Bộ GTVT tiếp tục ra công điện tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3

Ngày 06/09/2024
Bộ GTVT vừa có Công điện số 33/CĐ-BGTVT ngày 5/9/2024 về việc tập trung ứng phó khẩn cấp với cơn bão số 3 năm 2024.

Theo bản tin của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, sáng ngày 05/9/2024, bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Dự báo, từ sáng ngày 06/9/2024 bão ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; từ đêm ngày 06/9/2024 ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nước ta với sức gió mạnh nhất có thể đạt cấp 10 -12, giật cấp 13-14 và ảnh hưởng sâu vào đất liền, khả năng bão gây gió mạnh, nước dâng, sóng lớn trên biển và ven biển, gió mạnh và mưa lớn diện rộng trên đất liền trong những ngày tới. 

Triển khai Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 05/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung ứng phó khẩn cấp với bão số 3 năm 2024, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị trong ngành: 

1. Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 31/CĐ-BGTVT ngày 04/9/2024 của Bộ Giao thông vận tải về việc tập trung ứng phó với cơn bão số 3 trên biển Đông. Tập trung triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại về nhà ở, kho tàng, trụ sở, công trình giao thông. 

2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước; xem xét trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện phòng chống bão, lũ.

3. Chủ động bố trí nhân lực, phương tiện, thiết bị, vật tư tại khu vực trọng điểm, xung yếu để sẵn sàng tổ chức cứu nạn, cứu hộ và khắc phục nhanh nhất sự cố do bão, lũ gây ra, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, đặc biệt trên các tuyến giao thông trọng điểm.

4. Phối hợp với các lực lượng chức năng của địa phương tổ chức phân luồng, hướng dẫn giao thông an toàn, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy siết; cử người trực chốt, cắm phao tiêu, rào chắn, báo hiệu ở những vị trí ngập nước sâu, sạt lở đất tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.

5. Yêu cầu các cơ quan, đơn vị duy trì chế độ trực ban và chế độ báo cáo theo đúng quy định của pháp luật về phòng, chống thiên tai.
 

Nguồn: Bộ GTVT