Quảng Nam: Chặng nước rút giải phóng mặt bằng Dự án cải tạo, nâng cấp QL14E

Ngày 13/06/2024
Dù đã triển khai được phần lớn các đoạn tuyến trong toàn dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14E, song cả 3 địa phương Thăng Bình, Hiệp Đức và Phước Sơn đều đang đối mặt khó khăn giải phóng mặt bằng phần còn lại, cần giải pháp rốt ráo ở chặng nước rút.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nghe

báo cáo tiến độ thi công một số hạng mục dự án 

Vướng mắc ở phần còn lại

Ông Võ Văn Hùng - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho hay, tính đến 10/6, Thăng Bình đã bàn giao cho Ban Quản lý (BQL) dự án 4 và các đơn vị thi công 12,3/17,4km, đạt hơn 70% chiều dài đoạn quốc lộ (QL) 14E qua địa bàn huyện.

Tuy nhiên, hiện nay địa phương gặp nhiều vướng mắc đối với xác nhận nguồn gốc đất. Huyện đã cử công chức địa chính các xã lân cận hỗ trợ Bình Trị và Bình Quý từ một tháng qua và đang gia hạn tiếp để các cán bộ này hỗ trợ cho công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

“Các phòng ban chuyên môn của huyện làm liên tục thứ Bảy, Chủ nhật, do tính chất phức tạp của hồ sơ nên diễn tiến chậm và phải rất thận trọng.

Ở vị trí làm cầu vượt đường sắt, phần trong vạch GPMB đã phê duyệt được 2 phương án bồi thường cho 37 hộ, đã mời chi trả 23 hộ, tuy nhiên chỉ có 4 thửa của 2 hộ nhận bồi thường.

Dù đã trực tiếp đi làm việc với dân, nhưng người dân có nhiều ý kiến khác nhau. Huyện đang giao cho Ban Dân vận, Mặt trận huyện vận động lần cuối, nếu không đồng ý, sẽ tiến hành đối thoại, sau đó sẽ cưỡng chế” - ông Hùng nói.

Theo đại diện BQL dự án 4, tại địa bàn huyện Thăng Bình có 15 đoạn đã bàn giao mặt bằng nhưng người dân cản trở không cho thi công, yêu cầu bồi thường thỏa đáng. Đến nay, vẫn còn 81 hộ đã phê duyệt phương án bồi thường GPMB nhưng không chịu nhận tiền.

Tại huyện Hiệp Đức, vướng mắc nảy sinh khi dự án có nhiều trường hợp sử dụng đất ở và đất vườn ổn định không tranh chấp (có trong hồ sơ 64 hoặc 60) nhưng khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu thì phần diện tích nằm trong phạm hành lang an toàn công trình không được đưa vào trong giấy chứng nhận và chưa được thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, dẫn đến các hộ dân không thống nhất phương án nếu không được bồi thường phần đất này.

Ngoài ra, việc thiết kế, thi công phần mương, rãnh thoát nước dọc tuyến có một số khu vực ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Đối với huyện Phước Sơn, vướng mắc nảy sinh chủ yếu liên quan đến áp dụng chính sách hỗ trợ ổn định đời sống, chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho các hộ nhận khoán đất thuộc Dự án 327, 661 trước đây, do phần lớn hợp đồng giao khoán giữa Lâm trường Phước Hiệp với các hộ gia đình, cá nhân đã thất lạc.

Phải dồn sức để tháo gỡ

Ông Quế Hải Trung - Phó Giám đốc BQL Dự án 4 thông tin, BQL đã kiên quyết cắt bỏ khối lượng, thay thế các nhà thầu thi công quá chậm và đôn đốc, nghiêm khắc chấn chỉnh các nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ.

“Tinh thần của đơn vị là quyết liệt, tranh thủ thời tiết hiện tại để đẩy nhanh tiến độ công trình. Về xử lý kỹ thuật, đây là tuyến nâng cấp, cải tạo, phải tuân thủ nhiều yếu tố, tận dụng công trình cũ, do đó trong quá trình phê duyệt thiết kế và triển khai thi công có một số bất cập. Chúng tôi đã phối hợp với địa phương, các ngành liên quan và sẽ có điều chỉnh kịp thời.

Trong quá trình thi công, BQL chỉ đạo đơn vị thi công mua bảo hiểm công trình, phối hợp địa phương xác định hiện trạng trước khi thi công, sau đó xác định mức độ ảnh hưởng để có thể xem xét bồi thường nếu ảnh hưởng đến nhân dân.

Riêng về điểm cầu vượt đường sắt, đây là công trình lớn, thời gian thi công kéo dài, trong khi tiến độ dự án phải hoàn thành trong năm 2025. Do đó cầu vượt phải được hoàn thành chậm nhất vào tháng 5, tháng 6/2025. Đây là điểm nghẽn chính, cần phải tích cực giải quyết” - ông Quế Hải Trung cho biết.

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng biểu dương tinh thần trách nhiệm, sự tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các địa phương và các ban, ngành đã vào cuộc, phối hợp chặt chẽ để giải quyết vướng mắc liên quan tuyến QL 14E.

Đồng chí Lê Văn Dũng chia sẻ, khối lượng còn lại không nhiều, song lại là việc vướng mắc nhất, cần quyết liệt hơn để hoàn thành. Vì vậy phải có quyết tâm lớn hơn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát để thực hiện tốt các công việc đặt ra.

Phối cảnh cầu đường bộ trên QL14E vượt đường sắt,

đoạn qua xã Bình Quý (Thăng Bình). 

Đồng chí Lê Văn Dũng đề nghị Sở TN-MT, Sở GTVT phối hợp với các địa phương để thực hiện đúng tiến độ di dời các hộ trong vạch GPMB để triển khai thực hiện vị trí cầu vượt đường sắt và các vị trí còn lại.

Liên quan vướng mắc của Phước Sơn, đề nghị địa phương phối hợp với các ngành nghiên cứu chính sách, chỉ đạo triển khai việc hỗ trợ đảm bảo minh bạch, công khai, dân chủ, khách quan, không tư lợi trong giải quyết hỗ trợ cho dân.

“Bí thư, chủ tịch UBND các huyện tích cực chỉ đạo quyết liệt, kêu gọi đảng viên, cán bộ đi trước làm gương, đồng thời phải bảo vệ thi công, cưỡng chế đối với trường hợp chây ì, cố tình không chấp hành.

Chủ đầu tư nghiên cứu điều chỉnh kỹ thuật, tiếp thu các đề xuất hợp lý của địa phương, yêu cầu đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ, cùng với Sở GTVT làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam về việc đấu nối, cố gắng rút ngắn thủ tục. Sở TN-MT theo dõi tiến độ thực hiện, phối hợp địa phương tháo gỡ và có báo cáo chung cho toàn tuyến về bồi thường GPMB” - đồng chí Lê Văn Dũng chỉ đạo.

Nguồn: Báo Quảng Nam