Không thể phủ nhận việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Ngày 21/05/2024
Ngày 15/5/2016, Bộ Chính trị khóa XII ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Điều này không chỉ làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thấm sâu vào đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân mà còn góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, thái độ, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Tuy vậy, thời gian qua, trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lại đưa ra những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là những luận điệu cần phải được nhận diện rõ và tích cực đấu tranh phản bác.

Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc _Tranh của họa sĩ Vương Trình, sáng tác năm 1967

Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc - Tranh của họa sĩ Vương Trình, sáng tác năm 1967

NHẬN DIỆN NHỮNG LUẬN ĐIỆU SAI TRÁI CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH, PHẢN ĐỘNG, CƠ HỘI CHÍNH TRỊ

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam nên tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người chính là tài sản tinh thần quý giá của cả dân tộc ta. Do vậy, thời gian qua, các thế lực thù địch, phản động và cơ hội chính trị không chỉ đưa ra các luận điệu chống phá thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh mà còn xuyên tạc, phủ nhận chủ trương “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Các luận điệu xuyên tạc, chống phá về chủ trương này tập trung trên những bình diện chính sau:

Một là, có ý kiến cho rằng tư tưởng Hồ Chí Minh chẳng qua chỉ là sự “bắt chước”, “sao chép” chủ nghĩa Mác - Lênin và khi áp dụng vào Việt Nam chỉ là sự “khiên cưỡng”, “gán ghép” nên việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chỉ mang tính hình thức theo kiểu “hô hào khẩu hiệu”! Để lý giải điều này, các thế lực thù địch viện dẫn rằng chủ nghĩa Mác - Lênin ra đời từ những năm 40, 50 của thế kỷ XIX dựa trên tiền đề kinh tế - xã hội của các nước châu Âu khác xa so với Việt Nam. Do đó, Hồ Chí Minh vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam là “không phù hợp”. Có ý kiến còn cáo buộc rằng sở dĩ Việt Nam trong suốt gần hết thế kỷ XX rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt” là do Hồ Chí Minh đã vận dụng lý luận về đấu tranh giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin. Vì thế, việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là “một sự phi lý”!

Hai là, có ý kiến cho rằng, tư tưởng Hồ Chí Minh tuy là “kim chỉ nam” cho cách mạng Việt Nam trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng hiện nay, thực tiễn đã thay đổi nên tư tưởng Hồ Chí Minh đã “lỗi thời”, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không còn phù hợp, từ đó cho rằng việc Bộ Chính trị đề ra Chỉ thị 05-CT/TW là “sai lầm”, “sẽ không có kết quả”. Ở góc độ này, một số phần tử cơ hội chính trị lấy danh nghĩa đề cao sự sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam khi vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn lãnh đạo đất nước tiến hành đấu tranh giải phóng dân tộc nhưng lại bài xích việc Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn đổi mới và phát triển đất nước hiện nay. Họ cho rằng “đó là sự phi lý về mặt lịch sử”, “trái với quá trình lịch sử - tự nhiên”!

Ba là, với chiêu bài “hạ bệ thần tượng”, có thế lực thù địch còn cho rằng “Hồ Chí Minh không phải là một con người hoàn thiện” vì “chỉ biết sống vì dân tộc”, “xem nhẹ gia đình”. Có kẻ còn cố tình bóp méo, xuyên tạc khi đánh đồng hai khái niệm “học tập ” và “ bắt chước ”. Họ cho rằng, học tập Hồ Chí Minh thì phải “bắt chước” giống Người, từ hình thức ăn mặc đến lời nói, việc làm, lối sống. Có kẻ còn cáo buộc, vu khống rằng “Càng thi đua học tập theo gương Hồ Chí Minh, càng lộ nhiều quan chức tham nhũng” hay “Học tập, làm theo tấm gương Hồ Chí Minh là vô bổ, tốn ngân sách, hình thành một thế hệ làm theo một hình mẫu do người khác định hướng không được tự do khám phá và thể hiện khả năng bản thân”!

Có thể nhận thấy, những luận điệu trên lộ rõ ý đồ chống phá, không chỉ với mục tiêu xuyên tạc tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà còn phủ nhận giá trị, ý nghĩa tích cực của cuộc vận động “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” do Đảng ta phát động. Do đó, cần hết sức cảnh giác trước luận điệu chống phá này.

