Sơ đồ tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đoạn từ Tân Phú đến Liên Khương
Hứa hẹn và thách thức
Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc dài 66 km đi qua địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Đồng Nai (55 km đi qua tỉnh Lâm Đồng, 11 km đi qua tỉnh Đồng Nai), là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương với tổng chiều dài hơn 200 km, do tỉnh Lâm Đồng làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tháng 8/2020, liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án gồm Tập đoàn Đèo Cả (đại diện liên danh), Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Nam miền Trung đề xuất thực hiện dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP). Đến tháng 2/2021, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho liên danh thực hiện lập đề xuất và dự kiến khởi công vào năm 2023, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được vì nhiều lý do.
Năm 2022, để đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các dự án thành phần trên toàn tuyến Dầu Giây - Liên Khương, quy mô nền đường giai đoạn phân kỳ được điều chỉnh từ 2 làn xe thành 4 làn xe, cập nhật sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 17.200 tỷ đồng. Dự án hứa hẹn khi hoàn thành sẽ là trục đường chiến lược để thúc đẩy phát triển kinh tế, đưa Lâm Đồng đến gần hơn với vùng kinh tế trọng điểm phía Đông Nam Bộ của cả nước.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả Hồ Minh Hoàng cho biết: Hơn 4 năm qua, liên danh nhà đầu tư đề xuất dự án, đứng đầu là Tập đoàn Đèo Cả vẫn kiên định theo đuổi, tài trợ kinh phí lập đề xuất dự án (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) và tiếp tục triển khai hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi. Trên cơ sở chủ trương đầu tư dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao cho nhà đầu tư lập Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.
Theo phương án huy động vốn ban đầu, các thành viên liên danh nhà đầu tư đề xuất, các đối tác, ngân hàng đã thống nhất tham gia tài trợ và góp vốn. Tuy nhiên, đến nay do nhiều nguyên nhân, các nhà đầu tư như Hưng Thịnh, Nam miền Trung và Ngân hàng Nam Á không thể tiếp tục tham gia đầu tư hay tài trợ vốn, chỉ duy nhất còn Tập đoàn Đèo Cả là nhà đầu tư và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là bên cho vay vẫn quan tâm, quyết tâm thực hiện dự án.
Với thực tế vốn ngân sách nhà nước tham gia thấp, thời gian thu phí kéo dài, sự kết nối với các đoạn tuyến cao tốc khác như Dầu Giây - Tân Phú, Bảo Lộc - Liên Khương chưa xác định được thời gian hoàn thành để khai thác đồng bộ toàn tuyến từ Dầu Giây đến Liên Khương nên rất khó để thu hút các nhà đầu tư khác và ngân hàng tham gia hợp vốn.
Tại buổi làm việc mới đây về dự án cao tốc, ông Hồ Minh Hoàng cũng nhấn mạnh rằng: Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng với trách nhiệm nhà đầu tư đứng đầu liên danh và tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện”, cùng với kinh nghiệm triển khai thành công nhiều dự án khó, ít nhà đầu tư quan tâm, vốn đầu tư lớn như Đồng Đăng - Trà Lĩnh, Hữu Nghị - Chi Lăng, Tập đoàn Đèo Cả vẫn quyết tâm thực hiện, cam kết góp đủ vốn chủ sở hữu và nghiên cứu, đề xuất giải pháp tài chính khả thi để đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn về mặt thủ tục, sớm phê duyệt và triển khai dự án. Tập đoàn Đèo Cả đã chủ động làm việc với Ngân hàng VDB để ký thỏa thuận tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước với tổng hạn mức trên 20.000 tỷ đồng.
Ông Hoàng cũng cho biết, theo phương án của nhà đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án là 18.388 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 10.990 tỷ đồng (giảm 1.098 tỷ đồng so với Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) và chi phí giải phóng mặt bằng là 2.821 tỷ đồng (tăng 1.699 tỷ đồng), vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án là 6.500 tỷ đồng (chiếm 35,3% tổng mức đầu tư), nhà đầu tư huy động 11.888 tỷ đồng (chiếm 64,7% tổng mức đầu tư). Thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm 9 tháng.
Với phương án này, Ngân hàng VDB tài trợ vốn tín dụng đầu tư cho dự án (khoảng 10.105 tỷ đồng, chiếm 55% tổng mức đầu tư). Thủ tục phê duyệt cũng có thể rút gọn, không cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, nhà đầu tư đề xuất dự án có thể hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi trong 1 tuần để trình thẩm định thay vì mất hơn 20 tháng nếu lựa chọn phương án bổ sung ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, từ mô hình PPP, Tập đoàn Đèo Cả đã tiên phong áp dụng mô hình PPP++ với mục đích tối ưu hóa việc huy động vốn cho dự án bằng cách đa dạng hóa nguồn vốn bao gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn chủ sở hữu, tín dụng, lợi nhuận xây dựng, trái phiếu, cổ phiếu và hợp đồng BCC nhằm nâng cao hiệu quả huy động và giảm thiểu rủi ro thực hiện.
