Chiến thắng Điện Biên Phủ: Sức mạnh của tinh thần “tương thân tương ái”

Ngày 01/05/2024
Chiến thắng chấn động địa cầu mang tên Điện Biên Phủ là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần “tương thân tương ái,” giúp đỡ lẫn nhau của các quốc gia bạn bè anh em.

bai-3-tit.png

Chiến thắng chấn động địa cầu mang tên Điện Biên Phủ đã buộc Pháp phải ngồi vào bàn ký Hiệp định Geneve, chấm dứt chiến tranh tại Đông Dương, từ đó không chỉ xoay chuyển vận mệnh lịch sử của Việt Nam mà còn cả các nước trong khu vực.

Chiến thắng này cũng là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần “tương thân tương ái,” giúp đỡ lẫn nhau của các quốc gia bạn bè anh em.

Theo Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hoàng Văn Phai, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội và Nhân văn Quân sự, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, cách mạng Việt Nam đã khai thác, tận dụng và phát huy được sức mạnh của thời đại, tinh thần đoàn kết quốc tế góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

“Đảng ghi nhận sự giúp đỡ to lớn của Chính phủ và nhân dân Trung Quốc, Liên Xô (cũ), sự phối hợp và sát cánh chiến đấu của các lực lượng cách mạng Lào anh em, sự ủng hộ của nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ,” ông Hoàng Văn Phai nói.

bai-3-anh-trang-tri-1(1).png

Những năm 1950-1954, thực hiện thỏa thuận giữa Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng hai nước, Trung Quốc không chỉ chi viện về vật chất (súng, hỏa pháo, đạn pháo…) mà còn cử Đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc sang công tác bên cạnh Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, trực tiếp giúp đỡ một số đơn vị chủ lực Việt Nam tác chiến.

Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hùng Ba nhấn mạnh Chiến thắng Điện Biên Phủ là thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, chống thực dân và là thắng lợi vĩ đại trong cuộc đấu tranh chính nghĩa của các dân tộc bị xâm lược, bị áp bức ở châu Á, là tấm gương sáng về không sợ cường quyền, lấy yếu thắng mạnh.

bai-3-quote-1.png

Theo Đại sứ Hùng Ba, quân đội Việt Nam và quân đội Trung Quốc luôn là trụ cột quan trọng trong việc phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố, làm sâu sắc hơn sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, an ninh, chiến lược giữa hai bên.

Quân đội hai nước trước đây chống chủ nghĩa đế quốc và thực dân, đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc; ngày nay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình, giữ vững an ninh chính trị, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân loại.

vna_potal_ky_niem_73_nam_ngay_thiet_lap_quan_he_ngoai_giao_viet_nam-trung_quoc_1811950-1812023_phat_huy_tinh_doan_ket_huu_nghi_truyen_thong_va_day_man_6549699.jpg

Lễ hội Văn hóa Dân tộc Thanh niên châu Văn Sơn (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), đại biểu

thanh niên Việt Trung tham gia in dấu tay, biểu thị tình đoàn kết, hữu nghị 2 nước.

(Ảnh tư liệu: TTXVN)

Đại sứ Hùng Ba cho rằng quân đội hai nước nên đi đầu thực hiện sự đồng thuận chiến lược mà lãnh đạo cấp cao nhất của hai bên đã đạt được, tập trung tăng cường liên lạc và hợp tác chiến lược, đẩy mạnh trao đổi thông tin, diễn tập, huấn luyện chung, hợp tác sâu rộng trong giáo dục chính trị, đào tạo cán bộ.

Đại sứ Hùng Ba bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục tổng kết kinh nghiệm, đưa các hoạt động giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới ngày càng thiết thực hơn, tốt đẹp hơn theo yêu cầu của lãnh đạo cấp cao hai nước, góp phần làm sâu sắc quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện.

Theo các nhà nghiên cứu, với chính sách đối ngoại đúng đắn, trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, nhân dân ta luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, các nước xã hội chủ nghĩa và đặc biệt là tình đoàn kết gắn bó keo sơn ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia trên mặt trận Đông Dương.

