Tuyên Quang: Cẩn trọng khi đi qua đường đèo, dốc mùa mưa bão

Ngày 05/07/2024
Mùa mưa bão đến thường gây ra lũ quét, sạt lở đất, đá, cây cối gãy đổ, gây hư hỏng cầu đường, ách tắc giao thông. Do vậy, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh Tuyên Quang phối hợp với các ngành chức năng đã chủ động triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra.

Ban An toàn giao thông tỉnh, Sở GTVT, UBND các huyện, thành phố đã triển khai các điều kiện để xử lý khi có sự cố về hạ tầng giao thông. Đồng thời, thành lập đoàn kiểm tra, rà soát từng tuyến đường và công tác chuẩn bị vật tư dự phòng, thiết bị khắc phục sự cố, phương án phân luồng, bảo đảm an toàn khi có tình huống xấu xảy ra.

Khu vực sạt lở tuyến đường ĐT. 188, đoạn qua đèo Lai, xã Phúc Sơn
(Lâm Bình) đã được khắc phục, đảm bảo giao thông được thông suốt

Trận mưa lớn kéo dài đêm 21rạng sáng 22/6 trên địa bàn huyện Lâm Bình đã gây ảnh hưởng, thiệt hại về nhà ở, tài sản của nhân dân, trong đó tuyến đường ĐT.188 từ huyện Lâm Bình đi huyện Chiêm Hóa, đoạn qua đèo Khau Lắc, thị trấn Lăng Can đã bị sạt lở taluy dương, với khối lượng đất đá trên 200m3, gây ách tắc cục bộ cho người và phương tiện đi qua tuyến đường này. Ngay sau khi sạt lở xảy ra, UBND huyện Lâm Bình đã chỉ đạo Hạt Quản lý giao thông huyện và các đơn vị liên quan huy động máy móc, phương tiện san gạt khối lượng đất đá, nhằm đảm bảo thông suốt cho người và phương tiện đi qua.

Hay trước đó, do ảnh hưởng của trận mưa lớn sáng 4-6, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa đã xảy ra ngập úng và sạt lở đường. Cụ thể, ngập úng cục bộ tại thôn An Vượng, sạt lở tuyến đường từ xã Phúc Thịnh đi xã Trung Hà đoạn qua thôn An Phú, Tân Bình, Tân Minh, xã Tân An, gây ách tắc cục bộ, khó khăn cho người tham gia giao thông. Ngay sau khi xảy ra sạt lở, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo sạt lở ngập lụt, đồng thời phân luồng hướng dẫn người dân đi vào tuyến đường tránh nơi sạt lở, ngập úng.

Những ngày mưa bão, mặt đường ẩm ướt, trơn trượt, sạt lở đất đá, cây cối gãy đổ, sương mù gây khuất tầm nhìn tại nhiều đoạn đường trên tuyến Quốc lộ 2C, 3B, 279, 37, ĐT.188... Việc điều khiển xe trong thời tiết mưa bão là nỗi ám ảnh đối với nhiều tài xế. Anh Hoàng Việt Anh, lái xe khách tuyến Tuyên Quang- Lâm Bình chia sẻ, từ thành phố Tuyên Quang đến Lâm Bình phải đi qua ít nhất là 3 con đèo, luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đặc biệt trong thời điểm có mưa to dẫn đến mặt đường trơn trượt, sạt lở, bùn đất trôi xuống đường. Chỉ cần lái xe không chú ý có thể lao xuống vực hoặc gây tai nạn với xe đi ngược chiều bất cứ khi nào. Vì vậy, mỗi lần đi qua anh đều phải tập trung cao độ, vững tay lái, chú ý quan sát tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra.

Là lái xe chở hàng trong nhiều năm, thường xuyên đi qua các tuyến đường đèo dốc khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung và tỉnh Tuyên Quang nói riêng, anh Lê Ngọc Cường, xóm 6, xã Trung Môn (Yên Sơn) chia sẻ, để an toàn vượt qua đoạn đường bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, lái xe nên hạn chế tốc độ, chú ý quan sát, sử dụng đèn xe một cách hợp lý để tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra. Trong trường hợp mưa quá to, tầm nhìn bị hạn chế nên đỗ xe vào nơi an toàn, bật đèn cảnh báo để thông báo cho xe khác, chờ đến khi cơn mưa ngưng bớt mới di chuyển.

Đồng chí Đỗ Văn Lai, Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải cho biết, ngay từ đầu mùa mưa bão, Sở chỉ đạo các đơn vị bảo trì đường bộ tăng cường công tác quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, ưu tiên trọng tâm quét dọn vệ sinh trên mặt đường, mặt cầu, dặm vá ổ gà… bảo đảm lề sạch, rãnh thông, mặt đường êm thuận, hành lang thông thoáng. Đồng thời, kiểm tra, rà soát hệ thống biển báo giao thông; các đoạn tuyến, khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, nhất là các đoạn tuyến đang thi công, các đoạn tuyến đèo dốc có nguy cơ sạt lở đất đá. Sở có phương án bố trí nhân lực ứng trực kịp thời phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức giải tỏa, điều tiết giao thông khi xảy ra ngập úng hoặc sự cố, bảo đảm an toàn giao thông được thông suốt.

Nguồn: Báo Tuyên Quang