Đức hợp tác nâng cao trình độ nghề hàn cho ngành Đường sắt Việt Nam

Ngày 02/10/2024
Ngày 29/9, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tập đoàn RIW (Cộng hoà Liên bang Đức) đã ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác đào tạo nghề hàn đường sắt theo tiêu chuẩn Đức tại Việt Nam.

Tham dự lễ ký kết có Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh, đại diện Văn phòng, các Ban chuyên môn thuộc VNR. Về phía Tập đoàn RIW có ông Jörg Stümer, Chủ tịch Tập đoàn và Giám đốc Kata Services - đơn vị đối tác của Tập đoàn RIW tại Đức.


Ông Hoàng Gia Khánh, Tổng Giám đốc VNR (bên phải)
và ông Jörg Stümer, Chủ tịch Tập đoàn RIW trao đổi biên bản ghi nhớ hợp tác

Chào mừng và hoan nghênh Tập đoàn RIW đã tin tưởng chọn VNR là đối tác hợp tác đào tạo nghề hàn đường sắt theo tiêu chuẩn Đức tại Việt Nam, Tổng Giám đốc Hoàng Gia Khánh cho biết: “Là đơn vị được giao quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu đường sắt quốc gia tại Việt Nam, Tổng công ty ĐSVN hiện có khoảng 11.000 lao động trong tổng số hơn 22.000 cán bộ, nhân viên ngành Đường sắt đang thực hiện công tác quản lý, bảo trì 7 tuyến đường sắt quốc gia. Trong tháng 10 này, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội Việt Nam để thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với tổng chiều dài 1.541 km và tốc độ vận hành 350 km/h. Đường sắt tốc độ cao thì không thể không hàn ray và hợp tác với Tập đoàn RIW ở giai đoạn này là hết sức phù hợp”.

Phát biểu tại lễ ký, ông Jörg Stümer - Chủ tịch Tập đoàn cho biết, Tập đoàn RIW hiện có trụ sở chính tại thành phố Cologne, các văn phòng tại Berlin, Bottrop, Boenen, Dortmund, Duren…  Về lĩnh vực đường sắt, RIW là tập đoàn đi đầu trong bảo trì, đảm bảo chất lượng cũng như đào tạo và cấp chứng chỉ kỹ năng hàn tại Đức. Công ty con của Tập đoàn là RIW Personalservice hiện đang hợp tác chặt chẽ với Đường sắt Quốc gia Đức để cung cấp công nhân vận hành và bảo trì đường sắt”.

Định hướng hợp tác của Tập đoàn với VNR là nâng cao chất lượng nghề hàn đường sắt và tăng cường hợp tác quốc tế. Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo nghề hàn theo tiêu chuẩn Đức tại Việt Nam, giúp nâng cao trình độ và tay nghề của công nhân hàn trong ngành Đường sắt, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, từ đó có khả năng làm việc trong các dự án lớn trong và ngoài nước.

Phía Đức cung cấp chương trình đào tạo, giáo trình và trang thiết bị đào tạo đạt chuẩn Đức bao gồm các công nghệ và kỹ thuật tiên tiến nhất trong lĩnh vực hàn; Cử chuyên gia hàng đầu sang Việt Nam để hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo giảng viên; Tổ chức các kỳ thi đánh giá và cấp giấy chứng nhận nghề hàn theo tiêu chuẩn của Công ty RIW.

Có thể thấy, việc hợp tác này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo tinh thần Kết luận 49-KL/TW của Bộ Chính trị, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, độc lập tự chủ để hình thành một ngành công nghiệp đường sắt nói chung, gồm đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia./.

PV