Xu hướng sử dụng vận tải biển xanh bằng sức gió

Ngày 17/09/2024
Các công ty vận tải biển trên toàn thế giới đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc giải quyết lượng phát thải gây ô nhiễm không khí khổng lồ của ngành hàng hải. Nhằm hướng tới ngành vận tải biển sạch hơn, công nghệ “đẩy tàu với sự hỗ trợ của gió” đang triển khai được xem như một giải pháp giúp hoạt động ngành vận tải biển ngày càng thân thiện với môi trường.

Tàu buồm Anemos

Tàu buồm Anemos

Gió được xem là loại nhiên liệu gần như không tốn quá nhiều chi phí. Ngoài việc tăng đáng kể hiệu quả về chi phí vận hành, khả năng giảm khí thải từ nhiên liệu này cũng rất lớn. Vài năm gần đây, một số hãng vận tải đã thử nghiệm lắp cánh buồm khổng lồ kéo tàu chạy trên biển hoặc lắp đặt động cơ hoạt động một phần nhờ năng lượng gió.

Là một trong những công ty tham gia xu hướng sử dụng vận tải biển xanh bằng sức gió, Công ty TOWT của Pháp đang nỗ lực thử nghiệm hoạt động vận tải bằng tàu buồm Anemos, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong ngành vận tải biển. Tàu Anemos, dài 81m, có khả năng chở 1.000 tấn hàng hóa. Với các cánh buồm khổng lồ được điều khiển tự động, Anemos có chiều cao tổng thể 62,8m. Với thiết kế hiện đại và công nghệ tiên tiến, Anemos không chỉ là một biểu tượng của sự hồi sinh công nghệ hàng hải truyền thống mà còn có thể là giải pháp tiềm năng cho những thách thức về môi trường mà ngành vận tải biển đang đối mặt. Các thiết bị đẩy tàu bằng sức gió được cho là có thể hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang các loại nhiên liệu thay thế sạch hơn. Giảm nhu cầu nhiên liệu tổng thể của một con tàu giúp hạn chế một số cú sốc về giá cả khi chuyển sang nhiên liệu xanh.

Trong chuyến hải trình đầu tiên kéo dài 18 ngày, tàu buồm Anemos đi từ cảng Le Havre của Pháp đến cảng Newark của thành phố New York, Mỹ. Hình ảnh con tàu buồm cập cảng Newark với khoang thuyền chất đầy rượu champagne, cognac và mứt có thể gợi nhớ đến một thời kỳ vận chuyển bằng sức gió của ngành hàng hải đã bị lãng quên từ lâu. Với Anemos, Công ty TOWT đang tìm cách giúp công nghệ giá rẻ và thân thiện với môi trường này một lần nữa hồi sinh và đóng góp cho ngành vận tải biển bền vững. Giám đốc điều hành của Công ty TOWT, ông Guillaume Le Grand, kỳ vọng đây sẽ là chuyến hải trình đầu tiên trong số nhiều chuyến đi nữa trong tương lai của Anemos. Ông cũng cho biết, 6 tàu khác đã được đặt hàng trong bối cảnh khách hàng ngày càng quan tâm đến lượng khí thải carbon từ các phương tiện vận tải.

Theo Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO), mỗi năm, ngành vận tải biển thải ra khoảng 1 tỷ tấn khí CO2, tương đương gần 3% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. IMO kỳ vọng đạt được mục tiêu trung hòa carbon trong lĩnh vực này vào năm 2050. Trong những năm gần đây, một số hãng vận tải đã thử nghiệm lắp cánh diều khổng lồ kéo tàu chạy trên biển hoặc lắp đặt động cơ hoạt động một phần nhờ năng lượng gió trên tàu thuyền để giảm phụ thuộc vào dầu diesel.

Hiệp hội Tàu chạy bằng sức gió quốc tế cho biết, hiện có khoảng 40 tàu chở hàng cỡ lớn trên toàn thế giới sử dụng sức gió. Con số này vẫn quá nhỏ bé so với 105.000 tàu có trọng tải hơn 100 tấn trên toàn thế giới. Theo trang Popular Science, không chỉ cung cấp sức đẩy không phát thải, gió còn là nguồn tài nguyên không cạn kiệt và dự đoán được. Những đặc điểm này rất hữu ích cho ngành vận tải đang thải ra khoảng 2%-3% lượng khí thải CO2 trên thế giới, tương đương 837 triệu tấn CO2 mỗi năm.

Theo Báo SGGP