Trường ĐH GTVT TP.HCM hợp tác với các trường đại học và doanh nghiệp của Trung Quốc đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đường sắt tốc độ cao và metro

Ngày 22/07/2024
Từ ngày 17-19/7/2024, PGS.TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu đoàn công tác sang thăm và làm việc với các đối tác Trung Quốc nhằm triển khai các kế hoạch hợp tác đào tạo nhân lực đường sắt tốc độ cao và metro.

Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hollysys, ông Li Jian đón tiếp đoàn công tác UTH

Chuyến công tác ghi nhận nhiều kết quả tích cực và tiềm năng của UTH trong việc kiến tạo và kết nối hệ sinh thái dạy học - thực hành - làm việc trong lĩnh vực đường sắt và và metro với 5 chuyên ngành mũi nhọn: thi công xây dựng; quản lý vận hành; hệ thống thông tin tín hiệu và điều khiển; đầu máy - toa xe; và hệ thống điện.

Sáng ngày 17/7/2024, Đoàn công tác UTH làm việc với Tập đoàn Hollysys - đơn vị dẫn đầu trong việc cung cấp giải pháp thông minh cho các ngành công nghiệp, giao thông vận tải, thực phẩm và dược phẩm tại Trung Quốc. Với quy mô hoạt động mở rộng tại 5 châu lục, 5.000 nhân viên và sở hữu 2.000 sáng chế, Tập đoàn Hollysys liên tục đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và trở thành thành viên của Cộng đồng hội nhập giáo dục công nghiệp tự động hoá vận tải đường sắt quốc gia (National Intelligent Rail Transit Automation Industry - Eudcation Integration Community) với hơn 100 thành viên là cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, Hiệp hội đường sắt Trung Quốc. Tại phiên làm việc, UTH và Hollysys thảo luận và tiến tới hợp tác liên kết đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đường sắt và metro tại trung tâm đào tạo của Hollysys và các trường đại học thành viên đối tác của Hollysys.

Tham quan Phòng thí nghiệm số sản xuất thông minh của Hollysys

Chiều ngày 17/7/2024, Đoàn công tác UTH làm việc với Tổng Công ty tư vấn metro Bắc Kinh (Beijing Metro Consultancy Corporation Ltd.). Tại đây, Đoàn công tác UTH tham quan trạm theo dõi và điều hành giao thông đô thị, phòng thí nghiệm mô phỏng buồng lái tàu metro và trao đổi các tiến bộ của quy trình tự động hoá vận hành.

Sáng 18/7/2024, Đoàn công tác UTH làm việc cùng với Học viện khoa học đường sắt Trung Quốc (Chinese Academy of Railway Sciences, CARS). CARS được thành lập năm 1950, tiền thân là Viện nghiên cứu công nghệ đường sắt (RTRS), trực thuộc Bộ Đường Sắt Trung Quốc. Đến năm 1972, RTRS được sáp nhập với Học viện khoa học giao thông vận tải, chính thức trở thành CARS, trực thuộc sự quản lý và điều hành của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc. Cho đến nay, CARS có gần 10.000 nhân viên; sở hữu gần 300 giải thưởng nghiên cứu khoa học đường sắt cấp tỉnh, Bộ và Quốc gia; có 939 sáng chế và 558 quyền sở hữu trí tuệ phần mềm với 6 nhóm ngành nghiên cứu then chốt là đường sắt tốc độ cao, đường sắt nặng, đường sắt vượt địa hình đồi núi và cao nguyên, đường sắt thông thường, đường sắt liên thành phố và khu vực và đường sắt đô thị. Tính đến nay, CARS là một trong những đơn vị nghiên cứu khoa học đường sắt lớn nhất cả nước với tổng thu từ hoạt động nghiên cứu có vốn Nhà nước đạt 1,75 tỷ nhân dân tệ, thu từ triển khai các dự án nghiên cứu độc lập đạt 1,56 tỷ nhân dân tệ. Tại CARS, Đoàn công tác UTH tham quan và trải nghiệm mô phỏng tại Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về hệ thống theo dõi đường sắt tốc độ cao. Đồng thời, Đoàn công tác UTH và CARS thảo luận và trao đổi kinh nghiệm định hướng nghiên cứu khoa học đường sắt phù hợp với bối cảnh và năng lực hiện tại của Việt Nam, nhằm tối ưu hoá nguồn lực sẵn có, kết hợp chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ thông qua hợp tác dự án nghiên cứu nghị định thư Việt Nam - Trung Quốc mà CARS và UTH đồng thời cùng tham gia.

