Trả lời cử tri TP. Hải Phòng kiến nghị xem xét việc phân cấp các cảng bến, tuyến luồng thủy nội địa hai bên bờ thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh

Ngày 01/08/2024
Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri TP. Hải Phòng do Ban Dân nguyện - Ủy ban Thường vụ Quốc hội chuyển đến theo Công văn số 499/BDN ngày 14/6/2024.

Ảnh minh họa

Nội dung kiến nghị như sau: "Cử tri kiến nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét dừng việc phân cấp các cảng bến, tuyến luồng thủy nội địa mà hai bên bờ thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh, tránh sự quản lý chồng chéo, giảm thủ tục hành chính, chi phí cho người dân, doanh nghiệp".

Trước tiên, Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ GTVT ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân.

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau:

Đối với việc phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu. Trên cơ sở quy định tại Nghị định số 54/2022/NĐ-CP ngày 22/8/2022, Bộ GTVT đã giao Cục ĐTNĐVN xây dựng dự thảo Thông tư quy định về phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thuỷ nội địa tại cảng, bến thuỷ nội địa, khu neo đậu. Trong quá trình xây dựng dự thảo Thông tư, Bộ GTVT đã làm việc với UBND thành phố Hải Phòng để khảo sát, đánh giá các điều kiện của địa phương để xem xét thực hiện việc phân cấp. Ngày 20/11/2023, Ủy ban nhân dân thành phố đã có Văn bản số 2896/UBND-GT gửi Bộ GTVT đề nghị chưa thực hiện phân cấp công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu trên đường thủy nội quốc gia trên địa bàn TP. Hải Phòng.

Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 33/2023/TTBGTVT ngày 22/12/2023 quy định về phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu. Theo đó Thông tư đã thực hiện phân cấp đối với 03 địa phương, gồm: Quảng Ninh, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phạm vi phân cấp, tại khoản 2 Điều 5 Thông tư đã quy định không thực hiện phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu đối với các tuyến đường thủy nội địa giáp ranh giữa 02 tỉnh, thành phố trở lên.

Như vậy, hiện nay, không có trường hợp nào Bộ GTVT thực hiện phân cấp quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu mà hai bên bờ thuộc địa giới hành chính của hai tỉnh như kiến nghị của cử tri. Vì vậy, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng trao đổi, làm rõ lại với cử tri về kiến nghị này.

Về chủ trương phân cấp quản lý tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Hiện nay, Bộ GTVT chưa thực hiện việc phân cấp quản lý tuyến đường thủy nội địa quốc gia. Ngày 10/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 04/NQCP về đẩy mạnh phân cấp phân quyền trong quản lý nhà nước để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các cấp, các ngành, khai thác hiệu quả và giải phóng các nguồn lực phát triển của địa phương. Tại Nghị quyết 04/NQ-CP ngày 10/01/2022, Chính phủ đã định hướng phân cấp một số nhiệm vụ quản lý, bảo trì đường thủy nội địa trên luồng đường thủy nội địa quốc gia cho địa phương thực hiện và giao Bộ GTVT trong giai đoạn năm 2023-2025 xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ quy định về quản lý hoạt động đường thủy nội địa để thực hiện định hướng phân cấp nêu trên.

Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 1772/QĐ-BGTVT ngày 31/12/2023 về chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2024. Theo đó, có chương trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 08/2021/NĐ-CP ngày 28/01/2021 của Chính phủ (dự kiến trình Chính phủ trong tháng 02/2025). Trong quá trình xây dựng các quy định về phân cấp quản lý, bảo trì đường thủy nội địa quốc gia, Bộ GTVT sẽ rà soát, nghiên cứu, xem xét ý kiến nêu trên của cử tri thành phố Hải Phòng để đảm bảo không chồng chéo trong quản lý, giảm thủ tục hành chính, chi phí cho người dân, doanh nghiệp cũng như đảm bảo tuân thủ các quy định của Luật tổ chức chính quyền địa phương và các quy định của pháp luật liên quan.

Trên đây là trả lời của Bộ Giao thông vận tải đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành Giao thông vận tải.

Nguồn: Bộ GTVT