Đồng thời, để giải quyết các vướng mắc này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cũng đã kiến nghị làm rõ tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia đối với các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP) được quy định tại khoản 3, Điều 1 Nghị định 78/2023/NĐ-CP của Chính phủ được xác định là: tỷ lệ vốn chủ sở hữu tham gia tối thiểu 20% tổng mức đầu tư của dự án không bao gồm phần vốn ngân sách nhà nước tham gia trong dự án.
Tập đoàn Đèo Cả cũng kiến nghị, Ngân hàng VDB, cam kết tài trợ vốn tín dụng theo phương án tài chính được hội đồng thẩm định liên ngành thẩm định và UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt để làm cơ sở cho các ngân hàng thương mại bảo lãnh đấu thầu, thu xếp tín dụng ngắn hạn.
Trường hợp Ngân hàng VDB không cấp tín dụng cho dự án, tập đoàn cũng kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có chỉ đạo để Ngân hàng Nhà nước có ý kiến các Ngân hàng TPBank, BIDV, Agribank tham gia đồng tài trợ để hỗ trợ việc thu xếp tín dụng nhằm triển khai đồng bộ Dự án Cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương theo phương án được các nhà đầu tư đề xuất, UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Nhà đầu tư cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Lâm Đồng phối hợp làm việc với Ngân hàng VDB, các ngân hàng thương mại khác để có cơ sở đề xuất, thẩm định, phê duyệt và cấp tín dụng cho dự án, xác định cụ thể về các điều kiện đầu vào mà nhà đầu tư đã đề xuất để đảm bảo tính khả thi của phương án tài chính, các điều kiện cho vay như hạn mức cho vay, lãi suất, thời gian cho vay, thời điểm ký kết hợp đồng tín dụng… phù hợp với phương án tài chính được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Những tín hiệu tích cực
Trong những gần đây, sau chuyến làm việc của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các bộ, ngành Trung ương với tỉnh Lâm Đồng nhằm tháo gỡ vướng mắc của dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, đã có những tín hiệu tích cực cho thấy những khó khăn, vướng mắc của dự án đang dần được tháo gỡ. Trong đó, các bộ, ngành liên quan như: Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã vào cuộc, đưa ra những giải pháp cụ thể để gỡ khó cho dự án.
Cụ thể, về vướng mắc chồng lấn 1 phần diện tích quy hoạch khoáng sản theo quy hoạch khoáng sản quốc gia. Trả lời kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cũng đã cho biết, hoàn toàn có thể xử lý sớm mà không cần phải điều chỉnh quy hoạch và cũng đã hướng dẫn tỉnh Lâm Đồng làm văn bản gửi Bộ để sớm xử lý.
Còn về vấn đề vốn vay ưu đãi cho nhà đầu tư, theo đánh giá của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thì dự án cao tốc này hiệu quả đầu tư rất cao. Vì vậy, ông cũng cho rằng các ngân hàng thương mại sẽ quan tâm và hỗ trợ vay vốn, vấn đề là nhà đầu tư phải hoàn thiện và chứng minh tài chính với phía các ngân hàng thương mại một cách tốt nhất.
Tại buổi làm việc cùng với Phó Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Lâm Đồng mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khánh cũng cho biết, sẽ tiếp thu ý kiến và sẽ sớm đề xuất điều chỉnh khoản 3 Điều 1 Nghị định 78/2023/NĐ-CP bởi điều này là phù hợp và cần thiết.
Cùng với đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng đã có ý kiến đề nghị các ngân hàng thương mại nên liên danh để cho vay, tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai dự án, vì đây là dự án mang lại hiệu quả cao không chỉ cho sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, mang tính kết nối vùng, mà còn là dự án đầu tư có hiệu quả cao về kinh tế đối với doanh nghiệp.
Đại diện một số ngân hàng thương mại cũng đồng ý với ý kiến của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và cho biết, sẽ bàn bạc để cùng liên danh với nhau để hỗ trợ nguồn tài chính hợp lý nhất cho nhà đầu tư vay triển khai dự án.
Với quyết tâm hoàn thành tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia Tân Phú - Bảo Lộc và cả Bảo Lộc - Liên Khương, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho hay, sau khi rà soát các nội dung liên quan, để đảm bảo giải ngân nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 đã bố trí và triển khai hoàn thành dự án theo tiến độ đã được phê duyệt, UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị tiếp tục triển khai thực hiện dự án mà không điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án (không tăng vốn ngân sách nhà nước).
Như vậy, những vướng mắc của dự án cao tốc này đã và đang dần được “tháo gỡ". Hiện Lâm Đồng và các nhà đầu tư đang triển khai các thủ tục pháp lý để có thể sớm hoàn thiện tất cả những yếu tố cần và đủ để sớm khởi công tuyến cao tốc này. Hy vọng rằng, Dự án Cao tốc đoạn Tân Phú - Bảo Lộc sẽ ngày càng tiến gần đến ngày khởi công theo kế hoạch đề ra, đáp ứng nhu cầu phát triển và niềm mong mỏi của người dân.
Theo Báo Lâm Đồng