Kinh nghiệm thế giới phát triển đường sắt đô thị thành phương tiện công cộng chủ lực

Ngày 04/09/2024
Đường sắt đô thị (ĐSĐT) với những ưu điểm vượt trội đã và đang là "xương sống" của hệ thống giao thông công cộng đối với nhiều nước trên thế giới, vì vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh xây dựng mạng lưới ĐSĐT giúp giải bài toán ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường...

Nhiều quốc gia trên thế giới, hệ thống ĐSĐT đã được đầu tư, phát triển từ rất sớm và trở thành phương tiện giao thông công cộng chủ đạo, tạo ra nhiều giá trị, lợi ích. Dưới đây là một số kinh nghiệm phát triển ĐSĐT ở một số quốc gia.

Nhật Bản: Đường sắt đô thị luôn an toàn và chính xác

Kinh nghiệm thế giới phát triển đường sắt đô thị thành phương tiện công cộng chủ lực - Ảnh 1.

Một đoàn tàu cao tốc tiến đến ga Yurakucho, Tokyo, Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg)

Nói đến hệ thống ĐSĐT không thể không nhắc đến đất nước "mặt trời mọc". Nhật Bản là nước tiên phong phát triển ĐSĐT, với mạng lưới trải rộng nhiều thành phố trên khắp cả nước, hiện đại và đồng bộ. Có được thành quả đó phải kể đến công tác quy hoạch phát triển ĐSĐT, bên cạnh đó là đầu tư công nghệ tiên tiến, đảm bảo an toàn vận hành an toàn và hiệu quả.

Hệ thống tàu điện ngầm được xây dựng và quản lý vận hành theo hình thức hợp tác công tư bởi tổng công ty Nhà nước Toei Subway và công ty tư nhân Tokyo Metro. Tính trên tất cả các hệ thống tàu công cộng cả nước, trung bình một ngày Nhật Bản có khoảng gần 14 triệu lượt khách di chuyển. Với sự tiện ích, chính xác về thời gian, an toàn trong đi lại, con số dự báo sẽ tiếp tục tăng lên.

Thời gian qua, Chính phủ Nhật Bản đã tập trung xây dựng quy hoạch đồng bộ, gắn phát triển ĐSĐT với các khu đô thị. Trong hơn một thế kỷ qua, ĐSĐT đã giúp tối ưu hóa hiệu suất sử dụng đất, nâng cao tiện nghi và sự thuận lợi, giảm ùn tắc và lượng khí thải, tiết kiệm thời gian.

Theo đại diện Công ty TNHH Tokyo Metro Nhật Bản, một dự án xây dựng phát triển ĐSĐT thành công cần cân bằng giữa yếu tố lợi ích của các tổ chức và các bên liên quan, đồng thời các dự án cần có tính liên kết chặt chẽ. Làm tốt công tác quy hoạch, nắm bắt nhu cầu của khách hàng sử dụng xung quanh nhà ga dọc tuyến ĐSĐT.

Đơn cử như ở Tokyo, cùng với mạng lưới đường sắt đi trên cao nội, ngoại ô, liên tỉnh cấu thành mạng lưới đường sắt Thủ đô còn có mạng lưới đường sắt ngầm được xây dựng và vận hành bởi hai công ty là Tokyo Metro - công ty tư nhân và Công ty Toei Subway - công ty nhà nước. Hệ thống đường sắt ngầm của khu vực Tokyo hiện có 14 tuyến đường với tổng chiều dài 293,1 km, bao gồm 282 nhà ga, tiếp cận được các điểm dân cư đông đúc và những điểm mà mạng đường trên cao không thể đến.

Bắc Kinh (Trung Quốc): Phấn đấu 62% chuyến đi liên quan đến tàu điện ngầm

Kinh nghiệm thế giới phát triển đường sắt đô thị thành phương tiện công cộng chủ lực - Ảnh 2.

Hệ thống ĐSĐT của Trung Quốc phát triển nhanh và hiện đại (Ảnh: Internet)

Mặc dù đi vào hoạt động sau hệ thống ĐSĐT ở các nước, nhưng hệ thống tàu điện ngầm của Bắc Kinh (Trung Quốc) đã phát triển nhanh chóng để trở thành một trong những hệ thống giao thông ngầm dài và hiện đại nhất thế giới.

