Hà Nội loại bỏ hoàn toàn xe buýt chạy dầu diezel sau năm 2035

Ngày 05/07/2024
TP Hà Nội đặt mục tiêu tỷ lệ chuyển đổi buýt diezel sang năng lượng xanh đến năm 2030 đạt 70-90% và 100% từ sau năm 2035.

Ngày 4/7, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có Đề án phát triển giao thông công cộng bằng buýt điện, năng lượng xanh. 

Trong đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2026-2030 có 50% xe buýt điện và 50% xe buýt LNG/CNG với nguồn lực tài chính 43.000 tỷ đồng.

Hà Nội đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn xe buýt chạy dầu diezel sau năm 2035

CNG - Compressed Natural Gas là khí thiên nhiên thành phần chủ yếu là CH4 -metan, được xử lý và nén ở áp suất cao. CNG được coi là nguồn năng lượng sạch phục vụ cho ngành giao thông vận tải. LNG - Liquefied Natural Gas có thành phần tương tự CNG, nhưng ở thể lỏng và có sức chứa cao hơn CNG 2,4 lần.

Xe buýt hoạt động trong khu vực đô thị trung tâm (trong Vành đai 4) được định hướng chuyển đổi sang chạy điện. Các tuyến buýt mở mới ưu tiên sử dụng phương tiện năng lượng điện, năng lượng xanh.

Về kế hoạch chuyển đổi, thành phố sẽ thay toàn bộ buýt chạy dầu diezel đã hết khấu hao và hết hạn thầu. Với các xe còn khấu hao (chưa đến 10 năm từ ngày sản xuất) được sử dụng đến hết khấu hao để chuyển sang xe buýt xanh. Giai đoạn 2024-2030, tỷ lệ chuyển đổi buýt diezel là 70-90%. Giai đoạn 2031-2035 là 100%.

HĐND TP Hà Nội yêu cầu UBND thành phố đảm bảo hiệu quả trong việc sử dụng vốn đầu tư, tránh lãng phí và phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp vận hành.

Thẩm tra nội dung này, Ban Đô thị đồng tình với mục tiêu của đề án, tránh tình trạng ô nhiễm không khí, phù hợp cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại, bền vững.

Ban Đô thị đề nghị UBND thành phố nghiên cứu phương án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng sử dụng điện, năng lượng xanh đảm bảo tỷ lệ vận tải đến năm 2030 đạt 45-50%; kết nối hạ tầng kỹ thuật hệ thống xe buýt với hệ thống đường sắt đô thị hiệu quả, tiếp tục chủ trương hạn chế phương tiện cá nhân.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị chính quyền thành phố bổ sung phương án cấp điện, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho xe điện, trạm sạc, phòng cháy, chữa cháy phù hợp quy chuẩn. Ban Đô thị cũng đề nghị quy định về điều kiện kinh doanh, niên hạn sử dụng, đăng ký, đăng kiểm để giảm dần, tiến tới loại bỏ hoàn toàn phương tiện dùng nhiên liệu hóa thạch.

Hà Nội hiện có 154 tuyến buýt, trong đó 132 tuyến buýt trợ giá; 8 tuyến buýt không trợ giá; 12 tuyến buýt kế cận và 2 tuyến buýt City tour. 11 đơn vị vận hành 132 tuyến buýt trợ giá, trong đó 122 tuyến đấu thầu và 10 tuyến đặt hàng. Số xe buýt trợ giá là 2.034 với 277 xe sử dụng năng lượng sạch./.

Nguồn: Báo Giao thông