Thủ tướng dự lễ khánh thành tuyến đường nối 2 cao tốc huyết mạch của miền Bắc

Ngày 07/07/2024
Sáng 7/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên (giai đoạn 2). Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tới 30 phút so với đi cầu Yên Lệnh và Quốc lộ 39. Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ được nâng cấp lên thành đường cao tốc sau năm 2030.

Cùng tham dự sự kiện có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Thủ tướng dự lễ khánh thành tuyến đường nối 2 cao tốc huyết mạch của miền Bắc- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khánh thành - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tổng chiều dài 41,5km. 

Điểm đầu tiếp nối với nút giao liên thông giữa QL39 với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (Km 20+250 thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng), tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên. 

Điểm cuối nút giao Liêm Tuyền, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Trong đó, tuyến đường qua địa bàn Hưng Yên có chiều dài là 23,83km. 

Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tới 30 phút so với đi cầu Yên Lệnh và Quốc lộ 39.

Theo quy hoạch, tuyến đường sẽ được nâng cấp lên thành đường cao tốc sau năm 2030.

Thủ tướng: Hưng Yên cần phát huy tối đa lợi thế tuyến đường gần 3.200 tỷ mang lại- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cắt băng

khánh thành DA đường nối 2 cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với Cầu Giẽ - Ninh Bình

Báo cáo về quá trình triển khai dự án ông Nguyễn Lê Huy, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết: Dự án được chia làm 2 giai đoạn. 

Trong đó, giai đoạn 1 dự án đã được đầu tư bằng nguồn vốn dự phòng của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020, khởi công xây dựng vào tháng 8/2011, hoàn thành vào năm 2019 với tổng mức đầu tư là 1.077 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2 nâng cấp mở rộng mặt đường từ 12m lên 24m sử dụng nguồn vốn trung hạn 2021 - 20215 của trung ương, được khởi công tháng 11/2021 và hoàn thành vào tháng 10/2023 với tổng mức đầu tư là 702 tỷ đồng.

Ngoài ra, để tăng cường kết nối, tạo động lực cho các khu công nghiệp đang hình thành dọc hai bên tuyến đường, tỉnh Hưng Yên còn đầu tư thêm hệ thống đường bên với chiều dài 20,3km mỗi bên. 

Tổng mức đầu tư dự án đường bên là 1.414 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương là 600 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 814 tỷ đồng. Khởi công tháng 1/2022, thời gian thi công 960 ngày, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính, đảm bảo đủ điều kiện thông xe kỹ thuật.

Như vậy, tổng giá trị các dự án lên đến 3.193 tỷ đồng. Các dự án đều do Sở GTVT tỉnh Hưng Yên làm đại diện chủ đầu tư, đơn vị trúng thầu thi công là doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường.

Thủ tướng: Hưng Yên cần phát huy tối đa lợi thế tuyến đường gần 3.200 tỷ mang lại- Ảnh 2.

Tuyến đường được đầu tư đồng bộ lên đến 14 làn

với tổng mức đầu tư của các giai đoạn là gần 3.200 tỷ đồng

Ông Đỗ Thành Chung - Phó giám đốc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, kiêm Giám đốc điều hành dự án, nhấn mạnh: Để dự án hoàn thành đạt kết quả như hôm nay là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT, sự quan tâm sát sao trong công tác GPMB của tỉnh Hưng Yên và sự phối hợp chặt chẽ, giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc của Sở GTVT. 

Quá trình thi công, các đơn vị tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế và bản thân nhà thầu đã phấn đấu hết mình, vượt mọi khó khăn về thời tiết, giá cả nguyên vật liệu, huy động hàng trăm thiết bị hiện đại, tập trung thi công ngày đêm mới đảm bảo tiến độ, chất lượng công trình.

Thủ tướng: Hưng Yên cần phát huy tối đa lợi thế tuyến đường gần 3.200 tỷ mang lại- Ảnh 3.

Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tỉnh Hưng Yên phải khai thác hiệu quả tiềm năng,

lợi thế tuyến đường mang lại, sớm nâng cấp tuyến đường thành đường cao tốc.

Đối với địa phương, tuyến đường bộ nối đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình qua địa phận tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hà Nam là tuyến đường bộ rất quan trọng, trong vùng lõi kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là động lực phát triển khu vực Đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, nhất là ba tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình. 