Hiện nay, tại Bắc Kinh có 27 tuyến ĐSĐT, trong đó có một tuyến Maglev kéo dài 519 dặm xuyên Thủ đô và các quận lân cận với 490 trạm xử lý, đạt hơn 15 triệu lượt hành khách mỗi ngày.

Thời gian qua, Bắc Kinh đã nghiên cứu đầu tư 6 tuyến hoàn toàn tự động hóa bằng tàu không người lái, tuy nhiên hệ thống phương tiện giao thông công cộng này vẫn đang trong tình trạng quá tải bởi số lượng hành khách "khổng lồ". Bắc Kinh đã và đang có kế hoạch mở rộng hệ thống tàu điện ngầm lên hơn 620 dặm, phục vụ 18,5 triệu lượt hành khách đi lại mỗi ngày vào năm 2025. Để đối phó với tình trạng tắc nghẽn giao thông, Thành phố đang hướng tới con số 60% số chuyến đi sẽ được thực hiện bằng phương tiện công cộng vào năm 2025, trong số đó 62% sẽ liên quan đến tàu điện ngầm.

Đức: Hiệu quả từ hai loại hình S-Bahn U-Bahn

Kinh nghiệm thế giới phát triển đường sắt đô thị thành phương tiện công cộng chủ lực - Ảnh 3.

Một chuyến tàu S-Bahn dừng tại ga đường sắt chính của Berlin (Ảnh: Internet)

Tại Đức, Chính phủ đầu tư mạng lưới ĐSĐT ở hầu hết các đô thị lớn đến các thị trấn ở Đức. Hệ thống giao thông ở Đức được biết đến với sự hiệu quả và độ chính xác cao. Trong đó, hệ thống ĐSĐT bao gồm tàu điện ngầm (MRT) với 4 hệ thống đường sắt nhanh TP (S-Bahn); 14 hệ thống tàu điện ngầm (U-Bahn); đường sắt trọng tải nhẹ (LRT) với 2 hình thức, đặc biệt là tram-train và train-tram. Trong đó, S-Bahn là hình thức giao thông công cộng nhanh nhất. Đây là một loại hệ thống ĐSĐT ngoại ô, phục vụ một khu vực đô thị rộng lớn hơn, kết nối khu vực trung tâm thành phố với ga đường sắt chính. Đối với các hệ thống U-Bahn sẽ vận chuyển nhanh, thông thường chạy chủ yếu dưới lòng đất.

Singapore: Tàu điện ngầm là phương tiện di chuyển phổ biến

Kinh nghiệm thế giới phát triển đường sắt đô thị thành phương tiện công cộng chủ lực - Ảnh 4.

Tàu điện ngầm tại Singapore

Do có diện tích mặt đất nhỏ, Singapore lựa chọn xây dựng hệ thống tàu điện ngầm nhằm tận dụng không gian dưới lòng đất. Hệ thống tàu điện đầu tiên của Singapore được khởi công năm 1983, bắt đầu vận hành năm 1987. Sau nhiều năm phát triển, hệ thống giao thông công cộng tốc độ cao (MRT) dần trở thành phương tiện di chuyển phổ biến thứ hai tại Singapore, sau xe buýt. Đến nay, tổng chiều dài đường sắt của Singapore đạt gần 200 km với hơn 100 sân ga. Các nhà ga đều tích hợp nhiều tiện nghi, góp phần nâng cao chất lượng mạng lưới giao thông của Singapore.

Để mang lại cho người dân Singapore hệ thống giao thông công cộng đẳng cấp thế giới, ngay từ khi thành lập, Chính phủ Singapore đã nhận thức việc tích hợp giao thông với quy hoạch sử dụng đất nhằm tối ưu hóa giá trị quỹ đất hạn hẹp kết hợp phát triển các dịch vụ đi kèm như trung tâm thương mại, nhà ở có mật độ cao xung quanh các nhà ga ĐSĐT.

Nguồn: Tạp chí GTVT