Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình: Nêu cao tinh thần tự quản ANTT, đảm bảo ATGT đường sắt

Ngày 17/08/2024
Tiền thân là Khu đường sắt Nghĩa Bình (ra đời năm 1976), qua 48 năm xây dựng và trưởng thành, Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình là doanh nghiệp có bề dày thành tích, được Đảng và Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đây cũng là đơn vị nhiều năm được UBND tỉnh tuyên dương vì những đóng góp trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Theo ông Huỳnh Văn Tuấn, Phó Giám đốc Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình, thời gian qua, đơn vị luôn quán triệt cho cán bộ, công nhân viên, người lao động các chính sách, chủ trương của Đảng và Nhà nước; phát huy tinh thần đoàn kết, giữ vững an ninh chính trị nội bộ và ý thức tham gia phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ).

Hiện Công ty quản lý 203 km đường sắt trên địa bàn hai tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, với đặc thù nhiều đoạn ở nơi hẻo lánh, vật tư thiết bị nằm ngoài trời, dễ bị đối tượng xấu đánh cắp, phá hoại, gây mất ATGT. Để đảm bảo ANTT trên toàn tuyến, Công ty duy trì 17 tổ tuần đường với 85 thành viên, 17 tổ xung kích với trên dưới 300 thành viên. Đây là 2 lực lượng nòng cốt trong các hoạt động tuần tra, bảo vệ tài sản, tham gia phòng chống bão lũ, phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ.

“Để làm tốt công tác tự quản ANTT, giữ an toàn cho các cung đường, Công ty xây dựng mối quan hệ khăng khít với các địa phương có đường sắt đi qua. Hằng năm, đơn vị phối hợp lực lượng CA tỉnh tổ chức tuyên truyền để người dân chấp hành pháp luật, tích cực phản ánh, tố giác các vi phạm, qua đó ngăn ngừa hành vi phá hoại công trình, đe dọa ATGT đường sắt”, ông Tuấn chia sẻ.

Hoạt động trồng hoa dọc hai bên đường sắt trong mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm”
tại phường Hoài Thanh Tây (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định)
 

Tháng 2/2023, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phát động phong trào “Đường tàu -Đường hoa”, triển khai tại 34 tỉnh, thành có đường sắt đi qua, hướng đến hình thành con đường hoa dài nhất Việt Nam. Hưởng ứng phong trào, từ tháng 11/2023 đến nay, Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình phối hợp với các trường học, hội, đoàn thể trên địa bàn 2 tỉnh triển khai 7 mô hình với hơn 600 cây hoa giấy, hoàng yến, sứ đã được trồng, chăm sóc tại một số lý trình trên toàn tuyến quản lý. Tiêu biểu như mô hình “Đoạn đường ông cháu cùng chăm” do Đoàn Thanh niên Công ty phối hợp Trường THCS Hoài Thanh Tây, Hội CCB phường Hoài Thanh Tây (thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) triển khai tháng 11/2023.

Nói về hiệu quả các mô hình, anh Nguyễn Thái Sơn, Bí thư Đoàn Thanh niên Công ty, cho hay: “Việc đoàn viên thanh niên, học sinh, cựu chiến binh… cùng nhau trồng, chăm sóc từng cây hoa đã lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn ANTT đến cộng đồng. Qua đó đẩy lùi hành vi lấn chiếm hành lang ATGT đường sắt, trộm cắp tài sản, đặt chướng ngại vật lên đường ray, góp phần xóa các lối đi tự mở, hạn chế TNGT đường sắt…”.

Một trong những vấn đề đặt ra với Công ty thời gian qua là đảm bảo ATGT tại các đường ngang và xử lý tình trạng tự mở lối đi dân sinh qua đường sắt. Hiện nay, riêng tuyến đường sắt trên địa bàn tỉnh Bình Định với chiều dài 108,5 km, hiện có 22 đường ngang có nhân viên gác chắn, 28 đường ngang cảnh báo tự động, 1 đường ngang biển báo và 73 lối đi tự mở.

Để giải quyết vấn đề trên, Phòng Kỹ thuật - An toàn tham mưu lãnh đạo Công ty thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt. Cụ thể như rào chắn tất cả lối đi tự mở theo quy định, chỉ để lại lối đi rộng 1,5 m cho người và xe đạp, xe máy đi qua, cấm các loại ô tô cơ giới lưu thông; đồng thời lập hồ sơ và giao địa phương quản lý. Công ty cũng đề xuất Ban ATGT tỉnh bố trí cảnh giới 6 lối đi tự mở có nguy cơ cao xảy ra tai nạn.

Để xử lý dứt điểm lối đi tự mở, trước đây Công ty đã đề xuất, tham mưu nhiều nội dung để UBND tỉnh Bình Định xem xét, đưa vào Kế hoạch số 79/KH-UBND ngày 23/7/2021 về thực hiện các biện pháp kiềm chế, thu hẹp, xóa bỏ lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn tỉnh.

“Trong đó, Công ty đã tham mưu phương án triển khai đối với từng trường hợp cụ thể. Thời gian tới, Công ty chủ động phối hợp với các địa phương, ngành chức năng xây dựng các đường ngang, đường gom, tiến tới xóa các lối đi tự mở. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tuyên truyền, nâng cao ý thức, trách nhiệm người dân trong việc chung tay đảm bảo ATGT đường sắt”, ông Trần Ba, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật - An toàn, chia sẻ.

Với nhiều đóng góp trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ, Công ty CP Đường sắt Nghĩa Bình là đơn vị được chọn tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ ANTQ điểm cấp tỉnh, diễn ra vào ngày 16/8.

Nguồn: Báo Bình Định