Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô

Ngày 08/06/2024
Chiều 7/6, tại trụ sở Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND TP Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy và Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn chủ trì cuộc họp về Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô.

Quang cảnh cuộc họp Đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống

đường sắt đô thị Thủ đô

Tham dự còn có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban ngân sách Quốc hội, Ủy ban Khoa học và Công nghệ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; đại diện các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Ngoại giao, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tư pháp; đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải; Đại diện các Viện: Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải; Đại diện Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; Ban Quản lý Dự án Đường sắt cùng các đồng chí thành viên Tổ công tác xây dựng Đề án của TP, Lãnh đạo Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội.

Báo cáo tóm tắt Đề án tổng thể Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Thủ đô, Trưởng ban Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội Nguyễn Cao Minh cho biết: Đề án nhằm phát triển hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT) đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận tải của Thành phố theo hướng bền vững, hài hòa, hợp lý; phấn đấu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng năm 2035 đạt 50-55%, sau năm 2035 đạt 65-70%.

Cụ thể, đến năm 2030: Hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 96,8km/397,8km (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT). Đến năm 2035: Hoàn thành thi công xây dựng, đưa vào khai thác khoảng 301km/397,8km (khoảng 76% tổng chiều dài các tuyến ĐSĐT); đến năm 2045: Hoàn thành các tuyến ĐSĐT bổ sung thêm theo Quy hoạch chung Thủ đô điều chỉnh và Quy hoạch Thủ đô.

Tổng số vốn Thành phố cần huy động để xây dựng ĐSĐT đến năm 2045 khoảng 66,384 tỷ USD, trong đó, Thành phố có thể huy động được 57,770 tỷ USD và cần Trung ương hỗ trợ 8,614 tỷ USD.

Cơ cấu nguồn vốn được xây dựng theo nguyên tắc: Các tuyến đang triển khai đầu tư theo vốn vay ODA thì các đoạn tuyến còn lại sẽ tiếp tục đầu tư theo vốn vay ODA. Các tuyến còn lại sẽ tập trung ưu tiên đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước.

Để triển khai thực hiện, Đề án đã đề xuất 23 nhóm cơ chế, chính sách: Về quy hoạch (4 chính sách), về thu hồi đất, đền bù, hỗ trợ, tái định cư (4 chính sách), về huy động vốn (4 chính sách), trong đó, đề xuất cho phép Thành phố quyết định nội dung, trình tự, thủ tục thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư độc lập. Đồng thời, cho phép Thành phố tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng theo 2 giai đoạn cũng như cho phép Thành phố quyết định chính sách đặc thù về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạm cư đối với người dân bị ảnh hưởng trong các dự án ĐSĐT của Thủ đô…

Phát biểu tại buổi làm việc, các đại biểu cho rằng để thực hiện Đề án cần sự nỗ lực rất lớn, phải nghiên cứu kỹ phương án đầu tư, phạm vi quy mô, thứ tự ưu tiên cũng như huy động nguồn vốn để đạt mục tiêu. Đồng thời, cũng cần làm rõ tính đồng bộ về tiêu chuẩn kỹ thuật, tính kết nối để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả của cả hệ thống chạy song song và đồng bộ.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng thống nhất cần rà soát về cơ sở pháp lý, hệ thống pháp luật, cần làm rõ hơn cơ sở, sự cần thiết, căn cứ, cũng như những vướng mắc về căn cứ pháp luật để triển khai thực hiện Đề án. Ngoài ra, cũng cần đánh giá lại quy hoạch kết nối căn cứ theo nhu cầu phát triển xã hội; những ưu tiên đầu tư và thời gian thực hiện có đáp ứng được thực tiễn và khả năng. Đặc biệt, cần rà soát đánh giá toàn bộ những khó khăn, bất cập của những dự án đã triển khai để rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.

Về kỹ thuật công nghệ, các đại biểu cũng thống nhất phải nghiên cứu, lựa chọn mô hình, công nghệ tiên tiến, hiện đại và phù hợp, trong đó, cân nhắc khả năng làm chủ công nghệ và tỷ lệ nội địa hóa. Ngoài ra, làm rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành khi thực hiện Đề án.

Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Giao thông vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã giải trình, làm rõ thêm những nội dung các đại biểu quan tâm và mong muốn nhận được thêm nhiều ý kiến đóng góp để cùng Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện Đề án.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cảm ơn các ý kiến đóng góp xác đáng, bổ ích của các đại biểu. Theo Thứ trưởng, đây là một lĩnh vực khó, liên quan đến nhiều chuyên ngành, có nhiều khó khăn, vướng mắc. Do đó, Tổ công tác cần phân tích kỹ các ý kiến của các Bộ, ngành để sớm bổ sung, hoàn thiện Đề án.

Nhấn mạnh quyết tâm của TP Hà Nội, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy nhấn mạnh đây là giải pháp duy nhất để giải quyết vấn đề giao thông đô thị tại TP Hà Nội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị của Tổ công tác xây dựng Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị, trên cơ sở 7 nhóm với 23 cơ chế chính sách, cần rà soát lại từng chính sách về căn cứ pháp luật, đánh giá những khó khăn, vướng mắc, bất cập hay những chính sách hiện nay có phù hợp với thực tiễn hay xung đột với luật, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đề đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Đồng thời, phân loại các chính sách để trình các cơ quan có thẩm quyền; rà soát lại kết cấu Đề án, hoàn thiện nội dung đảm bảo chất lượng, khả thi, hiệu quả để trình các cơ quan có thẩm quyền thông qua.

Nguồn: Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội