu công nghiệp Sông Mây. Tình trạng trên nhiều lần được người dân địa phương phản ảnh và đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp khắc phục.

Đây cũng là tình trạng chung của một số tuyến đường tỉnh trọng điểm như: đường tỉnh 778 (kết nối huyện Trảng Bom và huyện Long Thành), đường tỉnh 765 (kết nối huyện Cẩm Mỹ và huyện Xuân Lộc), đường tỉnh 762 (kết nối huyện Trảng Bom và huyện Thống Nhất), đường tỉnh 763 (kết nối huyện Xuân Lộc và huyện Định Quán), đường tỉnh 767B (kết nối thành phố Biên Hòa và huyện Vĩnh Cửu)… Đây là những tuyến đường có vị trí điểm đầu giao với các quốc lộ, có mật độ phương tiện di chuyển khá đông đúc. Vì vậy,  các bất cập về hạ tầng như trên sẽ kéo theo nguy cơ tai nạn giao thông tiềm ẩn.

Chính vì vậy, nhằm khắc phục bất cập để đảm bảo an toàn giao thông trên các đoạn tuyến trên, từ cuối năm 2023 đến nay, Sở Giao thông vận tải và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh tiến hành duy tu, sửa chữa các vị trí hư hỏng như: rải thảm toàn mặt đường trên toàn tuyến; bổ sung hoàn chỉnh chỉnh hệ thống thoát nước trên một số tuyến đường tỉnh như: 767, 778…

Đến nay, cơ quan chức năng đã hoàn thành thảm bê tông nhựa trên các đoạn đường tỉnh 767 và 778. Đồng thời, đang thi công bổ sung mương thoát nước kéo dài hơn 1km trên tuyến đường tỉnh 767. Riêng đường tỉnh 763, các đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện các phần còn lại của công trình mở rộng tuyến đường này (đoạn qua huyện Xuân Lộc) để sớm giúp các phương tiện di chuyển thuận lợi.

Chị Vũ Thùy Vân (ngụ huyện Trảng Bom) cho biết: “Đường tỉnh 767 và 778 được thi công sửa chữa mặt đường, bố trí thêm mương, cống thoát nước đã giúp việc đi lại của người dân thuận lợi. Tôi đề nghị các đơn vị chức năng tiếp tục lắng nghe ý kiến phản ảnh của người dân để kịp thời khắc phục, sửa chữa những bất cập, đảm bảo an toàn cho người dân địa phương và các phương tiện tham gia giao thông”.

Trong Quý II/2024, Sở Giao thông vận tải sẽ tiếp tục thực hiện công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo kế hoạch được duyệt, nhất là thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT các vị trí trường học nằm trên các tuyến đường tỉnh và thẩm định, góp ý kịp thời, đảm bảo chất lượng các công trình giao thông trên địa bàn Đồng Nai.

Tăng kết nối và đảm bảo ATGT

Mặc dù đã liên tục duy tu, sửa chữa các tuyến đường tỉnh nhưng hiện nay một số đoạn trên các tuyến đường tỉnh vẫn còn tồn tại các bất cập. Như 2 vị trí đầu đường tỉnh 769 (đoạn qua huyện Long Thành và huyện Thống Nhất) thường xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm do lượng xe đông, đường lại nhỏ. Hay dải phân cách đường tỉnh 767 (đoạn qua huyện Vĩnh Cửu) thường bị các xe ô tô tông gãy đổ tạo thành các “điểm mở” trên đường mà người đi xe máy thường băng ngang, rất nguy hiểm.

Vì vậy, để kịp thời củng cố kết cấu hạ tầng các tuyến đường tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, Sở Giao thông vận tải đã thường xuyên kiểm tra các tuyến đường trục chính quan trọng của tỉnh. Đồng thời, Sở chủ động phối hợp với các ngành, địa phương để tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là tiếp tục chú trọng công tác duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông, đảm bảo giao thông được thông suốt, an toàn, góp phần hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông tạo sức bật cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Cũng theo Sở Giao thông vận tải, các dự án duy tu, sửa chữa đột xuất trên các tuyến đường tỉnh được thực hiện từ năm 2022 đến nay là 60 dự án. Cụ thể, có 15 dự án đã hoàn thành, 18 dự án đang triển khai thi công, 5 dự án dự kiến triển khai thi công trong năm 2024 và 22 dự án đang lập hồ sơ. Qua đó kịp thời xử lý các hư hỏng nền đường, mặt đường, hệ thống thoát nước…, góp phần đảm bảo ATGT, thông suốt trên các tuyến đường tỉnh.

Tại Hội nghị Tổng kết công tác bảo đảm trật tự ATGT năm 2023, triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng đề nghị các cơ quan quản lý, khai thác tuyến đường bộ và các địa phương cùng phối hợp thực hiện các nhiệm vụ trong bảo đảm kết cấu hạ tầng giao thông, ATGT. Cụ thể là tăng cường rà soát, thực hiện công tác duy tu, sửa chữa mặt đường hư hỏng, xuống cấp; khôi phục các vạch sơn bị mòn mờ; thay thế và sửa chữa các biển báo giao thông, đan mương bị hư hỏng; khơi thông hệ thống mương để bảo đảm thoát nước.

Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, đặc biệt phải khẩn trương khắc phục các tồn tại, bất cập về hạ tầng giao thông theo thẩm quyền quản lý. Các cơ quan quản lý, khai thác tuyến đường bộ và các địa phương chịu trách nhiệm theo quy định nếu để xảy ra tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do chậm trễ khắc phục, xử lý./.

Nguồn: Báo Đồng Nai