Tuyến đường hoàn thành góp phần kết nối giao thông giữa đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, QL38, QL38B, QL39 và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, nâng cao khả năng khai thác của hai tuyến cao tốc, giảm tải lưu lượng qua QL5, QL1 và cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, đồng thời tạo sự thông suốt với Hải Phòng, Quảng Ninh, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong đó có các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình.

“Xác định tầm quan trọng của dự án, tỉnh ủy, UBND tỉnh coi đây là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, mục tiêu hoàn thành tuyến đường đã được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX. 

UBND tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, đề ra những cơ chế, chính sách phù hợp để kịp thời tháo gỡ vướng mắc, nhất là các khó khăn, vướng mắc trong công tác GPMB, công tác triển khai dự án thường xuyên được đưa vào nội dung tại các cuộc họp của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh; các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên kiểm tra hiện trường để trực tiếp đôn đốc chỉ đạo”, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên chia sẻ

Thủ tướng dự lễ khánh thành tuyến đường nối 2 cao tốc huyết mạch của miền Bắc- Ảnh 4.

Thủ tướng tặng quà các đơn vị thi công tuyến đường bộ nối đường cao tốc

Hà Nội-Hải Phòng với đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đoạn qua tỉnh Hưng Yên (GĐ2)

- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết tỉnh Hưng Yên có nhiều địa điểm "gần Hà Nội hơn cả Hà Nội", tiềm năng phát triển rất lớn, nhưng vấn đề là phải có đường kết nối. Cá nhân Thủ tướng đã nhiều lần chia sẻ với lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ về việc cần thiết đầu tư tuyến đường kết nối cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ, tuyến đường Tân Phúc-Võng Phan và con đường di sản sông Hồng, có 3 tuyến đường này thì chắc chắn Hưng Yên sẽ phát triển mạnh.

Các tuyến đường này sẽ góp phần thực hiện 3 đột phá chiến lược, nâng tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược của tỉnh trong phát triển giao thông, kết nối vùng, kết nối quốc gia, mở rộng không gian phát triển mới, giá trị gia tăng của đất, mở ra các khu đô thị, công nghiệp, dịch vụ mới, giảm chi phí logistics, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, lâu dài của tỉnh và khu vực.

Thủ tướng nhấn mạnh, Hưng Yên có vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên thuận lợi, để phát triển mạnh thì điều rất quan trọng là phải kết nối giao thông vùng, giao thông cả nước và với quốc tế. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy giai đoạn phát triển nhanh nhất là giai đoạn đầu tư phát triển mạnh hạ tầng, trong đó có hạ tầng giao thông.

Thủ tướng dự lễ khánh thành tuyến đường nối 2 cao tốc huyết mạch của miền Bắc- Ảnh 5.

Tuyến đường giúp rút ngắn thời gian di chuyển giữa cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ
với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tới 30 phút so với đi cầu Yên Lệnh và QL39

- Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng hoan nghênh tỉnh Hưng Yên đã thi công giai đoạn 2 vượt tiến độ 8 tháng, trước hết là nhờ giải phóng mặt bằng nhanh. Theo Thủ tướng, có được điều này phải cảm ơn nhân dân đã nhường mặt bằng, nơi ở, nơi sản xuất kinh doanh, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị (chính quyền, các ban Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội) dưới sự lãnh đạo của cấp ủy.

Thủ tướng cũng cảm ơn các chủ thể liên quan đã nỗ lực, đóng góp cho dự án hoàn thành, mở ra không gian phát triển mới, giai đoạn phát triển mới của tỉnh Hưng Yên và góp phần thúc đẩy sự phát triển của cả khu vực.

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị các cơ quan làm tốt các thủ tục thanh quyết toán, việc duy tu, bảo dưỡng, khai thác không gian phát triển mới từ dự án, phát triển các khu công nghiệp, khu dịch vụ…; trên cơ sở quy hoạch tốt sẽ có dự án tốt, có dự án tốt thì có nhà đầu tư tốt, có nhà đầu tư tốt thì sẽ có hiệu quả tốt. Tỉnh Hưng Yên và các cơ quan liên quan tiếp tục tổng kết, rút kinh nghiệm từ dự án này để nhân rộng ra các dự án khác.

Trước đề xuất của tỉnh và nhà thầu, Thủ tướng đồng ý chủ trương sớm nâng cấp đường nối này thành đường cao tốc, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phối hợp với tỉnh Hưng Yên để triển khai các công việc, làm nhanh các thủ tục, chọn nhà đầu tư, nhà thầu tốt, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2025.

T.H