Ảnh: Tư liệu

Ảnh: Tư liệu

NHỮNG GIÁ TRỊ KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN

Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được ra đời và kết tinh trong suốt quá Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Đó là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và nhân dân ta, soi sáng sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta và hiện đang vẫn là “kim chỉ nam” cho nước ta trên con đường đổi mới và phát triển. Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người không chỉ được cả dân tộc Việt Nam tôn vinh mà còn được đông đảo bạn bè trên khắp thế giới ghi nhận và đánh giá cao.

Nhà nghiên cứu Hélène Tourmaire từng nhận định: “Hình ảnh của Hồ Chí Minh đã hoàn chỉnh với sự kết hợp đức khôn ngoan của Phật, lòng bác ái của Chúa, triết học Mác, thiên tài cách mạng của Lênin và tình cảm của người chủ gia tộc, tất cả bao bọc trong một dáng dấp rất tự nhiên”(1). Chủ tịch Hội đồng hòa bình thế giới, ông Romesh Chandra đánh giá: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Bất cứ ở đâu chiến đấu cho hòa bình và công lý, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao. Ở bất cứ đâu, nhân dân chiến đấu cho một thế giới mới, chống lại đói nghèo, ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”(2). Đó những ghi nhận rất khách quan của dư luận quốc tế về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Người là kết tinh rạng ngời của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại. Trọn cả cuộc đời, Người dâng hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Ở Hồ Chí Minh, tư tưởng của Người không chỉ là hệ thống những vấn đề mang tính lý luận mà có sự thống nhất giữa “tri” và “hành”, giữa tư tưởng với đạo đức và phong cách. Với Người, lý luận và thực tiễn, nói và làm luôn đi liền với nhau. Do đó, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta. Điều đó giúp cho Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh; giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên luôn biết “tự soi”, “tự sửa”, “nêu gương”, “dám nghĩ”, “dám làm”, “dám chịu trách nhiệm”.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khuyến khích khả năng độc lập tư duy, sáng tạo và khám phá, Người luôn đề cao sự tự học, tự nghiên cứu và học hỏi, khuyến khích mọi người phát triển trí tuệ và tư duy sáng tạo của mình. Do đó, không thể cho rằng học tập làm theo tấm gương Hồ Chí Minh là “vô bổ”, “hình thức”, hình thành một thế hệ làm theo một hình mẫu do người khác vạch sẵn. Đó là sự cố tình xuyên tạc, quy chụp nhằm tạo ra sự lệch lạc về nhận thức trong quần chúng nhân dân. Đây không chỉ là chiêu bài “hạ bệ thần tượng” mà còn nhằm mục đích chống phá, xuyên tạc một cuộc vận động rất có ý nghĩa, được tổ chức sâu rộng, thường xuyên, liên tục trong thời gian dài.

Thực tiễn cho thấy, thời gian qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; trở thành phong trào, được triển khai sâu rộng trong toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Từ đó, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình “học Bác”, “noi gương Bác”; sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, góp sức cho sự phát triển đất nước. Không chỉ có cán bộ, đảng viên noi gương mà đông đảo quần chúng nhân dân thuộc mọi giai tầng xã hội cũng ra sức học tập theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong thực tiễn, đã có những câu chuyện cảm động về những tấm gương bình dị mà cao quý trong học tập và làm tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đó là người giáo viên đã 80 tuổi nhưng vẫn không một ngày ngơi nghỉ với công tác khuyến học, khuyến tài, vận động nhân dân xây dựng “dòng họ học tập”, “tổ dân phố học tập”. Đó là những cô giáo còn rất trẻ nhưng đã dành cả tuổi thanh xuân của mình dũng cảm ngày ngày chèo đò qua sông đưa học trò tới lớp. Đó là người bác sĩ sẵn sàng từ bỏ những bệnh viện lớn của thành phố, rời xa cuộc sống phồn hoa đô thị để chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng cao với mong muốn mang đến nụ cười cho trẻ em khuyết tật. Đó là những cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đến với miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, không quản khó khăn, nguy hiểm vì sự bình yên và hạnh phúc của nhân dân…

Những tấm gương điển hình trong học tập và làm theo Bác tuy có những cách thể hiện khác nhau song đều có một điểm chung, đó là đều học Bác tinh thần sẵn sàng hy sinh cho sự phát triển của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Điều đó chứng tỏ việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải kiểu “hô hào khẩu hiệu”, “mang tính hình thức” như luận điệu mà các thế lực thù địch thường rêu rao. Điều đó đã thật sự ăn sâu, bám rễ vào đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân Việt Nam; thực sự khơi dậy và tạo động lực cho mọi giai tầng trong xã hội phát huy được năng lực, ý chí, bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm và khát vọng cống hiến của mình cho đất nước. Mỗi tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến đó là “những bông hoa đẹp”, đang từng ngày, từng giờ vun góp, góp phần tạo nên “rừng hoa đẹp” cho đất nước. Do đó, không thể quy chụp một cách phiến diện rằng việc “đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là “vô bổ”, “kém hiệu quả”!