Làm việc cùng với CARS

Phó Viện trưởng Nghiên cứu và Đào tạo CARS - Zhou Yan và Đoàn Công tác UTH

trao đổi kinh nghiệm định hướng nghiên cứu khoa học đường sắt

Trưa ngày 18/7/2024, UTH làm việc cùng Viện công nghệ đường sắt Nam Kinh (Nanjing Vocational Institute of Railway Technology). Theo đó, UTH và Viện công nghệ đường sắt Nam Kinh trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong việc phát triển, vận hành và số hoá chương trình đào tạo ngành đường sắt theo mô hình đặt hàng cho doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong nước và khu vực.

Chiều ngày 18/7/2024, UTH làm việc cùng Đại học Giao thông Bắc Kinh và Tổng công ty đầu máy đường sắt Trung Quốc (China Railway Rolling stock Corporation, CRRC). Đại học Giao thông Bắc Kinh được thành lập từ năm 1896, tiền thân là Viện quản lý đường sắt thuộc triều đại Nhà Thanh. Trải qua hơn 120 năm hình thành và phát triển, Đại học Giao thông Bắc Kinh là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia, chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Giáo dục Trung Quốc, chủ động triển khai các dự án cấp quốc gia như Dự án 211, Dự án nền tảng đổi mới 985 cho các ngành khoa học then chốt. Trong lĩnh vực đào tạo đường sắt, Đại học Giao thông Bắc Kinh thuộc top 1 cơ sở đào tạo tốt nhất thế giới. Đại học Giao thông Bắc Kinh và UTH trao đổi các tiềm năng hợp tác nghiên cứu khoa học đường sắt, trong đó kết nối các chuyên gia và nhóm nghiên cứu của hai bên để phát triển vật liệu và năng lượng mới cho bộ cần tiếp điện đường sắt cao tốc (pantopgraphy - catenary).

GS. ZHAO Peng - Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông Bắc Kinh tiếp

PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Hiệu trưởng UTH

Phó Hiệu trưởng Đại học Giao thông Bắc Kinh – GS. Zhao Peng và ông LI Ziaozheng,

 Tổng Giám đốc Công ty Quản lý vận hành giao thông thông minh CRRC,

đơn vị thành viên CRRC Group tiếp Đoàn Công tác UTH

CRRC là công ty trực thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước Trung Quốc, là hãng chế tạo xe lửa và là nhà cung cấp thiết bị vận chuyển đường sắt lớn nhất thế giới. CRRC tham gia vào hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của Trung Quốc với nhiều giải pháp công nghệ cho giao thông thông minh. Trong buổi làm việc, UTH và CRRC hướng đến hợp tác phát triển chương trình đào tạo bảo trì và vận hành, trực tiếp phục vụ nhu cầu thực tế của tuyến Metro số 1 tại Thành phố Hồ Chí Minh; nghiên cứu mô hình phát triển TOD; tư vấn giải pháp vận hành giao thông thông minh. Gần đây, CRRC vừa thắng thầu trong thương vụ mua 2 tỷ cổ phiếu của tập đoàn bảo hiểm China United Insurance Holding Corp, với giá 4.46 tỷ nhân dân tệ.

Sáng ngày 19/7/2024, UTH làm việc cùng với Cục 2 Tổng Công ty Đường Sắt Trung Quốc (CREGC) - Công ty thuộc top 500 công ty lớn nhất trên thế giới với tổng tài sản trên 16 tỷ USD, doanh thu hàng năm 30 tỷ USD. CREGC tham gia thi công 300 dự án đường sắt quan trọng, với tổng chiều dài 24.000 km, chiếm 1/7 tổng số dặm đường sắt đang hoạt động tại Trung Quốc. CREGC cam kết tiếp nhận sinh viên UTH cho các học kỳ thực tế kéo dài từ 1 đến 3 tháng tại các công trình, dự án mà CREGC đang thi công và quản lý.

Ông Trương Thắng Lợi, Phó Tổng Giám đốc Cục 2 Tổng công ty Đường sắt Trung Quốc

tiếp Đoàn công tác UTH

GS. Du Guoxiong Viện trưởng Viện Công nghệ đường sắt Nam Kinh

tiếp Đoàn công tác UTH

Chuyến công tác trong 3 ngày ghi nhận nhiều kết quả tích cực, làm nền tảng để UTH góp phần phát triển và hoàn thiện sức mạnh nội lực ngành đường sắt tốc độ cao và metro của Việt Nam.

Nguồn: UTH