Di sản 6 thập kỷ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 23/07/2024
Trong hơn 13 năm giữ trọng trách cao nhất của Đảng, Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều di sản lớn với tư tưởng nhất quán: Lấy con người, lấy nhân dân làm chủ thể phụng sự xuyên suốt cả cuộc đời và sự nghiệp.

Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gia nhập hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam khi là một thanh niên 23 tuổi, vừa tốt nghiệp khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp Hà Nội. Gần 6 thập kỷ kể từ đó, ông cống hiến trọn vẹn cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc, với khát vọng bền bỉ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.

Lý tưởng ấy song hành cùng ông đến tận cuối đời, kể cả những ngày trên giường bệnh. Ở tuổi 80, Tổng bí thư vừa điều hành công việc của Đảng, vừa điều trị, chăm sóc sức khỏe tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - nơi ông trút hơi thở cuối cùng vào 13h38 ngày 19/7.

"Xuyên suốt trong tư tưởng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng là Nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, lấy Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới", Chủ tịch nước Tô Lâm đúc kết trong bài viết về cuộc đời cách mạng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong 57 năm cống hiến, ông Nguyễn Phú Trọng có hơn 13 năm giữ chức Tổng bí thư, gần ba năm kiêm chức Chủ tịch nước, hai khóa là Chủ tịch Quốc hội. Cố Tổng bí thư để lại dấu ấn trong mọi mặt - chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hoá - trở thành hình mẫu về phong cách sống bình dị cho các thế hệ đảng viên, nhân dân.

Giữ "lò" nóng để giữ lòng dân

"Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, công tác Đảng và xây dựng Đảng chiếm vị trí đặc biệt quan trọng đối với đồng chí Nguyễn Phú Trọng", Chủ tịch nước Tô Lâm viết.

Những ngày cuối đời tại Bệnh viện 108, cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

vẫn vừa điều trị bệnh, vừa nghiên cứu lý luận, ngày 10/5/2024. Ảnh: Tư liệu

Tổng bí thư luôn trăn trở với công tác tư tưởng của Đảng, coi trọng tổng kết thực tiễn để bổ sung, hoàn thiện lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Kho tàng nghiên cứu của ông đã được thể hiện trong 35 đầu sách, cụ thể hóa tư tưởng Hồ Chí Minh thời kỳ đổi mới về đầy đủ các lĩnh vực: Xây dựng chủ nghĩa xã hội, phòng chống tham nhũng, bảo vệ Tổ quốc từ sớm từ xa, ngoại giao, văn hóa, Quốc hội...

Nổi bật trong số đó là cuốn Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ra mắt năm 2022, nêu hàng loạt vấn đề mang tính hệ tư tưởng như: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam phải lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì?

Theo Tổng bí thư, xã hội chủ nghĩa là nơi sự phát triển thực sự vì con người, phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội; xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn. Sự phát triển phải bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong sạch cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Hệ thống chính trị phải đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, do nhân dân và phục vụ lợi ích của nhân dân.

Để đất nước đạt được mục tiêu đó, ông nhiều lần nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng có ý nghĩa then chốt. Chủ nghĩa cá nhân cần được quét sạch và mỗi đảng viên phải xem "danh dự mới là điều thiêng liêng nhất".

Với tư tưởng đó, ngay lần đầu nhậm chức Tổng bí thư năm 2011, một trong những cải cách đầu tiên được ông khởi xướng là đổi mới công tác xây dựng Đảng. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 11 đã ban hành Nghị quyết riêng về "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra là ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng.

"Cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội bức xúc nhất là tình trạng tham nhũng, bè phái, cục bộ, lợi ích nhóm ở một bộ phận đảng viên có chức, có quyền, cả trong một số cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, đương chức, hoặc thôi chức", ông thẳng thắn nêu thực trạng tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết trung ương 4 năm 2012 với sự tham dự của hơn 1.000 đại biểu trên cả nước.

