Bộ TT&TT ban hành danh sách các nền tảng số quốc gia

Ngày 19/07/2024
Để các bộ, ngành thực hiện, triển khai, khai thác hiệu quả, đồng thời tránh tình trạng trùng lặp khi sử dụng các nền tảng số quốc gia, Bộ TT&TT vừa ban hành Văn bản số 2765/BTTTT-CĐSQG đối với các nội dung quan trọng này.

Theo đó, đây là văn bản cụ thể, tổng hợp danh sách các nền tảng số quốc gia, bao gồm các nền tảng số, hệ thống thông tin, ứng dụng bộ, ngành đầu tư, triển khai sử dụng toàn quốc từ Trung ương đến các địa phương, như: Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia; Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp…

Đặc biệt, các nền tảng số quốc gia này là nền tảng phục vụ nghiệp vụ, chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành tại địa phương; là công cụ hỗ trợ các cơ quan, tổ chức, cá nhân làm việc; hỗ trợ cung cấp thông tin, chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; hỗ trợ địa phương cập nhật thông tin, báo cáo, thống kê cho các đơn vị.

ban-do-so.png

Các địa phương cần tích cực khai thác, sử dụng các nền tảng

do các bộ, ngành triển khai.

Và để gia tăng thực chất việc thực hiện, sử dụng các nền tảng này, Bộ TT&TT đề nghị đối với các bộ, ngành khi chưa công bố thì khẩn trương rà soát và gửi Bộ TT&TT (nếu không công bố mà các địa phương triển khai chồng lấn, trùng lặp phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ).

Cùng với đó, các bộ, ngành cần cập nhật kịp thời danh sách các nền tảng khi có sự thay đổi; rà soát và kết nối các nền tảng số trong danh mục với Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia để chia sẻ, trao đổi dữ liệu với các nền tảng của địa phương.

Đặc biệt, các địa phương cần tích cực khai thác, sử dụng các nền tảng do các bộ, ngành triển khai. Đồng thời, chủ động triển khai các giải pháp chuyển đổi số (CĐS) của mình; tránh triển khai chồng lấn, trùng lặp với các nền tảng số do các Bộ, ngành đã công bố.

Cũng liên quan đến một số nội dung đề cập trong văn bản này, trước đó Bộ TT&TT đã tích cực ban hành văn bản hướng dẫn số 2291/BTTTT-KTS&XHS về việc rà soát, bổ sung, thúc đẩy phát triển và đưa vào sử dụng các nền tảng số quốc gia. Và ở văn ban quan trọng này, các vấn đề quan trọng như: Tiêu chí, nhu cầu, sự phổ biến… cũng đã được đề cập, nêu rõ, hướng dẫn chi tiết.

Cũng mới đây, trong báo cáo công tác về việc triển khai thực hiện nhiệm vụ CĐS quốc gia năm 06 tháng đầu năm 2024, những kết quả tích cực về việc sử dụng hiệu quả các nền tảng số đã được công bố. Theo đó, các bộ, ngành đã sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ (đạt 100%); gia tăng các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng các nền tảng số trong quản trị, sản xuất để thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, đồng thời giúp tăng năng suất, hiệu quả hoạt động, giảm phát thải.

Đặc biệt, số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) sử dụng nền tảng của Chương trình hỗ trợ SME CĐS là 338.239 doanh nghiệp, tăng 68,3% so với cuối năm 2023.

Và để tiếp tục phát huy hiệu quả cao hơn nữa trong việc sử dụng các nền tảng số (đến cuối năm 2024), Bộ TT&TT đề xuất mốc thời gian đến cuối tháng 11/2024 các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần đẩy mạnh việc triển khai, đưa vào sử dụng Nền tảng hỗ trợ quản lý bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ trên phạm vi toàn quốc đảm bảo đạt 100%...

Như vậy có thể nói để đạt được những mục tiêu đích của CĐS thì việc sử dụng các nền tảng số, nhất là nền tảng số quốc gia chính là công cụ số quan trọng không thể thiếu nhằm thúc đẩy sự phát triển toàn diện đúng, trúng, tổng thể, chuẩn hoá về mặt chủ trương cho đến hành động./.

Theo Tạp chí Thông tin & Truyền thông