Rà soát mỏ cát còn trữ lượng cấp thêm cho nhà thầu cao tốc phía Nam

Ngày 03/07/2024
Sáng 3/7, Tổ công tác liên ngành của Chính phủ do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm làm Tổ trưởng đã làm việc với UBND tỉnh An Giang để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nguồn vật liệu cho dự án giao thông trọng điểm khu vực phía Nam.

Sớm cấp mỏ cát cho nhà thầu khai thác

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Duy Lâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, trong ba tỉnh miền Tây được Thủ tướng Chính phủ đề nghị cấp cát phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thì tỉnh An Giang rất chủ động phối hợp các đơn vị liên quan để sớm bàn giao mỏ cát nhà thầu trực tiếp khai thác.

Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm làm việc tại tỉnh An Giang

Sự chủ động này đã và đang giúp cho việc thi công cao tốc trục dọc miền Tây được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, với những mỏ cát mà An Giang đã cấp vẫn còn thiếu so với nhu cầu thi công của các nhà thầu phụ trách thực hiện công trình trọng điểm Quốc gia.

Thứ trưởng Lâm cho biết thêm, để đảm bảo tiến độ thực hiện theo kế hoạch đề ra, đến cuối năm 2024, việc đắp cát gia tải nền đường phải được thực hiện hoàn thành. Thời gian còn lại đến cuối năm 2025, nhà thầu thực hiện hoàn thiện dự án và đưa vào khai thác.

Ngoài những mỏ cát ở An Giang và các tỉnh được chỉ định cung cấp, Bộ GTVT cũng đã gấp rút thực hiện thí điểm sử dụng cát biển phục vụ thi công. Tuy nhiên, với cát biển, cái khó hiện nay là không thể sử dụng đại trà cho tất cả kết cấu công trình.

Do vậy, Thứ trưởng Lâm đề nghị, An Giang tiếp tục hỗ trợ để tiếp tục cấp thêm những mỏ cát còn trữ lượng cho các nhà thầu trực tiếp khai thác nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng mong muốn địa phương xử lý theo phương án cấp một mỏ cát cho nhiều nhà thầu hoặc một mỏ cát cấp cho một nhà thầu nhưng thực hiện nhiều dự án, nhằm đáp ứng tiến độ thực hiện theo kế hoạch thi công đề ra. Đồng thời, tỉnh cần sớm rà soát lại những mỏ còn trữ lượng để tiếp tục cấp cho nhà thầu.

Bộ GTVT sẽ có hỗ trợ để tỉnh sớm hoàn thiện thủ tục, hồ sơ theo quy định để việc rà soát các mỏ còn trữ lượng cấp cho nhà thầu và việc điều chuyển cát từ cao tốc trục ngang sang trục dọc miền Tây đúng theo quy định của pháp luât.

Sớm hoàn thiện thủ tục điều chuyển mỏ cát từ trục dọc sang trục ngang

Lãnh đạo Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn cho biết, đến nay, nhà thầu đã được tỉnh An Giang cấp bốn mỏ cát phục vụ thi công công trình trọng điểm Quốc gia. Trong đó, hai mỏ được khai thác phục vụ thi công cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, số còn lại được sử dụng cho việc thi công cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Để đảm bảo tiến độ thi công cao tốc trục dọc miền Tây, nhà thầu mong muốn được điều chuyển hai mỏ cát từ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng qua cao tốc Cần Thơ - Cà Mau. Nếu thực hiện được việc này, số lượng cát đưa về công trường hàng ngày mới đủ số lượng cần cho việc tăng tốc thi công bù tiến độ.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT cho biết, theo thông báo kết luận số 283, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao chỉ tiêu cho tỉnh An Giang cung ứng đủ 3,395 triệu m3 cát đắp nền đường cho phần còn thiếu của Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng do UBND tỉnh An Giang là cơ quan chủ quản.

Điều chuyển linh hoạt khoảng 2,43 triệu m3 từ các mỏ đã cấp đối với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và hoàn trả lại từ các mỏ đã cấp cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau sau khi dự án này hoàn thành công tác đắp nền đường.

Tuy nhiên, Dự án thành phần 1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đến nay UBND tỉnh An Giang vẫn chưa thống nhất các mỏ cung ứng trữ lượng 3,395 còn thiếu cho dự án.

Ông Thái Minh Hiển - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh An Giang thông tin, đến nay, tỉnh đã cấp 10 bản xác nhận đăng ký thu hồi khoáng sản tại 10 khu mỏ được giao phục vụ công trình đường cao tốc.

Tổng trữ lượng đã cấp xác nhận thu hồi của 10 khu mỏ hơn 15,2 triệu m3 cát. Trong đó, có 8 khu vực nằm trong đoạn sông đang bị sạt lở hoặc khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt lở (đã được cảnh báo sạt lở) theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ TN&MT chưa có hướng dẫn các tiêu chí cụ thể để khoanh định khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông để làm cơ sở quản lý, cấp phép khai thác khoáng sản theo đúng quy định.

Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh An Giang đã có Công văn số 574 xin ý kiến hướng dẫn của Bộ TN&MT về việc cho thuê đất mặt nước thực hiện dự án khai thác khoáng sản cát sông phục vụ cho công trình trọng điểm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025, tuy nhiên đến nay chưa nhận được ý kiến hướng dẫn.

Tỉnh An Giang mong muốn sớm có hướng dẫn để việc điều chuyển cát
từ cao tốc trục ngang sang trục dọc miền Tây đảm bảo đúng theo quy định

Bà Nguyễn Thị Minh Thúy - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, địa phương đã tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan cấp mỏ cát phục vụ thi công cao tốc trục dọc và trục ngang miền Tây.

Đến nay, những mỏ cát này đa số đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là tỉnh vẫn còn đợi văn bản hướng dẫn cụ thể việc điều chuyển cát cấp cho cao tốc trục ngang sang trục dọc để thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định.

Đối với việc cấp thêm mỏ cát cho nhà thầu thi công công trình trọng điểm Quốc gia, bà Thúy cho biết thêm, tỉnh sẽ chủ động rà soát các mỏ cát hiện có trên địa bàn tỉnh. Đối với những mỏ nào còn trữ lượng sẽ thực hiện đầy đủ hồ sơ, thủ tục bàn giao cho nhà thầu theo quy định...

Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau kết nối nhiều tỉnh ĐBSCL. Giai đoạn 1, dự án có tổng mức đầu tư hơn 27.200 tỷ đồng, chia làm hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang dài 36,7km, vốn đầu tư trên 9.700 tỷ đồng và đoạn Hậu Giang - Cà Mau dài 72,8km, vốn gần 17.500 tỷ đồng.

Công trình khởi công ngày 1/1/2023, dự kiến hoàn thành đầu năm 2026. Tổng nhu cầu cát cho toàn dự án khoảng 18,1 triệu m3. Riêng năm 2023 cần 9,1 triệu m3 và năm 2024 cần 9 triệu m3.

Nguồn: Báo Giao thông