Kể từ đó, Tổng bí thư trở thành "lá cờ đầu" trong chiến dịch làm trong sạch bộ máy. Năm 2013, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chính thức ra mắt, do Tổng bí thư làm Trưởng ban. 9 năm sau, theo chủ trương từ Trung ương, mỗi tỉnh tự thành lập một Ban chỉ đạo riêng, phong trào phòng, chống tham nhũng đi đến tận cấp cơ sở.

Với phương châm "giữ lò nóng để giữ lòng dân", công cuộc phòng chống tham nhũng (còn gọi là chiến dịch đốt lò) được triển khai trên tinh thần "không ngừng nghỉ, không có vùng cấm".

Tổng bí thư từng nhiều lần tâm sự, xử lý cán bộ là điều không ai mong muốn, song tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, nên phải làm vì sự nghiệp chung. Đây là "cuộc đấu tranh chống giặc nội xâm", "xử một vài người để cứu muôn người", đồng thời cảnh tỉnh, răn đe những cán bộ đang có ý định vi phạm.

Trong 10 năm ông làm Tổng bí thư (2012-2022), Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cơ quan tham mưu của Đảng đã ban hành hơn 250 văn bản về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, cùng hàng loạt quy định nhằm xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng với cán bộ, đảng viên trong thời đại mới.

Loạt đại án tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay bị phanh phui. Giai đoạn 2012-2022, trong 2.740 tổ chức đảng, hơn 167.700 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật (7.390 do tham nhũng). Trong 170 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, có 4 ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, 29 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương, 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phá bỏ quan niệm "bất khả xâm phạm" đối với cán bộ cấp cao, thắp lên ngọn lửa trong "chiếc lò" diệt trừ tham nhũng.

Nỗ lực xây dựng bộ máy trong sạch của ông không chỉ để lại dấu ấn trong nước, mà còn được bạn bè quốc tế ghi nhận. Trong điện chia buồn với Việt Nam, lãnh đạo Lào ca ngợi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến hết tâm sức và trí tuệ cho công cuộc đổi mới, xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh, trong sạch, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đưa Việt Nam không ngừng phát triển, nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Trong cuốn Niềm tin yêu của nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế dành cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng bày tỏ sự hoan nghênh nỗ lực chống tham nhũng và thúc đẩy quản trị tốt của Việt Nam.

Chiến dịch "đốt lò" kéo dài hơn một thập kỷ cho thấy sự kiên định, bền bỉ trong đường lối lãnh đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù vậy, PGS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng lịch sử Đảng, cho rằng đây mới là một phần nhỏ khối di sản khổng lồ về lý luận của ông, nhằm mục tiêu thúc đẩy nhận thức về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

"Nhớ về Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều người chỉ nhắc đến 'đốt lò, chống tham nhũng' là không toàn diện, không phản ánh đầy đủ sự cống hiến của ông. Chống tham nhũng chỉ là một phần việc trong xây dựng, chỉnh đốn để làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh hơn. Công cuộc chống suy thoái về tư tưởng chính trị mới của Tổng bí thư mới là căn bản", ông Phúc nói.

Theo ông, Tổng bí thư luôn coi cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở quy mô lớn là việc làm cấp thiết. Ông muốn chống hiện tượng tha hóa, hư hỏng của cán bộ, bởi trong Đảng mà suy thoái tư tưởng chính trị, mất lý tưởng, xa rời con đường cách mạng sẽ dẫn đến nguy cơ mất Đảng, mất chế độ.

"Nếu làm được những gì Tổng bí thư gây dựng, chúng ta sẽ có một đội ngũ cán bộ trong sạch, có đạo đức, tận tâm phục vụ và người hưởng lợi chính là nhân dân", GS Phúc nhấn mạnh.

Chính sách đột phá về kinh tế, văn hoá

Mùa hè năm 2017, lần đầu tiên, Trung ương Đảng ban hành riêng một nghị quyết cho kinh tế tư nhân. Nghị quyết 10 đặt mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành "một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; đến 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp và tỷ trọng kinh tế tư nhân đóng góp 60-65%. Đây được coi là thay đổi lớn vì giai đoạn trước chỉ có kinh tế Nhà nước là chủ đạo, thì nay kinh tế tư nhân đã được xem là một trong những trọng tâm.

