Các nước phát triển đường sắt cao tốc thế nào?

Ngày 30/10/2024
Thời gian qua, các nước tập trung phát triển mạnh đường sắt cao tốc phục vụ vận tải khách và đang hướng đến chạy cả tàu hàng và kết nối logistics..., quá trình phát triển đường sắt cao tốc đã minh chứng về hiệu quả mà loại hình vận tải này mang lại cho nền kinh tế. Dưới đây là một số kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc trên thế giới, từ đó Việt Nam có thể học hỏi để đầu tư phát triển.

Các nước phát triển đường sắt cao tốc thế nào? - Ảnh 1.

Tàu cao tốc tại Nhật Bản

Nhật Bản: Tính ưu việt của tàu Shinkansen vì an toàn, đúng giờ

Nhật Bản đưa vào sử dụng hệ thống đường sắt cao tốc vào năm 1964 và tiếp tục là quốc gia dẫn đầu toàn cầu, vượt qua giới hạn tốc độ, công suất và độ an toàn trên các tuyến Shinkansen.

Việc di chuyển bằng tàu cao tốc Shinkansen là biểu tượng cho tính hiệu quả của Nhật Bản trong phòng chống thiên tai. Nhật bản là quốc gia truyền cảm hứng phát triển tàu tốc độ cao trên thế giới. Hơn nửa thế kỷ, công nghệ "Made in Japan" - nguồn gốc của những đoàn tàu cao tốc tốc độ tối đa đã tăng từ 210 - 320 km/h và lượng hành khách vận chuyển hiện là 1 triệu người mỗi ngày.

Hiện nay, đa số tàu Shinkansen đang vận hành với tốc độ tối đa 300 km/h, riêng "Tàu viên đạn" E5 thuộc đường sắt Đông Nhật Bản chạy với tốc độ 320 km/h trên tuyến Tohoku Shinkansen từ phía bắc Tokyo tới Shin-Aomori.

Thống kê vào năm 2022 cho thấy, hơn 295 triệu người lựa chọn tàu Shinkansen cho các hành trình tại Nhật Bản bởi những ưu điểm như thoải mái, tốc độ cao và sự đúng giờ. Chính vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi nhiều quốc gia khác đã nối bước Nhật Bản để xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc mới trong 4 thập kỷ qua.

Pháp: Đưa nhiều công nghệ mới vào đường sắt cao tốc nhằm giảm lượng khí thải carbon

Các nước phát triển đường sắt cao tốc thế nào? - Ảnh 2.

Đường sắt cao tốc tại Pháp. (Ảnh: Wikipedia)

Tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên vận hành tại Pháp vào năm 1981. Hệ thống đường sắt tốc độ cao của Pháp đã liên tục đổi mới và phá kỷ lục, từ dự án C03 năm 1966 đến các cuộc thử nghiệm gần đây của TGV INOUI 2025.

Từ những năm 1966, dự án tàu cao tốc mang tên "Dự án C03" ra đời với đoàn tàu có tốc độ tối đa 200 km/h. Chính nhà thiết kế Jacques Cooper là người phác thảo các đặc điểm, thiết kế của phương tiện này.

Ngoài tốc độ cao, cải tiến lớn nhất từ dự án chính là khái niệm về đoàn tàu có khớp nối và không thể biến dạng. Nó sử dụng hai rơ-moóc nằm trên một giá chuyển hướng duy nhất, cải tiến này đã khiến TGV trở thành chuyến tàu an toàn nhất thế giới. Ngày nay, nhờ sự cải tiến không ngừng, tàu TGV của Pháp vẫn giữ kỷ lục tốc độ đường sắt thế giới khi vượt qua mốc 574 km/h.

Hiện Pháp đang thử nghiệm dự án tàu TGV INOUI, được sản xuất bằng vật liệu có thể tái chế tới 97%, thiết kế khí động học giúp giảm mức tiêu thụ năng lượng 20%, cải thiện lượng khí thải carbon thêm 37% mỗi năm so với các đoàn tàu hiện tại.

Trung Quốc: Mạng lưới đường sắt cao tốc góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội

Các nước phát triển đường sắt cao tốc thế nào? - Ảnh 3.

