Ngành GTVT Cà Mau chuyển đổi số để tạo đột phá trong công tác quản lý

Ngày 02/05/2024
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là khâu đột phá, giúp thay đổi căn bản phương thức quản lý, hoạt động, hiện đại hóa ngành giao thông vận tải (GTVT), góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá trong việc thực hiện các mục tiêu, ngành GTVT Cà Mau đã, đang nỗ lực thực hiện mục tiêu CĐS.

screen-shot-2024-04-17-at-15.41.41(1).png

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)

Trong thời gian qua, ngành GTVT Cà Mau đã tích cực triển khai, tăng cường ứng dụng CNTT và CÐS trong hoạt động của ngành, qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý và hoạt động GTVT trên địa bàn tỉnh.

Lãnh đạo Sở GTVT Cà Mau luôn quan tâm, chỉ đạo thường xuyên đối với công tác cải cách hành chính (CCHC). Trên cơ sở các văn bản, quy định của cấp trên, hằng năm, đơn vị đã xây dựng và ban hành đầy đủ kịp thời các văn bản cũng như chương trình, kế hoạch liên quan tới công tác CCHC để đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Nhiều năm liền, Sở GTVT Cà Mau được UBND tỉnh đánh giá kết quả CCHC xuất sắc, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giao dịch hành chính. Trung bình hàng năm Sở giải quyết 45 - 50.000 hồ sơ trong danh mục 123 TTHC thuộc 5 lĩnh vực là thẩm định, đường bộ, đường thuỷ nội địa, đăng kiểm, hàng hải.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2023, Sở GTVT Cà Mau đã tiếp nhận 11.365 hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh. Theo đó, đã giải quyết đúng và trước hạn 11.358 hồ sơ, gần đạt 100%; còn lại 7 hồ sơ đang trong thời hạn giải quyết. Việc thực hiện DVCTT tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, với tỷ lệ hồ sơ qua DVCTT đạt 76% (cùng kỳ 0,1%); tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 96,7% (cùng kỳ 0%); tỷ lệ số hóa kết quả giải quyết TTHC đạt 76,7% (cùng kỳ 0%); tỷ lệ cấp kết quả điện tử đạt 90,65%. Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt trên 99,51%.

Bên cạnh đó, Sở thường xuyên rà soát cập nhật các TTHC mới ban hành để đăng nhập đầy đủ kip thời vào hệ thống DVCTT của tỉnh, quốc gia; phục vụ tốt nhu cầu của người dân và DN.

Cà Mau còn là một trong những tỉnh ở khu vực miền Tây Nam Bộ tiên phong trong thực hiện hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu (CSDL) ngành GTVT.

Xây dựng hệ thống quản lý CSDL ngành GTVT, tạo đột phá trong công tác quản lý

Tại Hội thảo CĐS ngành GTVT khu vực phía Nam diễn ra mới đây, ông Lê Thành Huấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau đã chia sẻ quá trình triển khai dự án xây dựng hệ thống CSDL do VNPT phát triển, phục vụ CĐS Sở GTVT Cà Mau từ tháng 6 đến tháng 12/2023.

Theo đó, Sở GTVT tỉnh Cà Mau tạo điều kiện cho VNPT để thực hiện dự án với 2 nội dung công việc chính: (i) Hoàn thiện phần mềm quản lý và khai thác CSDL ngành giao thông: Quản trị CSDL, quản trị bản đồ, quản lý hồ sơ, quản lý tra cứu số liệu tổng hợp, quản lý cung cấp dịch vụ chia sẻ bản đồ hạ tầng GTVT, quản trị hệ thống; (ii) Xây dựng CSDL kết cấu hạ tầng giao thông: Thu thập, chuẩn hóa xây dựng CSDL tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, chuẩn hóa xây dựng CSDL tài sản Kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, chuẩn hóa xây dựng CSDL hạ tầng vận tải, chuẩn hóa chuyển đổi CSDL quy hoạch hạ tầng giao thông.

Việc triển khai dự án đã giúp Sở GTVT Cà Mau quản lý dữ liệu tập trung, tổng hợp theo không gian, theo thời gian trên cùng một hệ thống trực quan hóa. CSDL được minh bạch hóa và đưa về chung một chuẩn; việc tra cứu, thống kê, báo cáo dữ liệu chính xác, hiệu quả, trực quan theo tiêu chí, thông tin mong muốn. Đồng thời giúp việc chia sẻ, kết nối dữ liệu giao thông với các hệ thống khác của tỉnh dễ dàng; cập nhật dữ liệu theo thời gian trên cùng một hệ thống đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.

Mặt khác, hệ thống CSDL còn giúp nhìn toàn cảnh về quy hoạch giao thông, hiện trạng kết cấu hạ tầng giao thông hỗ trợ quản lý, điều hành và ra quyết định.

Theo ông Lê Thành Huấn, kế hoạch triển khai tiếp theo trong năm 2024 và các năm tiếp theo đó: Xây dựng và hoàn thiện Quy chế vận hành; Hoàn thiện CSDL đường thủy, đường đô thị, đường huyện….

“Ngoài CSDL còn có các lớp quy hoạch của ngành GTVT phục vụ công tác định hướng, lãnh đạo có thể trực quan xem xét một tuyến đường cần đồng bộ gì, như tải trọng cầu - đường, số lượng cầu cần đầu tư xây dựng để đảm bảo lưu thông, hơn nữa còn thể hiện tính kết nối khi xác định thứ tự ưu tiên của các dự án trên cơ sở đảm bảo nguồn lực thực hiện”, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Cà Mau khẳng định.

picture1.png

Ông Phạm Huy Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty VNPT-IT.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Huy Hoàng, Phó Tổng giám đốc Công ty VNPT-IT, cho biết: "Chúng ta đều đã biết những ứng dụng CNTT vào công tác quản lý nhà nước từ công tác phục vụ công dân đến quản lý chuyên ngành là vô cùng cần thiết, giúp giảm dần áp lực về nhân sự, tối ưu tốc độ xử lý hồ sơ, giảm thiểu các rủi ro, sai sót, hỗ trợ lãnh đạo ra quyết định kịp thời. Nắm bắt nhu cầu đó, VNPT đã nghiên cứu và phát triển các giải pháp CNTT phục vụ công tác CĐS chính quyền nói chung và ngành GTVT nói riêng bao gồm: Nền tảng bản đồ số, hệ thống quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống camera giám sát giao thông, hệ thống tiếp nhận quản lý sự cố, trung tâm điều hành tập trung".

“Những giải pháp ứng dụng CNTT mà VNPT phát triển để phục vụ công tác CĐS của ngành GTVT sẽ góp phần hỗ trợ cho việc quản lý tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thuỷ nội địa, quản lý vận tải… của mỗi địa phương, tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá cho việc thực hiện mục tiêu của ngành GTVT và mang lại sự tiện ích, thuận lợi, an toàn cho người dân. Ngoài ra, việc duy tu bảo dưỡng, giám sát hành trình và giám sát tài sản kết hợp IoT trên nền tảng bản đồ số đang là nhu cầu ngày một gia tăng trong quá trình CĐS cho ngành GTVT, tạo bước đột phá trong sự phát triển kinh tế - xã hội", Phó Tổng giám đốc Công ty VNPT-IT chia sẻ./.”

Theo Tạp chí  Thông tin & Truyền thông