Tăng tốc thi công hai dự án cao tốc qua Lạng Sơn

Ngày 08/11/2024
Vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức Hội nghị giao ban của đánh giá tình hình thực hiện dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đồng chí Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu đẩy nhanh tiến độ

hai dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn, tính đến đầu tháng 11/2024, tình hình triển khai các dự án cao tốc được các chủ thể tham gia thực hiện tích cực, có hiệu quả; tiến độ, khối lượng tại các dự án cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra.

Cụ thể, về công tác giải phóng mặt bằng dự án tuyến cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng, UBND các huyện Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn đã bàn giao mặt bằng được 366,5/640,2 ha (đạt 57,24%), tương đương 39,9/59,87km tổng chiều dài toàn tuyến. Tổng vốn giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng đến đầu tháng 11/2024 đạt gần 500 tỷ đồng.

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lạng Sơn báo cáo

tại cuộc giao ban. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Các huyện Văn Lãng, Tràng Định bàn giao mặt bằng để thi công dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) được 47/51,9 km, đạt 90,54% chiều dài tuyến. Hai huyện giải ngân vốn giải phóng mặt bằng được 125 tỷ đồng.

Đối với thi công xây lắp tại dự án xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị-Chi Lăng, doanh nghiệp dự án đã tổ chức 20 mũi thi công trên chiều dài 27 km, giá trị khối lượng thực hiện từ khi khởi công đến đầu tháng 11/2024 đạt 160 tỷ đồng, tương đương 2,5% hợp đồng.

Tại dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), doanh nghiệp dự án đã bố trí 25 mũi thi công trên toàn tuyến. Tổng giá trị khối lượng xây lắp từ khi khởi công đến đầu tháng 11/2024 đạt 450 tỷ đồng, tương đương 5% giá trị hợp đồng.

Thảo luận tại cuộc họp, đại diện UBND các huyện đã làm rõ hơn về tiến độ giải phóng mặt bằng, đề xuất giải pháp tháo gỡ vướng mắc về di chuyển công trình hạ tầng kỹ thuật, di chuyển mồ mả, xử lý các trường hợp xây dựng nhà trên đất lấn chiếm công, đất nông nghiệp.

Các doanh nghiệp dự án kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các huyện khẩn trương di dời công trình hạ tầng, mồ mả; hỗ trợ doanh nghiệp dự án đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng bãi đổ thải; xử lý các vị trí mặt bằng còn chưa liền khoảnh...  

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu yêu cầu, các địa phương, cơ quan liên quan, doanh nghiệp dự án tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phấn đấu đến 31/12 phải bàn giao toàn bộ mặt bằng hai dự án cao tốc này để đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân nguồn vốn...

Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu nhấn mạnh, Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng  - Trà Lĩnh là hai dự án giao thông quan trọng quốc gia, có tác động lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước. Do đó, các huyện, thành phố trong vùng dự án, doanh nghiệp dự án, cơ quan liên quan phải phối hợp với nhau, tháo gỡ ngay những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án.

Các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, giải thích để nhân dân trong vùng dự án hiểu rõ lợi ích, chủ trương thực hiện, các quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư để người dân đồng thuận, di dời đến nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cho doanh nghiệp dự án tổ chức thi công. Các địa phương, sở, ngành làm việc với cơ quan, đơn vị liên quan tháo gỡ vướng mắc, khẩn trương di chuyển hạ tầng kĩ thuật như: Đường điện, các công trình nằm trong vùng dự án để đảm bảo tiến độ thi công.

Cùng với đó, các huyện, thành phố cần nhanh chóng phê duyệt, bố trí, xây dựng các khu tái định cư để bố trí nơi ở cho các hộ dân nằm trong vùng các dự án cao tốc đi qua phải di dời. Các doanh nghiệp dự án, đơn vị thi công huy động nhân lực, tăng cường phương tiện máy móc, triển khai nhiều mũi thi công, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để tăng tốc thi công, đẩy nhanh tiến độ hai dự án cao tốc này. Đồng thời cần sớm chuyển tiền bồi thường giải phóng mặt bằng để trả cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đặc biệt, trong quá trình thi công phải đảm bảo các điều kiện, quy định về an toàn, vệ sinh lao động...

Đại diện Ban Quản lý dự án đầu tư, xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng

báo cáo tiến độ triển khai. Ảnh: Báo Lạng Sơn

Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng được đầu tư theo hình thức xây dựng - vận hành - chuyển giao (BOT), do UBND tỉnh Lạng Sơn là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, thực hiện trên địa bàn các huyện: Chi Lăng, Cao Lộc, Văn Lãng và thành phố Lạng Sơn. Tổng chiều dài 59,87 km bao gồm: Tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 43,43 km và tuyến kết nối cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam dài khoảng 16,44 km.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo hình thức đối tác công tư (PPP), do UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Dự án có chiều dài toàn tuyến khoảng 93,35 km (giai đoạn 1), điểm đầu tại nút giao cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn và điểm cuối tại nút giao Quốc lộ 3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Đoạn qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn, đi qua huyện Văn Lãng và Tràng Định dài 51,8 km.

P.V