Đại tá Hoàng Văn Phai khẳng định Chiến thắng Điện Biên Phủ đã thể hiện tình đoàn kết của các dân tộc ở Đông Dương trong đấu tranh chống kẻ thù chung là chủ nghĩa thực dân Pháp.

bai-3-quote-2.png

Đại sứ Lào tại Việt Nam Khamphao Ernthavanh đồng tình với quan điểm trên và cho rằng Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 là chiến thắng vĩ đại của quân và nhân dân Việt Nam, có sự đóng góp quan trọng của sức mạnh đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam-Lào-Campuchia nói chung và sự phối hợp chặt chẽ của Quân giải phóng Pathet Lào nói riêng.

Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Pháp, quân đội và nhân dân Lào đã kề vai sát cánh, đoàn kết phối hợp chặt chẽ với quân đội và nhân dân Việt Nam, tạo nên chuyển biến trong cục diện chiến trường ba nước Đông Dương.

Thắng lợi trên chiến trường ở Trung và Hạ Lào gây tổn thất nặng nề cho địch, tạo điều kiện thuận lợi cho Quân đội Nhân dân Việt Nam tiêu diệt địch trên các chiến trường từ Bắc Bộ đến Nam Bộ, đặc biệt là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ lịch sử.

“Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc với thắng lợi vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đây là chiến thắng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử đấu tranh vũ trang của Việt Nam đồng thời thể hiện thắng lợi của sức mạnh tổng hợp toàn chiến trường Đông Dương, trong đó có mối quan hệ đoàn kết liên minh chiến đấu, đoàn kết đặc biệt Việt-Lào,” Đại sứ bày tỏ.

vna_potal_69_nam_chien_thang_dien_bien_phu_751954_-_752023_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_6714153.jpg

Mối liên minh Việt-Lào là một thành phần quan trọng

tạo nên Chiến thắng Điện Biên Phủ. (Ảnh minh họa: TTXVN)

vna_potal_69_nam_chien_thang_dien_bien_phu_751954_-_752023_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_6714173.jpg

Bộ đội ta kéo pháo cao xạ vào trận địa - một trong những

hình ảnh mang tính biểu tượng nhất của chiến dịch. (Ảnh: TTXVN)

vna_potal_69_nam_chien_thang_dien_bien_phu_751954_-_752023_thang_loi_cua_ban_linh_va_tri_tue_viet_nam_6714181.jpg

Quân đội Việt Nam xông lên đánh cứ điểm Him Lam - mở màn Chiến dịch chiều 13/3/1954. (Ảnh: TTXVN)

Theo bà Khamphao Ernthavanh, giai đoạn sau giải phóng dân tộc, ba nước Đông dương vẫn tiếp tục vun đắp mối quan hệ và tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, củng cố tình hữu nghị, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước, giúp đỡ lẫn nhau trên các lĩnh vực, tổ chức vận động, tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về truyền thống đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam-Lào-Campuchia, không để cho các thế lực xấu bôi nhọ, làm sai lệch mối quan hệ tốt đẹp giữa ba nước, góp phần giữ gìn hòa bình, an ninh và ổn định trên bán đảo Đông Dương và ASEAN.

Theo bà, chiến thắng Điện Biên Phủ tạo cơ sở căn bản đi đến ký kết Hiệp định Geneve về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương, đập tan ách đô hộ của thực dân Pháp.

Đây cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào tiếp tục kháng chiến, đưa cách mạng hai nước đi tới thắng lợi hoàn toàn vào năm 1975, lập nên kỳ tích chiến thắng thực dân và đế quốc xâm lược.

vna_potal_viet_nam_va_lao_-_moi_quan_he_hop_tac_toan_dien_thuy_chung_hiem_co_7165212.jpg

Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt-Lào (5/9/1962-5/9/2022), 45 năm ngày

Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào (18/7/1977-18/7/2022) tại Hà Nội.

(Ảnh tư liệu: Lâm Khánh/TTXVN)

Bước vào thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hai Đảng, hai Nhà nước, quân đội và nhân dân hai nước tiếp tục cùng nhau giữ gìn, vun đắp cho quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào ngày càng phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, vì sự phồn vinh của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển ở khu vực và trên thế giới.

"Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến nhanh chóng và phức tạp, bài học lịch sử của mối quan hệ thủy chung, gắn bó keo sơn Việt Nam-Lào vẫn còn nguyên giá trị. Hơn lúc nào hết, quan hệ đoàn kết đặc biệt có một không hai trên thế giới giữa hai nước, hai dân tộc chúng ta càng phải được vun đắp ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả," Đại sứ Khamphao Ernthavanh nhấn mạnh./.

Nguồn: Vietnam+