Sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM với nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực giao thông thông minh, hiện đại

Ngày 24/06/2024
Nhân sự kiện "Ngày hội việc làm và kết nối doanh nghiệp năm 2024", Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM và Báo Thanh Niên đã phối hợp tổ chức buổi tọa đàm "“Cơ hội việc làm trong lĩnh vực giao thông thông minh, hiện đại” để giúp các bạn sinh viên tìm hiểu về lĩnh vực giao thông thông minh và đặc biệt cơ hội việc làm cho các bạn trong lĩnh vực này và trong ngành giao thông vận tải nói chung.

Đến tham dự chương trình có Nhà báo Hải Thành - Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên; ông Đoàn Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM; TS Phan Hữu Duy Quốc - Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng công ty xây dựng số 1 – CTCP; Bà Nguyễn Thị Triều - Trưởng phòng Dự báo - Cơ sở dữ liệu, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, đại diện các doanh nghiệp cùng tập thể lãnh đạo Trường, các bạn sinh viên UTH.

Phát biểu tại toạ đàm, PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh vai trò của giao thông thông minh thực sự rất quan trọng nhằm giải quyết các vấn đề về đảm bảo cắt giảm ô nhiễm môi trường, tiến tới giao thông vận hành phức hợp. Năm nay, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM mở thêm một số chuyên ngành mới hướng đến ứng dụng công nghệ thông minh, với mong muốn góp phần giải quyết bài toán giao thông đặc biệt cho TP.HCM. Hiệu trưởng cũng nhắn gửi sinh viên đừng ngại khi chưa tiếp cận được công nghệ, đặc biệt sinh viên ngành logistics, hàng hải... là lĩnh vực luôn đi trước.

PGS.TS Nguyễn Xuân Phương, Hiệu trưởng Nhà trường chia sẻ tại tọa đàm

Những vị trí việc làm sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Giao thông vận tải có thể làm việc

Tại tọa đàm, ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), cho biết trung tâm hiện đang thực 5 chức năng chính gồm: giám sát giao thông, điều khiển đèn tín hiệu giao thông, cung cấp các thông tin giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm, mô phỏng giao thông.

Các khách mời tham gia tọa đàm

Chia sẻ về nhu cầu tuyển dụng tại Tổng Công ty xây dựng số 1 (CC1), ông Phan Hữu Duy Quốc - Thành viên HĐQT CC1 chia sẻ vừa rồi CC1 đã thực hiện nhiều dự án như Nhà ga T3, Sân bay Long Thành… và công ty cũng đã đạt đỉnh tuyển dụng. Và sắp tới CC1 vẫn sẽ thực hiện tuyển dụng

Ông Phan Hữu Duy Quốc - cho biết hiện nay giao thông thông minh có nhu cầu rất lớn, ngoài ra có thể làm rất nhiều công việc liên quan đến giao thông. Vì vậy, sinh viên ngoài học đủ ở trên ghế nhà trường, cần tự học, hoàn thiện kỹ năng mềm để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu việc làm trong tương lai.

Bà Nguyễn Thị Triều, Trưởng phòng Dự báo - Cơ sở dữ liệu, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết bình quân mỗi năm TP.HCM cần từ 310.000-330.000 chỗ làm việc, trong đó riêng lĩnh vực vận tải cần 15.000-18.000, công nghệ thông tin, truyền thông 20.000-25.000 chỗ làm việc mỗi năm…

Giao thông thông minh - Cơ hội nghề nghiệp và xu hướng đào tạo

Giao thông vận tải là một ngành đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với các mục tiêu hoàn thiện mạng lưới đường sắt và phát triển cơ sở hạ tầng tại các đô thị như hiện nay, sinh viên sau khi tốt nghiệp các ngành trong lĩnh vực giao thông vận tải có nhiều cơ hội việc làm. Với sinh viên mới ra trường, quá trình tuyển dụng sẽ có sự phân hoá, nếu sinh viên chỉ thuần có thành tích tốt thì được xem là bước đệm ban đầu, còn với những sinh viên có thành tích tốt hoặc không tốt lắm nhưng có thêm các kỹ năng khác như công nghệ thông tin sẽ làm đẹp lên hồ sơ.

Sinh viên quan tâm đến cơ hội việc làm sau khi ra trường

Đối với câu hỏi, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM có những thích ứng nào trong đào tạo kiến thức, kỹ năng cho sinh viên trong lĩnh vực này. PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, UTH đã thực hiện việc rà soát và cập nhật chương trình đào tạo, đảm bảo rằng nội dung giảng dạy luôn theo kịp với những tiến bộ công nghệ và yêu cầu của thị trường lao động. Các môn học mới về giao thông thông minh, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và hệ thống điều khiển tự động đã được đưa vào chương trình giảng dạy, giúp sinh viên có kiến thức toàn diện và hiện đại. Trường Đại học GTVT TP.HCM có các ngành mới như thiết kế vi mạch, công nghệ ô tô số… Việc chuyển đổi cũng như cập nhật những xu thế về giao thông thông minh hiện đại, trường đã có những chuyển mình, đón đầu để làm sao ngay từ những bước đầu nhà trường sẽ có những thế hệ cử nhân xây dựng kết cấu hạ tầng, vận hành hệ thống giao thông thông minh hiện đại.

Các diễn giả chụp ảnh cùng sinh viên UTH

Nhà trường đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các doanh nghiệp, tổ chức và cơ quan quản lý trong lĩnh vực giao thông vận tải. Thông qua các chương trình học kỳ doanh nghiệp, hợp tác nghiên cứu và các dự án thực tế, sinh viên có cơ hội tiếp xúc và học hỏi từ môi trường làm việc thực tế, nâng cao kỹ năng chuyên môn và khả năng "thực chiến" sau khi ra trường..

Nguồn: UTH