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có sự thay đổi rất lớn về tư duy phát triển kinh tế. Đây là một dấu ấn lớn", ông Nguyễn Văn Phúc, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đánh giá.

Hai năm sau, một chủ trương có tính đổi mới khác tiếp tục được Bộ Chính trị ban hành, đó là Nghị quyết về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Theo ông Phúc, thu hút đầu tư nước ngoài quy định trong luật từ năm 1987, song lần đầu tiên trong lịch sử, dưới thời ông Nguyễn Phú Trọng, đã có một nghị quyết riêng, chuyên biệt. Nhờ đó, Chính phủ có cơ sở để hoàn thiện và khắc phục những bất cập trong chính sách này.

Các quyết sách đổi mới của Tổng bí thư trong ba nhiệm kỳ lãnh đạo đều được xây dựng trên cơ sở vận dụng sáng tạo một nền tảng tư tưởng thống nhất: phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo ông Trọng, nền kinh tế này cần có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh. Trong đó, kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố và phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển.

Trong 13 năm ông Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Tổng bí thư, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã tăng hơn 4 lần - từ khoảng 104,6 tỷ USD năm 2010 lên 430 tỷ USD năm 2023. Cùng với đó, thu nhập bình quân đầu người cũng tăng hơn 3,6 lần, từ 1.168 USD lên 4.284,5 USD, theo Tổng cục Thống kê.

Song song với phát triển kinh tế, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của chấn hưng văn hoá bởi "văn hoá còn thì dân tộc còn".

Ngay từ khi là một thanh niên 24 tuổi (năm 1968), ông đã có những bài viết về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam. Theo ông, văn hóa là hồn cốt, nói lên bản sắc dân tộc, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Với tư tưởng đó, Tổng bí thư đã chỉ đạo tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đúng 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất (năm 1946). Tại đây, ông yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Đây là cách để củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước.

Đến gần cuối đời, các lý luận văn hoá của ông được tổng hợp thành cuốn sách 928 trang Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

"Cuốn sách là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng bí thư, một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của người đứng đầu Đảng về bản chất và đặc trưng của văn hóa Việt Nam", Bộ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nói.

Nghệ thuật ngoại giao "cây tre Việt Nam"

Nếu trong nước, hình ảnh của Tổng bí thư được nhớ đến với quyết tâm cải tổ bộ máy và những đổi mới trong chính sách kinh tế - văn hoá, thì ở quốc tế, tên tuổi của ông gắn liền với đường lối "ngoại giao cây tre" - vững ở gốc, chắc ở thân, uyển chuyển ở cành, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách dân tộc.

Ông Nguyễn Văn Son, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đánh giá nền "ngoại giao cây tre" mà Tổng bí thư đề xuất "không phải là sáng kiến bột phát, ngẫu hứng", mà được đúc kết từ quá trình tôi luyện lâu dài, cả lý luận và thực tiễn, đậm tình quê hương đất nước, con người Việt Nam.

Gần hai thập kỷ qua, trên cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chuyến công du và đón tiếp nguyên thủ các nước, qua đó thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam với quốc tế.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

trong chuyến thăm thứ ba của ông Tập tới Việt Nam, tháng 12/2023. Ảnh: Hoàng Phong

Ông 4 lần thăm Trung Quốc, và 3 lần đón tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam. Năm 2022, ông Tập Cận Bình đã trao Huân chương Hữu nghị cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào lần thứ 4 ông thăm Trung Quốc. Trong chuyến thăm gần đây nhất của ông Tập đến Việt Nam vào tháng 12/2023, hai bên ra Tuyên bố chung tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác Chiến lược Toàn diện, thúc đẩy vững chắc việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai.

"Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có tầm vóc lớn lao, sức hút mạnh mẽ và đóng góp to lớn trong quan hệ hai nước Việt Nam - Trung Quốc", Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai nhận định.

Ông Trọng cũng là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đầu tiên được Tổng thống Mỹ đón tiếp tại Nhà Trắng vào năm 2015. Đây là "chuyến thăm lịch sử", đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ ngoại giao hai nước. Sự kiện này cũng mở ra giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia khác.

