Ngành GTVT huy động tổng lực bảo đảm giao thông sau bão số 3

Ngày 15/09/2024
Trong những ngày qua, ngành GTVT đã huy động mọi nguồn lực bảo đảm giao thông, khắc phục hậu quả của bão số 3.

Bão số 3 đổ bộ vào nước ta đã gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh phía Bắc, theo Cục Đường bộ VN, tính đến tối ngày 14/9 có 4.177 vị trí đoạn đường bị thiệt hại và ảnh hưởng. Trong đó có 3.924 vị trí bị thiệt hại do sạt lở đất, sụt nền đường, đứt đường và hư hỏng cầu cống; 253 vị trí mặt đường bị ngập nước; sập đổ 2 nhịp cầu Phong Châu, dừng khai thác 4 cầu khác trên QL để bảo đảm an toàn trong điều kiện nước dâng cao, chảy siết, hàng trăm báo hiệu đường bộ bị gãy, đổ và các hư hại khác cần được sửa chữa và thay thế.

QL3B bị sụt gây ách tắc giao thông

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ VN, chỉ tính tắc đường trên các tuyến QL đã có 820 vị trí, trong đó có 567 vị trí do sạt lở, sụt nền đường hư hỏng cầu cống, và 253 vị trí do nước lũ dâng.

Với tinh thần bảo đảm giao thông trong mọi tình huống, trong những ngày qua Bộ GTVT đã ban hành các Công điện đôn đốc, chỉ đạo và trực tiếp tổ chức kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị triển khai khắc phục hậu quả thiên tai nhằm sớm khôi phục giao thông các vị trí, đoạn đường bị tắc, phân luồng, phân tuyến giao thông qua khu vực bị tắc hoặc không bảo đảm an toàn giao thông. Cục Đường bộ Việt Nam vừa đôn đốc, hướng dẫn triển khai và lập 3 đoàn công tác do Lãnh đạo Cục trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị phòng chống thiên tai tại nhiều địa phương. Bên cạnh đó các Sở GTVT phía Bắc và Thanh Hoá, Khu QLĐB I và II, các nhà đầu tư BOT và các đơn vị liên quan của ngành đường bộ đã tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương khẩn trương khôi phục hạ tầng đường bộ phục vụ tìm kiếm cứu nạn; thông tuyến bảo đảm giao thông để phục vụ cứu nạn, cứu hộ, tìm kiếm người mất tích; vận chuyển hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân, bảo đảm giao thông cho các tuyến cao tốc, quốc lộ trở lại bình thường.

Với tinh thần huy động tổng lực để bảo đảm giao thông, đến tối ngày 14/9 ngành Đường bộ đã khắc phục được 555 vị trí, còn 12 vị trí chưa thông do sạt lở do khối lượng lớn, địa hình khó khăn trong việc đưa máy móc tiếp cận vào thi công.

Riêng địa bàn tỉnh Lào Cai là vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 3 với tổng số 58 vị trí sạt, trượt trên các quốc lộ gây ắch tắc giao thông; các lực lượng quản lý đường bộ đã chủ động, khẩn trương xử lý các vị trí sạt lở ngay khi xảy ra. Tính đến 15h ngày 14/9/2024 đã khắc phục thông xe được 55 vị trí (cơ bản bản đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ trên địa bàn tỉnh), còn 3 vị trí (sạt lở taluy dương, đứt đường và taluy âm tại nhiều điểm, điều kiện địa chất phức tạp, nước ngầm lớn và khối lượng lớn). Cục ĐBVN đã chỉ đạo các đơn vị liên quan huy động máy móc, thiết bị tập trung xử lý các vị trí sạt lở còn lại, phấn đấu thông xe từ ngày 16/9.

Một số các địa phương khác như Bắc Kạn, Thái Nguyên, Cao Bằng còn một số điểm bị tắc nhưng do tính chất phức tạp về địa hình, địa chất dự kiến thông đường trước 30/9.

Lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường để lên phương án

xử lý điểm sạt lở trên QL 4D

Ngoài ra còn 7 điểm nước ngập sâu chưa thể thông xe như: tỉnh Hà Nam có 3 vị trí trên QL1, tuyến tránh TP Phủ Lý; Ninh Bình 1 vị trí trên QL38B; tỉnh Phú Thọ 1 vị trí trên QL2D; Thanh Hóa còn 2 vị trí trên QL217. Các vị trí này chưa xác định được thời gian thông xe vì ngập lụt cả khu vực.

Để đảm bảo giao thông trên các tuyến quốc lộ, trong những ngày qua, Cục Đường bộ đã cấp cho các địa phương: Lao Châu, Điện Biên 2.000 rọ thép, Lào Cai 3.000 rọ thép, Hà Giang 1.500 rọ thép, Cao Bằng 2.500 rọ thép, Bắc Kạn 1.500 rọ thép, Yên Bái 5.000 rọ thép để khắc phục, bảo đảm giao thông.

Theo lãnh đạo Cục Đường bộ VN, hiện trong kho dự trữ vật tư dự phòng vẫn còn 206.000 rọ, bảo đảm cung ứng cho các địa phương khi có nhu cầu, và Cục cũng đã có kế hoạch điều động 40.000 rọ thép từ Miền Trung ra cho các tỉnh phía Bắc để khắc phục hậu quả.

Bảo dưỡng vật tư tại kho dự phòng của Cục Đường bộ VN

Cũng theo lãnh đạo Cục, hiện nay các lực lượng, các đơn vị đang tập trung công tác cứu nạn, cứu hộ, bảo đảm giao thông để phục vụ cứu nạn, cứu hộ, vận chuyển hàng hoá thiết yếu, phục vụ giao thông cho công việc khác. Nên chưa đánh giá chính xác, đầy đủ các thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng đường bộ. Bước đầu ước tính thiệt hại cần khắc phục thiệt hại khoảng 2.000 tỷ đồng. Trong đó chi phí đảm bảo giao thông gồm chi phí để hót sụt, đắp lại nền đường, xây dựng tạm đường tránh, cầu, cống tạm, bổ sung thay thế bảo hiệu và khôi phục giao thông tạm trên các quốc lộ bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão: ước tính khoảng trên 500 tỷ đồng. Để xây xây dựng lại các tuyến quốc lộ bị thiệt hại, hư hỏng do bão, mưa lũ, sạt lở đất bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật: ước tính 1.500 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí dự kiến xây dựng lại cầu Phong Châu mới với quy mô 4 làn xe, phù hợp với quy hoạch được phê duyệt, dự kiến khoảng 800 tỷ đồng).

Công nhân tập trung khắc phục điểm đường sắt ngập lụt

tại Km162 tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai .

Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi), khu vực các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ có mưa to đến rất to, gió lớn đã làm hư hỏng kết cấu hạ tầng đường sắt trên tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. HCM và các tuyến đường sắt phía Bắc.

Cụ thể, tuyến Hà Nội – Tp. HCM: nhiều vị trí cây to, cột điện, cột thông tin đổ vào đường sắt (20 vị trí). Khoảng 13 điểm cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt. 5 đường ngang cảnh báo tự động bị gãy cần chắn, hư hỏng thiết bị giám sát, khoảng 20 bình ắc quy đã phóng kiệt dung lượng. Thiết bị tín hiệu ngoài trời tại ga Giáp Bát bị ngập nước, phải đình chỉ hoạt động thiết bị liên khóa SSI.

Tuyến Yên Viên – Lào Cai: 15 vị trí bị cây, cột thông tin đổ vào đường sắt. Nhiều vị trí nước ngập sâu, chảy xiết gây xói lở nền đá, nền đường, sạt lở ta luy nền đường, đất đá trôi lấp nền đường, rãnh đường sắt (khoảng 20 điểm ngập nước và trên 45 điểm sạt lở nền đường). Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đường sắt đang tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị, khẩn trương cứu chữa khắc phục hậu quả, đảm bảo thông đường trong thời gian nhanh nhất.

Khoảng 15 điểm cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt. Ngập 12 tủ đường ngang có người gác, hư hỏng thiết bị giám sát, khoảng 24 bình ắc quy đã phóng kiệt dung lượng. Thiết bị tín hiệu tại ga Yên Bái bị ngập nước, do nước dâng nhanh nên một số thiết bị như đài khống chế, máy phát điện và một số thiết bị ngoài trời không kịp tháo dỡ, di dời.

Tuyến Hà Nội - Đồng Đăng: Khoảng 90 vị trí cây đổ vào đường sắt; 10 đoạn tuyến bị ngập nước (tổng chiều dài khoảng 4 km); 8 vị trí sạt lở taluy, đất đá trôi lấp đường sắt; cầu Nà Lầm (Km119+325) sạt lở tứ nón đầu nam phía hạ lưu. Cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện kèm theo

Tuyến Bắc Hồng – Văn Điển: 17 vị trí cây to, cột điện, cột thông tin đổ vào đường sắt. Đến thời điểm này tại Km20+400 - Km21+000 nước ngập đỉnh ray trên 500mm. Khoảng 28 điểm cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện kèm theo.

Tuyến Gia Lâm – Hải Phòng: Nhiều vị trí cây, cột thông tin đổ vào đường sắt (Km25+500, Ghi N1 ga Phú Thái, khu vực ga Hải Phòng). Khoảng 551 điểm cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt. 9 đường ngang cảnh báo tự động bị gãy cần chắn, hư hỏng một số thiết bị như cảm biến, thiết bị giám sát, khoảng 140 bình ắc quy đã phóng kiệt dung lượng. Thiết bị tín hiệu tại các ga Thượng Lý, Hải Phòng bị ngập nước làm hư hỏng một số thiết bị ngoài trời như hộp cáp, hòm biến thế, biến áp.

Chi tiết thiệt hại hạ tầng 10 tuyến đường sắt sau bão số 3- Ảnh 3.

Phó tổng giám đốc VNR Trần Anh Tuấn kiểm tra thiệt hại hạ tầng

một tuyến đường sắt phía Bắc sau bão số 3

Tuyến Kép – Hạ Long – Cái Lân: Khoảng 166 vị trí cây đổ vào đường sắt; 4 đoạn tuyến bị ngập nước; 3 vị trí sạt lở taluy, đất đá trôi lấp đường sắt; cầu Trại Thành (Km84+042) tường chắn, tường cánh đổ, đất tường cánh sụt lún. Cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện kèm theo, đặc biệt các khu gian Uông Bí – Bàn Cờ - Yên Cư, Hạ Long – Cái Lân nhiều cột thông tin gãy đỗ hoàn toàn. Gẫy cột D1 của đường ngang có người gác tại Km124+053.

Cac tuyến Mai Pha – Na Dương, Đông Anh – Quán Triều, Chí Linh – Phả Lại, Mai Pha – Na Dương: 40 vị trí cây to, cột điện, cột thông tin đổ vào đường sắt; Thông tin tín hiệu thiệt hại chủ yếu do cây xanh, vật kiến trúc gẫy đổ vào làm hư hỏng tuyến đường dây thông tin tín hiệu đường sắt và các phụ kiện kèm theo.

Tuy nhiên, với tinh thần xảy ra sự cố ở đâu, khắc phục luôn ở đó, các đơn vị trên các tuyến đã tập trung nhân lực, vật tư, thiết bị, khẩn trương cứu chữa khắc phục hậu quả, đảm bảo thông đường trong thời gian nhanh nhất.

Đến sáng nay (15/9), điểm ngập, sạt cuối cùng tại tại Km162 (xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai cũng đã được khắc phục thông toàn bộ tuyến đường. Trước đó vị trí này bị mưa ngập trên 2m. Sau khi nước rút, lớp bùn ngập cao 60cm che toàn bộ đường sắt, dài hơn 1km. Công ty CP Đường sắt Yên Lào đã huy động nhân lực tập trung khắc phục để khắc phục nhanh, thông đường toàn tuyến. Ông Đặng Sỹ Mạnh Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường Sắt Việt Nam cho biết, đây mới chỉ là khắc phục bước 1 để thông đường. Sau đây ngành Đường sắt sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá để có phương án sửa chữa tiếp theo.

T.H