Bình Dương: Bình Dương đã sẵn sàng nguồn vốn trung hạn cho dự án Vành đai 4

Ngày 27/08/2024
HĐND tỉnh Bình Dương đã thông qua nguồn vốn trung hạn cho dự án Vành đai 4, đoạn qua tỉnh Bình Dương.

Tổng mức đầu tư điều chỉnh lên gần 20 nghìn tỷ

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM (đoạn qua tỉnh Bình Dương) mới đây đã được HĐND tỉnh Bình Dương thông qua Nghị quyết điều chỉnh, bổ sung nhiều mục tiêu đầu tư, tổng mức đầu tư, cơ cấu nguồn vốn, quy mô dự án và thời gian thực hiện.

Đường Vành đai 4 TP.HCM điểm đầu từ cầu Thủ Biên

Theo đó, tổng mức đầu tư của dự án này được điều chỉnh từ hơn 18.247 tỷ đồng lên hơn 19.827 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP), tăng thêm 1.579 tỷ đồng; trong đó, vốn Nhà nước tham gia là 9.568,8 tỷ đồng, chiếm 48,26% tổng mức đầu tư. 

Vốn huy động từ nhà đầu tư là 10.258,5 tỷ đồng, chiếm 51,74%, bao gồm cả lãi vay trong thời gian xây dựng khoảng 732,7 tỷ đồng.

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Dương, dự án đường Vành đai 4 TP.HCM (đoạn qua tỉnh Bình Dương) sẽ được xây dựng theo từng giai đoạn, thống nhất công tác quản lý, vận hành trên toàn tuyến đường. 

Đây là cơ sở để các chủ đầu tư hiện đang quản lý các đoạn tuyến có thể bàn giao quản lý, bảo trì và tính toán chi phí vận hành, khai thác các đoạn tuyến đã được đầu tư một cách hợp lý và hiệu quả.

Mục tiêu không chỉ nhằm tạo điều kiện kết nối liên vùng mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc hướng tâm đang được triển khai trong khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án đường Vành đai 4 TP.HCM có tổng chiều dài 198km, đi qua địa phận TP.HCM và bốn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đoạn qua tỉnh Bình Dương có chiều dài 47,85km.

Điểm đầu dự án (ở Bình Dương) tại đầu cầu Thủ Biên, thuộc địa phận xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Hướng tuyến cơ bản bám theo tuyến đường Thủ Biên - Đất Cuốc hiện tại (Km 64+500, theo lý trình đường Vành đai 4 TP.HCM tại vị trí vuốt nối đường Vành đai 4 với đầu cầu Thủ Biên tại tỉnh Bình Dương).

Điểm cuối tuyến đường tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận trên địa bàn xã An Tây, thị xã Bến Cát, Bình Dương (Km 111+950.69).

Đoạn qua tỉnh Bình Dương phân kỳ đầu tư gồm 4 làn xe, mặt đường rộng 24,75m, vận tốc thiết kế từ 100km/h.

Trên tuyến sẽ thi công 13 cầu, bao gồm 7 cầu dọc trên tuyến và 6 cầu vượt ngang. Trong đó có 5 cầu vượt đường bộ, 5 cầu vượt nút giao và 3 cầu vượt nước. Thi công 60 cống ngang thoát nước, gồm cống hộp và cống tròn.

Dự án cũng sẽ thi công 6 trạm thu phí tuyến chính và 3 trạm thu phí tuyến nhánh với mỗi trạm có từ 4-6 làn thu phí ETC.

Sẵn sàng triển khai sử dụng nguồn vốn hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương cho biết, nguồn vốn trung hạn đã được HĐND tỉnh thông qua và bố trí đầy đủ, sẵn sàng cho việc đầu tư cũng như giải ngân.

Việc sẵn sàng về nguồn vốn là một trong những yếu tố quan trọng giúp dự án có thể tiến hành một cách thuận lợi và đạt được các mục tiêu đã đề ra. HĐND tỉnh đề nghị triển khai sử dụng nguồn vốn đầu tư công một cách hiệu quả, đảm bảo tiến độ dự án theo kế hoạch đề ra.

Đường Vành đai 4 là tuyến đường huyết mạch sau đường Vành đai 3 sẽ có nhiệm vụ kết nối vùng, nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến đường cao tốc và quốc lộ hướng tâm; đồng thời, kết nối Cảng hàng không Quốc tế Long Thành với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Dự án này không chỉ thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI mà còn đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của khu vực Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Trước đó, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh đã thông qua nhiều nghị quyết, trong đó có nội dung liên quan đến đầu tư công.

Cụ thể, kỳ họp đã thông qua hai nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. 

Theo đó, bổ sung cam kết bố trí đủ vốn ngân sách địa phương tham gia dự án và điều chỉnh nội dung cơ cấu nguồn vốn ngân sách tham gia dự án đường cao tốc TP.HCM - Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Dương) theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Đối với dự án đường Vành đai 4 TP.HCM, đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1), bổ sung phạm vi giải phóng mặt bằng mố cầu Thủ Biên khoảng 0,6ha thuộc dự án thành phần 1 giải phóng mặt bằng.

Nguồn: Báo Giao thông