"Trong tiền lệ, Mỹ chưa bao giờ đón người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam tới thăm", ông Hoàng Bình Quân, nguyên Trưởng ban Đối ngoại Trung ương - người được giao chuẩn bị, phục vụ các hoạt động đối ngoại cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng suốt 10 năm, kể lại.

Trước chuyến thăm, Tổng bí thư yêu cầu ông chuẩn bị với tinh thần "gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai". Cuộc hội đàm của Tổng bí thư với Tổng thống Obama diễn ra tới 95 phút, gấp đôi thời gian dự kiến, trong không khí "rất bình đẳng, cởi mở, thân thiện và thiết thực".

8 năm sau, trong chuyến công du đến Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, mối quan hệ hai nước tiếp tục được nâng cấp lên Đối tác chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhà Trắng năm 2015

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama

trao đổi tại Nhà Trắng, trong chuyến thăm của Tổng bí thư tới Mỹ năm 2015.

Hiện, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong bối cảnh chính trị thế giới phức tạp hai năm qua, nghệ thuật "ngoại giao cây tre" với lập trường đối ngoại đa phương của Việt Nam càng phát huy tác dụng. Chỉ trong 9 tháng, Việt Nam đã đón tiếp lãnh đạo của ba cường quốc lớn: Tổng thống Mỹ Joe Biden; Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình; và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco, chia sẻ thế giới ngày càng tôn trọng khả năng của Việt Nam trong giữ vững các nguyên tắc, đồng thời duy trì đối thoại và thúc đẩy hợp tác. Hình tượng "cây tre" là một khuôn khổ và ẩn dụ ngoại giao hữu ích, thể hiện nỗ lực linh hoạt, thích ứng với hoàn cảnh thay đổi mà không thỏa hiệp các giá trị cơ bản.

"Giống như cây tre uốn cong trong gió, chúng ta vẫn kiên cường ngay cả khi đối mặt với áp lực. Và giống như rễ sâu của cây tre, ngoại giao chúng ta gắn kết chặt chẽ với lịch sử, văn hóa và cam kết vì hòa bình của mình", ông Tuấn nói.

Theo ông, niềm tin và sự kiên định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào đường lối "ngoại giao cây tre Việt Nam" đã để lại dấu ấn không thể phai mờ trong chính sách đối ngoại đương đại của đất nước. Đây là di sản quan trọng trong tiến trình phấn đấu vì một Việt Nam hòa bình, thịnh vượng và được tôn trọng trên trường quốc tế.

Một đời bình dị

Trong ký ức của nguyên Vụ trưởng Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Đức Hà, hình ảnh mỗi lần xuất hiện của vị lãnh đạo cao nhất đất nước gắn liền với chiếc xe Toyota Crown đời 1998. Chiếc ôtô này được cấp cho Văn phòng Quốc hội từ năm 1998. Khi nhậm chức Chủ tịch Quốc hội vào năm 2006, ông Trọng tiếp tục sử dụng dù xe này đã phục vụ lãnh đạo tiền nhiệm gần 8 năm.

PHAM0085-JPG-2821-1721668736.jpg

a-dasdas-5750-1721668736.jpg

Chiếc Toyota Crown được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

sử dụng suốt 18 năm, ảnh chụp tháng 10/2020. Ảnh: Ngọc Thành

5 năm sau, khi được bầu làm Tổng bí thư, chiếc xe tiếp tục theo ông đến trụ sở làm việc mới. Đến giữa nhiệm kỳ khóa 12, Văn phòng Trung ương Đảng đề xuất thay xe cho Tổng bí thư vì chiếc Toyota đã cũ, sử dụng nhiều năm. Thế nhưng, ông không đồng ý, nói rằng "xe vẫn đi tốt". Công tác xa đã có xe 7 chỗ gầm cao, xa nữa thì có máy bay. Chiếc Crown chỉ dùng để đi quanh Hà Nội nên không cần phải đổi.