Trung Quốc có hệ thống đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới. (Ảnh: Wikipedia)

Năm 2008, tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu hoạt động, kết nối Bắc Kinh và Thiên Tân, rút ngắn thời gian di chuyển từ 70 phút xuống còn 30 phút. Những năm qua, Chính phủ Trung Quốc đã tập trung đầu tư hệ thống đường sắt cao tốc. Tính đến cuối năm 2022, mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc đã dài tới 42.000 km, trở thành mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.

Đáng chú ý, tất cả được xây dựng chỉ trong khoảng 15 năm. Nếu như năm 2008, mạng lưới đường sắt cao tốc ở Trung Quốc có tổng chiều dài 672 km, đến năm 2010, con số này tăng lên thành 5.133 km. Giai đoạn 2017 - 2020, mạng lưới đường sắt cao tốc đã trải dài gần 40.000 km. Chỉ riêng trong năm 2022, mạng lưới mở rộng thêm 2.082 km. Chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu có 50.000 km đường sắt cao tốc vào năm 2025 và 200.000 km vào năm 2035.

Việc đầu tư hệ thống đường sắt cao tốc đã đưa Trung Quốc vượt xa các nước khác trên thế giới dù xuất phát sau. Tính đến năm 2021, quốc gia đứng thứ hai về đường sắt cao tốc là Tây Ban Nha với tổng chiều dài 3.661 km, trong khi nước này đã xây dựng mạng lưới từ năm 1992. Nhật Bản vận hành đường sắt cao tốc từ năm 1964, đứng thứ ba với 3.081 km. Mỹ chỉ vận hành 735 km đường sắt cao tốc, đứng thứ 11 trên thế giới.

Tây Ban Nha: Đường sắt cao tốc là phương tiện đi lại chủ lực của người dân

Các nước phát triển đường sắt cao tốc thế nào? - Ảnh 5.

Đường sắt cao tốc tại Tây Ban Nha

Hơn 30 năm phát triển, Tây Ban Nha xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao lên tầm hàng đầu thế giới, tổng chiều dài chỉ sau Trung Quốc. Là quốc gia thứ 4 trên thế giới thực hiện đường sắt tốc độ cao, Tây Ban Nha bắt đầu tính đến việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên từ những năm giữa thập niên 80 của thế kỷ trước để giải quyết bài toán làm một tuyến đường tránh đèo Despeñaperros - nút thắt cổ chai giao thông từ Thủ đô Madrid đến phía Nam của bán đảo Iberia, nơi có địa hình phức tạp, không bằng phẳng.

Khi thực hiện dự án đường sắt cao tốc, tiềm lực kinh tế của "xứ sở bò tót" tương đối mạnh và chỉ hai năm sau, tháng 10/1986, Chính phủ quyết định ưu tiên xây dựng tuyến đường sắt dẫn đến TP. Seviile thuộc vùng Andalusia, trên bán đảo Iberia với tên gọi NAFA, giúp rút ngắn tổng khoảng cách lên đến 100 km.

Sau gần 4 thập kỷ qua, Tây Ban Nha đã phát triển trở thành một trong những hệ thống đường sắt tiên tiến nhất trên thế giới xét về chiều dài, mức độ hiện đại, tốc độ thương mại, chỉ số đúng giờ. Đến thời điểm hiện nay, hệ thống đường sắt tốc độ cao Tây Ban Nha dài 3.400 km là hệ thống đường sắt cao tốc dài nhất hoạt động tại châu Âu và thứ hai trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Kể từ khi hình thành, hệ thống đường sắt cao tốc nước này đã phục vụ hơn 400 triệu người, khoảng 100.000 người/ngày, kết nối 47 thành phố. Cứ 3 người thì có 2 người Tây Ban Nha tiếp cận hệ thống vận tải cao tốc ở địa phương. Lượng khách sử dụng đường sắt tốc độ cao luôn tăng bền vững qua từng năm, lên đến 22,4 triệu khách trong năm 2019, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Chính phủ Tây Ban Nha đặt mục tiêu tăng tỷ lệ người dân được tiếp cận đường sắt, lên đến mức cứ 10 người dân thì có 9 người nằm trong bán kính 30 km tính từ nhà ga đường sắt cao tốc.

Thời gian qua, Tây Ban Nha tiếp tục đưa việc mở rộng đường sắt vào kế hoạch phát triển trung hạn. Hiện tại đang có nhiều tuyến đường sắt mới như tuyến đường hành lang phía Bắc đang trong quá trình xây dựng và nhiều tuyến khác nằm trong kế hoạch phát triển.

Theo Tạp chí GTVT