Thái Bình: Ngành GTVT sẵn sàng ứng phó với thiên tai

Ngày 19/08/2024
Với phương châm “Chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương, hiệu quả” các sự cố thiên tai, mưa bão, ngay từ đầu năm ngành giao thông vận tải đã chủ động xây dựng kế hoạch, lên phương án phòng, chống thiên tai (PCTT), tìm kiến cứu nạn (TKCN) nhằm ứng phó kịp thời với các tình huống, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Hiện nay, hệ thống đường bộ toàn tỉnh có tổng chiều dài khoảng 9.300km, trong đó có 4 tuyến quốc lộ, 22 tuyến đường tỉnh, 173 tuyến đường huyện và hệ thống đường đô thị, đường giao thông nông thôn liên hoàn. Ngoài đường bộ, tỉnh có 5 tuyến đường thủy nội địa quốc gia, gồm sông Hồng, sông Hóa, sông Luộc, sông Thái Bình và sông Trà Lý với tổng chiều dài trên 260km; có nhiều cầu, cảng, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông... là những điểm cần đặc biệt chú ý bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão. 

Lực lượng chức năng kiểm tra hoạt động của bến đò ngang An Cứ, xã Nam Hải (Tiền Hải).

Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: Sở đã chỉ đạo các đơn vị bảo đảm vật tư dự phòng, bố trí phương tiện, lực lượng tại chỗ, có kế hoạch huy động nhân lực để kịp thời xử lý sự cố hư hỏng cầu đường, PCTT và TKCN như: Công ty Cổ phần Hoàng Hà 10 xe khách (loại 46 chỗ ngồi); Trường Trung cấp Nghề giao thông vận tải 10 xe tải có tải trọng từ 1,25 tấn trở lên; Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình 10 xe tải có tải trọng từ 3,5 tấn trở lên; Phòng Quản lý phương tiện, vận tải và người lái tham mưu, đề xuất huy động 2 xà lan và tàu kéo (loại trọng tải 593 tấn trở lên) và 2 xe cẩu (1 xe có sức nâng 45 tấn trở lên; 1 xe có sức nâng 62 tấn trở lên). 

Ngoài ra, ngành giao thông vận tải yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được giao quản lý, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mọi tình huống. Đẩy nhanh công tác bảo dưỡng, sửa chữa công trình giao thông; thường xuyên khơi thông dòng chảy, không để úng lụt ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân cũng như có phương án bảo quản vật tư, máy móc, thiết bị khi có thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải thủy cần khảo sát tìm các nơi trú ẩn cho phương tiện và có phương án bảo đảm an toàn cho phương tiện, hàng hóa. Riêng đối với bến phà Cồn Nhất, phải xem xét cụ thể độ an toàn cần thiết mới cho phà chạy; dừng hoạt động khi điều kiện thời tiết bất lợi, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của phà... Đề nghị Công ty Cổ phần Quản lý và xây dựng cầu đường Nam Định có phương án PCTT và TKCN riêng cho bến phà Cồn Nhất, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tại khu vực bến phà khi có thiên tai xảy ra. 

Ông Phạm Anh Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Giao thông vận tải cho biết: Lực lượng thanh tra giao thông đang tập trung thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn công trình giao thông. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị liên quan phát hiện những hư hỏng công trình, đôn đốc lực lượng chức năng sửa chữa kịp thời. Thường xuyên kiểm tra, yêu cầu các chủ phương tiện vận tải thủy tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền vào công trình cầu. Phối hợp với phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, Phòng Quản lý đô thị thành phố, lực lượng công an, Thanh tra Cục Đường thủy nội địa tăng cường kiểm tra các bến phà, bến khách ngang sông. Đặc biệt chú ý chất lượng kỹ thuật phương tiện, trang thiết bị an toàn, bằng lái của người điều khiển phương tiện, giấy phép mở bến khách ngang sông... Trong quá trình kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN ngành giao thông vận tải cũng yêu cầu các đơn vị vận tải thường xuyên kiểm tra an toàn kỹ thuật, hệ thống thông tin, tín hiệu liên lạc theo quy định. Chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu và người điều khiển phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác PCTT và TKCN. 

Để việc ứng cứu được thực hiện kịp thời khi bão, lũ ảnh hưởng trực tiếp vào địa bàn tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN ngành giao thông vận tải và các đơn vị bảo đảm thực hiện nghiêm chế độ trực trong mùa mưa bão, sẵn sàng ứng phó xử lý các tình huống xảy ra. Toàn ngành phấn đấu bảo đảm an toàn về người, tài sản của nhà nước, của nhân dân, bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão./.

Nguồn: Báo Thái Bình