Lợi lớn từ hệ thống giao thông thông minh đối với các đô thị lớn

Ngày 26/04/2024
Phát triển hệ thống giao thông thông minh (ITS) và bền vững là xu hướng của tất cả các đô thị trên thế giới. Tại Việt Nam, chính quyền đô thị lớn cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan từng bước ứng dụng công nghệ này.

Lợi lớn từ hệ thống giao thông thông minh đối với các đô thị lớn- Ảnh 1.

Ứng dụng hệ thống ITS trong quản lý giao thông đô thị tại TP. Hồ Chí Minh

Giao thông thông minh góp phần cải thiện công tác quản lý, điều hành giao thông

Theo GS. TS. Lê Hùng Lân, Trường Đại học GTVT, từ năm 2018 đến nay, thực hiện Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, đã có 41/63 tỉnh, thành trong cả nước đã hoặc đang triển khai xây dựng Đề án phát triển thành phố thông minh. Khoảng trên 10 tỉnh, thành đã triển khai ứng dụng về ITS, kiểm soát trật tự, an toàn đô thị. Hệ thống giao thông thông minh đặc biệt được coi trọng, phát triển ở các thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng... khi số lượng phương tiện tăng nhanh trong khi điều kiện hạ tầng giao thông đô thị chưa kịp đáp ứng và hệ thống giao thông công cộng bằng xe buýt chưa đáp ứng yêu cầu. Đồng thời, hệ thống giao thông công cộng sức chở lớn (như metro) chưa hình thành hoặc chỉ ở mức khởi đầu đã dẫn đến tình hình ùn tắc giao thông, TNGT ngày càng nghiêm trọng. Các đô thị lớn đang từng bước xây dựng các trung tâm quản lý, điều hành giao thông đô thị thông minh, bước đầu góp phần cải thiện công tác quản lý, điều hành giao thông, trong đó tiêu biểu là TP. Hồ Chí Minh.

GS. TS. Lê Hùng Lân nhấn mạnh, hệ thống giao thông thông minh (ITS) ra đời từ nhu cầu bức thiết về cải thiện tình hình giao thông khi cơ sở hạ tầng không theo kịp đà đô thị hóa, quỹ đất hạn chế. ITS sử dụng các công nghệ tiên tiến, chủ yếu là thông tin, truyền thông vào tăng cường mối quan hệ giữa các thành phần của hệ thống giao thông như người, xe và đường.

Trên cơ sở đó, ITS mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như tăng cường ATGT, tiện nghi cho người tham gia giao thông, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Điều này đã được ghi nhận tại nhiều quốc gia, thành phố trên thế giới trong thời gian qua. Trong khuôn khổ thành phố thông minh, đích đến của các đô thị hiện đại thì ITS là thành phần không thể thiếu.

TP. Hồ Chí Minh: ITS kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu 817 camera giám sát giao thông

Nhận thức được vai trò của ITS, từ những năm 2016, TP. Hồ Chí Minh triển khai dự án nâng cấp hệ thống điều khiển giao thông hiện hữu phục vụ công tác điều hành giao thông đô thị với tổng mức đầu tư 250 tỷ đồng, làm cơ sở hình thành Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị vào năm 2020, trên nền tảng phát triển từ Trung tâm Quản lý đường hầm sông Sài Gòn. Trung tâm có chức năng "Tổ chức quản lý, vận hành hệ thống giám sát và điều khiển giao thông; quản lý, triển khai ứng dụng hệ thống ITS trên địa bàn thành phố".

Hệ thống ITS đặt tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị đã tập trung triển khai các nội dung:

Giám sát giao thông: Kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu 834 camera giám sát giao thông. Bên cạnh đó, thu thập, hiển thị thông tin giao thông (mật độ, lưu lượng, tốc độ...) từ 118 camera đo đếm tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường.

Điều khiển tín hiệu giao thông: Điều khiển đèn tín hiệu giao thông linh hoạt thông qua hệ thống cảm biến quan trắc, thu thập dữ liệu giao thông tự động tại 118 mặt cắt ngang các tuyến đường; các thông số của dòng giao thông (lưu lượng, vận tốc trung bình, mật độ phương tiện) được hệ thống trung tâm phân tích, tính toán để đưa ra chiến lược điều khiển đèn tín hiệu giao thông phù hợp tại 216 nút giao thông trọng điểm, nằm trên 36 km2 khu vực các tuyến đường trung tâm thành phố theo kịch bản tương ứng với từng thời điểm và tình hình giao thông trong ngày. Cùng với đó, hệ thống giám sát giao thông thông qua hệ thống camera cũng được kết nối, tích hợp và chia sẻ dữ liệu 817 camera giám sát giao thông tại Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị.

Bên cạnh việc đầu tư, khai thác sử dụng có hiệu quả Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị, Sở Thông tin và Truyền thông đã đề xuất UBND Thành phố ban hành Hướng dẫn tiêu chuẩn kỹ thuật khuyến nghị đối với các hệ thống camera quan sát trên địa bàn Thành phố nhằm đảm bảo tính đồng bộ, tương thích với hệ thống camera giám sát trên địa bàn là tiền đề để tích hợp, kết nối, chia sẻ hệ thống camera giám sát của các nguồn lực xã hội đã đầu tư về Trung tâm.

