Lâm Đồng: Bảo đảm khởi công Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc - Liên Khương theo đúng tiến độ

Ngày 27/06/2024
Tại Phiên họp lần thứ 12 Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo đã giao UBND tỉnh Lâm Đồng đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án Tân Phú - Bảo Lộc, Bảo Lộc – Liên Khương, phấn đấu khởi công trong năm 2024; gửi kế hoạch triển khai chi tiết về Bộ Giao thông vận tải để tổng hợp, theo dõi, đôn đốc..

Ảnh 2: Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiểm tra tại Khu tái định cư phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc) phục vụ cho dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương

Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng kiểm tra tại
Dự án Khu tái định cư phường Lộc Phát (TP Bảo Lộc)
phục vụ cho Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương

UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch thực hiện Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương thức đối tác công tư (PPP). Theo đó, đến hiện tại, những phần việc đã được triển khai thực hiện dự án, gồm: Phê duyệt chủ trương đầu tư, công bố thông tin trên mạng đấu thầu; phê duyệt khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; điều chỉnh chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; lập, thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi…

Trong tháng 7/2024, UBND tỉnh, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan sẽ hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi và tổng hợp hồ sơ, trình phê duyệt dự án. Đến đầu tháng 8/2024, UBND tỉnh sẽ phê duyệt dự án và công bố thông tin dự án. Sau đó, sẽ tiến hành các thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và khởi công dự án (dự kiến vào cuối tháng 12/2024).

Về công tác giải phóng mặt bằng, từ nay đến cuối tháng 10/2024, UBND tỉnh cùng với nhà đầu tư đề xuất dự án và đơn vị tư vấn, Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ tiến hành lập, phê duyệt hồ sơ và tiến hành cắm cọc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, sau đó bàn giao cho các địa phương là chủ đầu tư thực hiện; thực hiện các thủ tục lập, trình, thẩm định hồ sơ chấp thuận phạm vi ranh giới của dự án để UBND tỉnh phê duyệt và thông báo thu hồi đất đến từng hộ dân trong phạm vi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; triển khai Tiểu dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư và bàn giao toàn bộ mặt bằng cho nhà đầu tư.

Thời gian triển khai thực hiện dự án và thi công xây dựng công trình Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương dự kiến sẽ kéo dài trong 2 năm, từ tháng 12/2024 đến tháng 12/2026.

Ảnh 1: Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành và TP Bảo Lộc kiểm tra nút giao giữa cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và đường Lý Thường Kiệt (phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc)

Đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương kiểm tra nút giao giữa cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và đường Lý Thường Kiệt tại phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc

Để thực hiện kế hoạch, lộ trình triển khai Dự án đường bộ cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc theo phương thức đổi tác công tư trong thời gian tới, UBND tỉnh Lâm Đồng giao Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh khẩn trương phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động thực hiện các nội dung công việc theo đúng kế hoạch đề ra để khởi công Dự án trong Quý IV/2024 theo chỉ đạo của Tỉnh ủy.

Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn quy trình, thủ tục triển khai thực hiện cơ chế đặc thù về khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 ngày 28/11/2023 của Quốc hội trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng để Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh hoàn thiện các thủ tục đảm bảo đủ điều kiện theo quy định triển khai các bước tiếp theo; chủ động hướng dẫn Liên danh Nhà đầu tư đề xuất dự án hoàn thiện quy trình thẩm định, phê duyệt hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định; hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương và Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh triển khai thực hiện các công việc liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định, đảm bảo tiến độ.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, hướng dẫn lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng, trồng rừng thay thế, khai thác tận thu lâm sản theo đúng quy định.

Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án theo yêu cầu của Hội đồng Thẩm định liên ngành; chủ động tham mưu thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà đầu tư, đàm phán ký kết hợp đồng BOT theo quy định.

UBND các huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Bảo Lâm và TP Bảo Lộc khẩn trương chuẩn bị trước các điều kiện, nhiệm vụ liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư để tổ chức thực hiện ngay sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi của Dự án được phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục triển khai Dự án cơ sở hạ tâng khu dân cư, tái định cư theo tiến độ đã đề ra.

Theo hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi được UBND tỉnh Lâm Đồng trình Hội đồng Thẩm định liên ngành, tổng mức đầu tư Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc tăng 5,35% so với tổng mức đầu tư được phê duyệt tại Quyết định số 1386/QĐ-TTg, lên mức 18.120 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước tham gia là 6.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 36% tổng mức đầu), vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 11.620 tỷ đồng (chiếm 64% tổng mức đầu tư).

Liên quan đến các dự án cao tốc, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chủ động, thu xếp dành phần vốn để đầu tư các nút giao nhằm nâng cao hiệu quả đường cao tốc, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương. Các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác thanh kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, chống thông thầu, mua bán thầu...

Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 140 km. Đây là hai dự án trong tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 200,3 km, kết nối hai tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Điểm đầu nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối nối với cao tốc Liên Khương - Prenn.

Theo chủ trương đầu tư được Thủ tướng phê duyệt, Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), có tổng mức đầu tư 17.200 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước 6.500 tỷ đồng (tương đương 38% tổng mức đầu tư). Dự án cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương có tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 là khoảng 19.521 tỷ đồng; trong đó, vốn nhà nước (chiếm 39,76% tổng mức đầu tư giai đoạn 1).

Theo Báo Lâm Đồng