"Thay xe sẽ phải thêm chi phí, thêm tiền của nhân dân", ông Hà thuật lại lời giải thích của Tổng bí thư. Kể từ đó, chuyện đổi xe không được Văn phòng nhắc lại nữa.

Một kỷ niệm khác là lần đầu đến phòng làm việc của Tổng bí thư để báo cáo công việc vào 11 năm trước, ông Hà ấn tượng sâu sắc với hai chồng sách cao trên bàn làm việc của Tổng bí thư. Trong phòng chỉ có bộ bàn ghế màu nâu sẫm, dài, đặt liền với bàn làm việc, phía dưới là bộ sofa sờn cũ. Tổng bí thư tự tay rót nước mời khách, lúc ra về còn tiễn ông ra tận cầu thang.

"Sự thân thiện, gần gũi, không quan cách đó khiến tôi nhớ mãi", ông nói, thêm rằng trong những lần tiếp xúc khác "chưa bao giờ thấy Tổng bí thư nổi nóng, gắt gỏng với ai".

Không chỉ bình dị, gương mẫu trong lối sống và phong cách làm việc, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người luôn hướng về nguồn cội. Dù bận rộn với công việc của Đảng và Nhà nước, hàng năm, ông luôn dành thời gian về thăm quê ở làng cổ Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội), hay gặp lại thầy cô, bạn bè thuở còn đi học.

viewimage-jpeg-6614-1721653010.jpg

451046190-357109904097708-5118-7211-9530

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong đời thường:

thăm vợ chồng thầy giáo cũ Lê Ðức Giảng (Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, TP Hà Nội) (ảnh trên),

và gói bánh chưng cùng gia đình Tết 2019. Ảnh: Tư liệu gia đình

Cô giáo Đặng Thị Phúc, giáo viên dạy ông thời tiểu học, kể đã nhiều lần được học trò tìm đến tận nhà thăm. Trong một bức thư tay gửi đến cô Phúc đầu năm 2019, Tổng bí thư đề "Học trò cũ của cô", kèm lời tri ân: "Em vẫn giữ mãi những kỷ niệm sâu sắc, không bao giờ phai mờ trong những năm tháng được cô dạy bảo". Cô Phúc xúc động viết tặng lại cho trò 4 câu thơ: "Ngờ đâu trò nhỏ năm nào/ Nay thành cán bộ cấp cao giúp đời/ Nhìn em như ngắm hoa tươi/ Bõ công chăm sóc từ thời ấu thơ".

Theo Chủ tịch nước Tô Lâm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thực sự là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng trong sáng, chí công vô tư, lối sống giản dị, phong cách làm việc dân chủ, tận tụy, khoa học, tôn trọng và yêu thương con người.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thì đánh giá Tổng bí thư là một nhà chính trị, nhà tư tưởng đặc biệt xuất sắc. Cuộc đời và sự nghiệp của ông "là một tấm gương mẫu mực" của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nhất quán giữa nói và làm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Trong những ngày cuối đời ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, dù sức khỏe yếu dần, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn duy trì lịch làm việc. 9h-9h30, ông nghe các trợ lý, thư ký báo cáo tình hình công việc. Sau 10h30 và buổi chiều, ông tiếp các lãnh đạo Đảng, Nhà nước; hoặc ngồi đọc và nghiên cứu tài liệu.

"Tổng bí thư làm việc đến hơi thở cuối cùng. Ngày 13/7, ông vẫn làm việc nhưng buổi chiều chúng tôi phải đặt ống thở máy", PGS Nguyễn Phương Đông, bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho Tổng bí thư nhiều năm qua ở Bệnh viện 108, cho biết.

Trong các bài phát biểu cũng như trò chuyện với cán bộ đảng viên, nhân dân lúc sinh thời, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường dùng một câu trong tác phẩm nổi tiếng Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Liên Xô Nikolai Ostrovsky để nói hộ suy nghĩ của ông, cũng là lời căn dặn cho các thế hệ cán bộ, đảng viên, và nhân dân: "Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, vì đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí...".

Nội dung: Viết Tuân - Phạm Dự
Đồ họa: Khánh Hoàng

 

Nguồn: Báo điện tử VNExpress