Để triển khai thực hiện, TP. Hồ Chí Minh dự kiến triển khai các dự án cụ thể: Dự án nâng cấp 200 chốt đèn tín hiệu giao thông thông minh điều khiển linh hoạt và 300 thiết bị đo đếm phân tích lưu lượng, mật độ giao thông; Dự án bổ sung hệ thống camera giám sát phục vụ công tác kiểm soát giao thông, đầu tư 200 camera ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) phục vụ giám sát giao thông độ phân giải cao, có tính năng phát hiện sự cố tự động; Dự án nâng cấp hệ thống điều khiển phục vụ quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng (giai đoạn 1), triển khai hệ thống kiểm soát xe ra, vào bến khoảng 35 điểm đầu cuối bến, 200 nhà chờ xe buýt và nâng cấp hệ thống phần cứng, phần mềm quản lý vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

Dự án trang bị phần mềm, thiết bị phục vụ điều hành, giám sát hoạt động giao thông đường thủy khu vực TP. Hồ Chí Minh, lắp đặt hệ thống camera giám sát luồng tuyến trên các tuyến trọng điểm, ngã ba sông, các vị trí cầu yếu, tại các cảng, bến thủy nội địa; Dự án thu phí không dừng lưu thông vào trung tâm Thành phố để hạn chế ùn tắc giao thông...

TP. Đà Nẵng: Hệ thống thông tin hỗ trợ người dân, du khách tìm kiếm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng

Thời gian qua, Sở GTVT TP. Đà Nẵng phối hợp với Tập đoàn Công nghệ đa quốc gia (IBM) xây dựng chương trình ITS cho toàn thành phố. Trung tâm Điều hành đèn tín hiệu giao thông và vận tải công cộng TP. Đà Nẵng tiến hành lắp đặt hệ thống camera giám sát giao thông, hỗ trợ giám sát, điều hành và giúp lực lượng công an giám sát các vi phạm, tiến tới thực hiện "xử phạt nguội". Dự án xây dựng và nâng cấp hệ thống tín hiệu và điều khiển giao thông TP. Đà Nẵng thực hiện từ năm 2004 đến năm 2012 từ nguồn vốn ODA của Tây Ban Nha, tiến hành điều khiển phối hợp các nút giao thông trên một số tuyến đường theo hình thức "làn sóng xanh".

Theo lộ trình, từ năm 2018 đến 2025, ITS Đà Nẵng tiếp tục đầu tư hệ thống giám sát thu thập dữ liệu giao thông đều khắp trên các nút giao có điều khiển bằng đèn tín hiệu và các điểm trọng yếu, tích hợp AI tối ưu giao thông thành phố. Ngành GTVT cũng triển khai các hệ thống thông tin hỗ trợ người dân, du khách tìm kiếm, sử dụng phương tiện giao thông công cộng (trạm dừng xe buýt, bãi đỗ xe công cộng, các khu vực kẹt xe, cấm đường, cấm đậu, đỗ xe...); triển khai các hệ thống giám sát, quản lý thu phí đậu, đỗ xe thông minh, giám sát truy vết phát hiện vi phạm, số hóa hạ tầng giao thông trên bản đồ số...

Đến tháng 3/2021, Thành phố đã đầu tư lắp đặt tổng cộng 181 nút tín hiệu điều khiển giao thông các loại (bao gồm 3 đèn tín hiệu dành cho người đi bộ) tại các nút giao thông phức tạp, có mật độ lưu lượng các phương tiện tham gia giao thông cao trên toàn địa bàn nhằm điều tiết, đảm bảo ATGT. Trong đó, có 62 nút đèn tín hiệu đã kết nối trực tiếp về Trung tâm, số còn lại điều khiển cục bộ tại nút, chưa được chuẩn hóa giao thức kết nối giám sát điều khiển từ trung tâm. Sở GTVT cũng đã triển khai lắp đặt, đưa vào sử dụng 177 camera giám sát xử lý vi phạm, 16 thiết bị đo tốc độ chuyên dụng, 76 camera quan sát để giám sát tại 48 nút giao thông và 8 tuyến đường.

Đối với Hải Phòng, đây là thành phố cảng quan trọng, trung tâm công nghiệp, cảng biển, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế vùng đồng bằng sông Hồng. Để ứng dụng công nghệ, hệ thống ITS, Thành phố đã thành lập Trung tâm Quản lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông quản lý gồm 108 nút trên toàn TP. Hải Phòng, trong đó có 82 nút tín hiệu giao thông hiện trạng chạy độc lập, 26 nút tín hiệu giao thông áp dụng hệ thống điều khiển giao thông thông minh và gắn camera quan sát kết nối điều khiển về Trung tâm.

Nguồn: Tạp chí GTVT