Thanh Hóa: Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh khi tham gia giao thông

Ngày 06/11/2024
Qua phân tích các vụ tai nạn cho thấy, nguyên nhân chính gây ra các vụ va chạm và tai nạn giao thông (TNGT) phần nhiều do ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, trong đó TNGT liên quan đến học sinh đang là vấn đề nhức nhối và để lại những hậu quả nặng nề đối với gia đình và xã hội.

Để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông cho học sinh rất cần có sự chung tay vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp, các ngành.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra,
xử lý học sinh vi phạm về trật tự, an toàn giao thông

Theo báo cáo của Ban An toàn giao thông tỉnh Thanh Hóa, 9 tháng năm 2024 toàn tỉnh xảy ra 113 vụ TNGT liên quan đến học sinh, chiếm 16,2% số vụ, làm 48 người chết, 144 người bị thương (trong đó số học sinh chết 21 người, bị thương 103 người).

Đánh giá của cơ quan chức năng cho thấy nguyên nhân dẫn đến số vụ TNGT liên quan đến học sinh tăng có trách nhiệm chính của gia đình và nhà trường trong việc giao xe và thiếu quản lý để học sinh điều khiển phương tiện khi chưa đủ tuổi theo quy định. Thông qua đó đã dẫn đến nhiều vụ TNGT đau lòng và cũng sẽ khiến cho các bậc phụ huynh phải vướng vào một trong các hành vi vi phạm pháp luật.

Trước thực trạng trên, để góp phần kiềm chế TNGT đáng tiếc xảy ra đối với thanh, thiếu niên và học sinh, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp cụ thể, đồng bộ, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa Phùng Tố Linh cho biết: Ngay từ đầu năm 2024, Tỉnh đoàn đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, như hưởng ứng cuộc vận động thanh niên với văn hóa giao thông, đoàn viên, thanh niên đã tiên phong, hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện giữ gìn trật tự đô thị và an toàn giao thông. Nhiều đoàn viên, thanh niên trở thành tuyên truyền viên kêu gọi mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về giao thông; đồng thời vận động thanh niên thực hiện các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông thông qua tổ chức các diễn đàn, tọa đàm, hội thảo chuyên đề, giao lưu về văn hóa giao thông tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, các cơ sở đoàn cũng đưa nội dung phổ biến pháp luật về giao thông và xây dựng văn hóa giao thông vào các kỳ sinh hoạt định kỳ; xác định nội dung đoàn tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông là tiêu chí thi đua hàng năm của các cấp bộ đoàn và hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của đoàn viên được đưa vào đánh giá phân loại đoàn viên hàng năm. 100% cơ sở đoàn tổ chức cho đoàn viên, thanh niên ký cam kết không vi phạm pháp luật về giao thông; 100% huyện, thị, thành đoàn có mô hình, đội hình thanh niên tham gia tuyên truyền bảo đảm an toàn giao thông. 100% đoàn trường THPT, cao đẳng, đại học dọc tuyến Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh và các quốc lộ, tỉnh lộ xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”; thành lập ít nhất 1 đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông tại cổng trường vào các giờ cao điểm...

Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông và công an các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch tập trung kiểm soát, xử lý theo chuyên đề trên phạm vi toàn tỉnh. Theo đó, 9 tháng năm 2024, qua tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông, trật tự, cơ động đã lập biên bản xử phạt 5.248 trường hợp học sinh vi phạm; phạt tiền 3,8 tỷ đồng.

Ngoài ra, để góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, ngăn chặn tình trạng giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông, nhất là công tác phối hợp và vai trò trách nhiệm của nhà trường, gia đình trong việc quản lý học sinh, Ban An toàn giao thông tỉnh đã ban hành Chương trình số 142/CTrHĐ-BATGT ngày 4/10/2024 triển khai kế hoạch hành động thực hiện quy định của pháp luật về “Không giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông” trên địa bàn tỉnh gắn với các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể cho từng đơn vị liên quan. Trong đó, trọng tâm đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn và các sở, ngành có liên quan tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông trong thanh, thiếu niên, học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc giáo dục thanh niên, học sinh tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Theo Nghị định số 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định: Cha mẹ giao xe hoặc để con chưa đủ tuổi điều khiển mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự như mô tô tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng; đối với ô tô thì phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng. Quy định tại Điều 264 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ thì cha, mẹ giao xe cho con chưa đủ tuổi điều khiển, gây thiệt hại cho người khác có thể bị phạt tiền hoặc bị phạt tù cao nhất đến 7 năm.

Nguồn: Báo Thanh Hóa