Có thể khẳng định, thời gian qua việc “Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh" đã tạo nên những dấu ấn nổi bật cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tuyên truyền, lan tỏa; tổ chức thực hiện… Những kết quả tích cực trên đây đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra những đột phá trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

Lần đầu tiên GDP của nước ta đạt mức 430 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài

Lần đầu tiên GDP của nước ta đạt mức 430 tỷ USD, đứng thứ 3 trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài

TIẾP TỤC ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Trước tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”(3). Do đó, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc “Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong thời gian tới, cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau:

Một là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi cấp ủy đảng các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc vận động này để mọi người có nhận thức đầy đủ, sâu sắc, coi việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nhu cầu tự thân, tự nguyện, tự giác thực hiện. Phát huy tốt hơn nữa vai trò của báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, lan tỏa những cá nhân thực hiện tốt việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nhân rộng những tấm gương điển hình tiên tiến, tạo động lực và cổ vũ cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động này.

Hai là, đổi mới nội dung, hình thức thực hiện việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng thiết thực, hiệu quả. Việc “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được triển khai trong thời gian dài nên để thu hút được đông đảo sự tham gia của toàn xã hội, cần tạo thêm một luồng sinh khí mới với việc đổi mới nội dung, hình thức thực hiện. Các nội dung thực hiện cần gắn với những nhiệm vụ cụ thể của từng cán bộ, đảng viên và nhân dân thông qua những hình thức phong phú, phù hợp với từng chủ thể thực hiện. Theo đó, việc đánh giá hiệu quả thực hiện cũng cần có những tiêu chí riêng, tránh rập khuôn máy móc nhưng cũng tránh tùy tiện, qua loa. Ngoài ra, cần gắn việc thực hiện học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với các nhiệm vụ chính trị khác như vấn đề “tự soi”, “tự sửa”, tự chịu trách nhiệm”, “nêu gương” của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Điều đó làm cho việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thực chất, hiệu quả hơn, tránh lối hình thức, xáo mòn.

Ba là, chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những âm mưu lợi dụng việc xuyên tạc, phủ nhận việc đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để chống phá Đảng, Nhà nước. Gần đây, một thực tế không thể phủ nhận là các thế lực thù địch ngày càng tấn công vào nền tảng tư tưởng của Đảng theo chiều sâu. Đó là bên cạnh việc xuyên tạc, bôi nhọ thân thế, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị còn xuyên tạc, phủ nhận cả những hoạt động của Đảng ta trong việc lan tỏa, tôn vinh đóng góp của Người với dân tộc. Biểu hiện rõ nét nhất là những luận điệu xuyên tạc, phủ nhận việc Đảng ta đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Do đó, cần nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt những thông tin sai trái, xấu độc về vấn đề này, kịp thời định hướng, tuyên truyền cho nhân dân theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy cái tích cực đẩy lùi cái tiêu cực” để tránh việc bị các luận điệu sai trái chiếm lĩnh thông tin. Ngoài ra, cần tổ chức đấu tranh phản bác có hiệu quả với những luận điệu sai trái về việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh, nhất là trong những thời điểm đất nước có những sự kiện chính trị quan trọng để tiếp tục tuyên truyền, lan tỏa tính đúng đắn trong những chỉ thị, nghị quyết của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Như vậy, có thể khẳng định việc “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Điều đó một mặt làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tiếp tục ăn sâu, bám rễ hơn nữa vào đời sống tinh thần, tư tưởng và tiếp tục trở thành “kim chỉ nam” cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong hoạt động thực tiễn. Mặt khác, điều đó cũng góp phần củng cố, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng ta trong bối cảnh mới; đồng thời cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn vững chắc để đấu tranh có hiệu quả với các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. Mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hơn nữa, nhân lên những điều tốt đẹp, lan tỏa và góp phần làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong đời sống xã hội./.

TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

---------

(1) Viện Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh sống mãi trong trái tim nhân loại, Nxb. Lao động - Nxb. Quân đội nhân dân, H, 1993, tr. 109.

(2) Chu Đức Tính: Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đánh giá của bạn bè quốc tế, Kỷ yếu Hội thảo quốc gia “Hồ Chí Minh - tầm nhìn thời đại”, Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5/2010, tr. 24.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, t.I, tr. 236.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo