Quảng Nam: Ngành Giao thông vận tải chủ động ứng phó thiên tai năm 2024

Ngày 20/09/2024
Nâng cao năng lực quản lý, tăng cường kiểm tra, rà soát các công trình cầu đường, sẵn sàng phương án “bốn tại chỗ”… là nhiệm vụ được ngành giao thông vận tải đặt ra trong việc đảm bảo an toàn hạ tầng và lưu thông trong mùa mưa bão năm nay.

Mưa lớn gây ngập sâu trên tuyến ĐT615B

đoạn qua địa phận xã Tiên Lãnh, Tiên Phước. 

Tăng cường kiểm tra công trình cầu, đường

Mưa lớn kéo dài liên tục đã khiến nước sông Tranh dâng cao gây ra ngập sâu, tắc đường trong chiều 18/9 tại 2 vị trí Km15+800 và Km17+800 trên tuyến ĐT615B (đoạn xã địa phận xã Tiên Lãnh, Tiên Phước). Để đảm bảo an toàn, ngăn người dân lưu thông qua khu vực này, Công ty CP Tư vấn đầu tư và xây dựng Tân Tiến - đơn vị quản lý, bảo trì tuyến đường ĐT615B đã khẩn trương giăng dây và đặt biển cảnh báo 2 đầu vị trí nước ngập sâu. Ngoài ra trên tuyến này có khoảng 5 vị trí có nguy cơ sạt lở, trượt lở đất, đơn vị quản lý, bảo trì đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện, nhân lực, sẵn sàng ứng phó, đảm bảo lưu thông cho các phương tiện.

Theo Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông - Sở GTVT Quảng Nam, qua đợt kiểm tra mới đây, hạ tầng các công trình do sở quản lý cơ bản ổn định nhưng còn một số vị trí vẫn chưa thông cống, mương thoát nước, do đó đề nghị các đơn vị thi công, bảo trì các tuyến khẩn trương thực hiện, nhất là ứng phó mưa lớn do ảnh hưởng bão số 4.

Ông Huỳnh Lê Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông - Sở GTVT Quảng Nam cho biết, mưa gió trong những ngày qua là thời điểm lý tưởng để kiểm tra công trình. Từ đó dễ dàng nắm bắt dòng chảy, đất lấp, cây cối ngã đổ chặn dòng, vị trí ngập… để sẵn sàng ứng phó.

Hiện nay, các phương tiện và nhân lực đã được bố trí tại các vị trí xung yếu, thường xuyên xảy ra sạt lở, ngập sâu. Các đơn vị phụ trách các tuyến đường đã tham gia phòng chống lụt bão nhiều năm nên có kinh nghiệm trong công tác xử lý các tình huống xảy ra.

Còn ông Võ Công Phúc - Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình - Sở GTVT Quảng Nam nói, đơn vị quản lý đường thủy nội địa cần lưu ý đối với các tuyến thượng lưu có các đơn vị khai thác cát, sỏi trên sông. Đặc biệt là đảm bảo neo chắc chắn các phương tiện khai thác cát, sà lan để tránh việc đứt neo, trôi về hạ lưu ảnh hưởng đến các công trình cầu bắc qua sông.

Cạnh đó, các đơn vị tăng cường kiểm tra mức độ an toàn móng, trụ, mố đối với các công trình cầu, cống trên địa bàn tỉnh trong thời điểm nước lũ vẫn chưa lên cao. Qua đó, kịp thời báo cáo về Sở GTVT để chủ động các phương án, hạn chế rủi ro có thể xảy ra. Riêng với cầu Câu Lâu cũ, các đơn vị phụ trách cần lưu ý, khi nước lũ sông Thu Bồn ở báo động 2 phải lập tức cấm các phương tiện lưu thông qua cầu để đảm bảo an toàn.

Nâng cao tinh thần trách nhiệm

Theo ông Văn Anh Tuấn - Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, thiên tai cuối năm 2024 dự báo diễn biến phức tạp, có nguy cơ tác động đến kết cấu hạ tầng giao thông, gây thiệt lớn. Do đó đề nghị toàn ngành giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tăng cường hơn nữa tinh thần trách nhiệm và có các giải pháp linh hoạt, hiệu quả trong phòng chống bão lụt.

Sở GTVT Quảng Nam họp bàn phương án ứng phó thiên tai

những tháng còn lại của năm 2024. 

Hiện nay các văn bản chỉ đạo của các cấp và của Sở GTVT được cập nhật, ban hành thường xuyên theo từng diễn biến thời tiết, do đó đề nghị đơn vị liên quan theo dõi, bám sát các giải pháp thực hiện.

Đối với phương án “4 tại chỗ”, ông Tuấn yêu cầu Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng, Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông thuộc sở tăng cường kiểm tra các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường thủy nội địa do sở quản lý. Trong đó tập trung vào các vị trí xung yếu, lý trình cầu đường, các nguy cơ sạt lở, ngập úng và dự kiến các giải pháp cho từng trường hợp. Nếu có xảy ra vấn đề liên quan đến hạ tầng thì sẵn sàng phương tiện, vật liệu, nhân lực xử lý. Các công trình nào qua kiểm tra quá thời hạn kiểm định, phát sinh hư hỏng phải lập tức báo cáo để có phương án sửa chữa, ứng phó kịp thời.

“Các đơn vị cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản lý, phân tích các tình huống mưa bão, nắm bắt thông tin hiện trạng công trình kịp thời, chính xác” – ông Tuấn nói.

Riêng với tuyến đường ĐT606, ông Văn Anh Tuấn yêu cầu đơn vị quản lý bảo trì cần kiểm tra kỹ lưỡng, sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” để khắc phục các vị trí sạt lở trên tuyến. Đây là tuyến đường độc đạo từ trung tâm huyện Tây Giang lên các xã biên giới, cần đảm bảo lưu thông trên tuyến./.

Nguồn: Báo Quảng Nam