Điện Biên: Kịp thời khắc phục sự cố giao thông

Ngày 25/09/2024
Do ảnh hưởng của khí hậu cực đoan, nên năm nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên nói riêng, cả nước nói chung, lượng mưa tăng nhiều so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, trong 2 tháng gần đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 và số 3, các tỉnh phía Bắc chịu nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đã có hàng trăm người chết và mất tích, nhiều công trình hạ tầng cơ sở, nhà máy, xí nghiệp, nhà dân bị hư hỏng. Tổng thiệt hại bước đầu ước tính lên đến hơn 50.000 tỷ đồng.

Công ty Cổ phần đường bộ 226 khắc phục giao thông tại Km22+200,

đường tỉnh 144 xã Huổi Mí, huyện Mường Chà.

Là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, độ dốc lớn, nhiều tuyến đường đi qua ngầm tràn; nhiều cầu cống qua khe suối, nên vào mùa mưa lũ thường xảy ra sạt lở, tắc đường. Trong 2 đợt mưa bão gần đây, ngoài xảy ra lũ quét làm 7 người chết và mất tích tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, trên địa bàn tỉnh, các tuyến giao thông (quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ…) cũng thiệt hại rất lớn. Đã có hàng trăm vị trí trên các tuyến giao thông bị sụt sạt ta luy âm, ta luy dương; tắc cống rãnh thoát nước; cầu cống bị xói lở; mặt đường bị bong tróc, đẩy trôi… thiệt hại cả trăm tỷ đồng.

Chủ động khắc phục, đảm bảo giao thông trong mọi tình huống, Sở Giao thông vận tải Điện Biên đã đề ra nhiều giải pháp, chỉ đạo các đơn vị duy tu, quản lý đường bộ trên địa bàn tỉnh; UBND cấp huyện; doanh nghiệp, nhà thầu đang thi công các tuyến đường chủ động phương tiện máy móc, vật tư, nhân lực… đảm bảo an toàn giao thông. Nhờ đó, trong các đợt mưa lớn gần đây, nhất là dịp cuối tháng 7, mặc dù chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, mưa lớn xảy ra trên diện rộng, tình hình sạt lở nghiêm trọng trên hều hết các tuyến đường, nhưng hoạt động giao thông vẫn đảm bảo. Phương tiện giao thông, hàng hoá lưu thông bình thường; không xảy ra tình trạng khan hàng, thiếu hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân vùng cao, biên giới.

Trong các đợt mưa lũ gần đây, ngoài những điểm xảy ra sụt sạt với khối lượng hàng trăm mét khối đất đá, đã được các đơn vị duy tu, bảo dưỡng giao thông, chính quyền cấp huyện tập trung chỉ đạo khắc phục kịp thời, thì trên địa bàn tỉnh (các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ) có hàng chục điểm sạt trượt lớn, đã công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai. Nặng nhất là trên tuyến quốc lộ 6 (Tuần Giáo - Mường Lay), quốc lộ 12 (Mường Chà - Mường Lay); quốc lộ 4H (Mường Chà - Mường Nhé)… Đơn vị duy tu là Công ty Cổ phần đường bộ 226; Công ty Cổ phần đường bộ II… đã huy động nhiều phương tiện máy móc, nhân lực túc trực 24/24 đảm bảo thông đường trong thời gian sớm nhất. Đồng thời kiến nghị các giải pháp; đề xuất cấp trên bổ sung kinh phí kịp thời để thi công các hạng mục công trình đảm bảo kiên cố, chắc chắn, tránh ảnh hưởng đến người dân tham gia giao thông hoặc các hộ dân, cụm bản sinh sống bên các tuyến giao thông khi xảy ra mưa lũ kéo dài.

Giao thông được ví như mạch máu nuôi cơ thể. Mạch máu thông suốt, không bị ách tắc, có nghĩa là cơ thể thêm khoẻ mạnh, cường tráng. “Thông lộ, thông thương”, nền kinh tế không ngưng trệ mà còn phát triển mạnh mẽ, đúng kịch bản tăng trưởng GRDP đề ra hàng năm của tỉnh. Do vậy, trong mọi tình huống, ngành Giao thông vận tải; chính quyền các huyện, thị cần có giải pháp cụ thể, rõ ràng, tránh ách tắc giao thông cục bộ, xảy ra trên diện rộng, kéo dài nhiều ngày.

Công ty Cổ phần đường bộ 226, đặt biển cảnh báo nguy hiểm về giao thông
tại Km 1+520 đường tỉnh 140 xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo.

Vào đầu mùa mưa lũ, trước, trong và sau các cơn bão có nguy cơ đổ bộ, ảnh hưởng đến Điện Biên, Sở Giao thông vận tải cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, kịp thời chỉ đạo các đơn vị liên quan và nhà thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cử người chốt trực, căng dây, rào chắn, cắm biển báo hiệu tại hai đầu đoạn tuyến bị hư hại, các vị trí ngập úng và thực hiện ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai, xử lý ùn tắc giao thông.

Với các vị trí sạt lở lớn, thiệt hại nghiêm trọng, đề nghị cấp có thẩm quyền kịp thời công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai; ban hành Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp để khắc phục hậu quả thiên tai, từ đó làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo theo đúng quy định của pháp luật.

Hiện nay trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ… còn nhiều vị trí sạt lở ta luy dương, ta luy âm, xuất hiện vết nứt cung trượt; tình trạng đất, đá lăn rơi xuống nền, mặt đường và xảy ra thường xuyên. Do vậy, ngành Giao thông vận tải; UBND cấp huyện; các đơn vị duy tu, bảo dưỡng đường… cần chủ động phương án, linh hoạt các giải pháp, kịp thời dự trữ, tập kết đủ nguồn vật tư, máy móc chuyên dụng, điều động nhân lực hợp lý để đảm bảo an toàn giao thông trong mọi tình huống.

Theo Báo Điện Biên