Người dùng phải tự biết bảo vệ mình trước sự gia tăng lừa đảo trực tuyến

Ngày 13/11/2024
Lừa đảo trực tuyến gia tăng mạnh cùng với quá trình chuyển đổi số khi người dùng sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều. Để bảo vệ người dùng, các tổ chức, doanh nghiệp đang tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật để phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng.

Chỉ biện pháp kỹ thuật là chưa đủ

Theo Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm mạng sử dụng công nghệ cao (A05), Bộ Công an, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là thách thức mang tính toàn cầu, không chỉ ở Việt Nam. Tại một số quốc gia, chính phủ đã duy trì mô hình liên ngành để đấu tranh với tội phạm lừa đảo trực tuyến.

Chú thích ảnh

Lừa đảo qua mạng ngày càng gia tăng, cần sự nâng cao ý thức của người dùng.

Từ thực tế phòng chống tội phạm mạng, đại diện A05 nhận xét, các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Các đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, thành lập các “công ty” chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, trú chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng như Lào, Campuchia, Myanmar… để hoạt động phạm tội tại Việt Nam.

Các đối tượng lừa đảo thường học hỏi lẫn nhau, chia sẻ những phương thức, thủ đoạn mới, hoàn hảo, cập nhật kịch bản thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh, điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết tội phạm.

Trong khi đó, người bị hại đa phần thiếu ý thức cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, không có kiến thức về bảo mật thông tin và các hoạt động tố tụng hình sự; khi trình báo sự việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng, nguyên nhân mất tiền trong tài khoản.

Phòng chống lừa đảo trên không gian mạng là trách nhiệm chung của toàn xã hội và cần sự chung tay của các doanh nghiệp, bộ, ngành, địa phương. Để ngăn chặn lừa đảo trực tuyến một cách hiệu quả, cần giải quyết hai vấn đề chính: Sự luân chuyển dòng tiền từ bị hại đến đối tượng lừa đảo; việc đối tượng lừa đảo sử dụng ứng dụng, dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để lừa đảo.

Đại diện các doanh nghiệp nhận định, các hình thức lừa đảo ngày càng đa dạng. Tội phạm lợi dụng sự phát triển của công nghệ để xây dựng các phương pháp lừa đảo mới, dù vẫn là mục tiêu cũ nhưng các đối tượng dùng công nghệ mới để dễ dàng lấy thông tin, dữ liệu. Hiện nay, người dùng Việt tiếp xúc với nguy cơ lừa đảo trực tuyến hằng ngày, hằng giờ... Tuy nhiên, nhiều người có thói quen dùng phần mềm không bản quyền, là môi trường lan tỏa ứng dụng độc hại, trojan. Bên cạnh đó, còn có xu hướng tội phạm sử dụng AI deepfake để tái tạo gương mặt người dùng, tạo tài khoản trùng tên để lừa đảo người thân...

Một số doanh nghiệp như Viettel, VNPAY, MK, Momo đã sử dụng AI, Big Data để cải tiến sản phẩm theo hướng thông minh hơn, an toàn hơn, cảnh báo sớm các hình thức lừa đảo mới, hành vi bất thường cũng như các nhóm khách hàng dễ gặp rủi ro. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, mấu chốt để phòng, chống lừa đảo là liên tục nâng cao nhận thức và kỹ năng cơ bản của người dân, đặc biệt là nhóm người yếu thế, không có kiến thức về an ninh mạng. Truyền thông là một kênh quan trọng, giúp họ nhận thức đúng đắn về các nguy cơ, rủi ro để tiếp cận, phòng ngừa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia tư vấn an ninh mạng toàn cầu FPT IS, đưa ra ba đề xuất: Các tổ chức, doanh nghiệp đưa hoạt động phishing (tấn công giả mạo) chủ động vào chương trình đào tạo nhận thức cho cán bộ, nhân viên, khách hàng; cơ quan quản lý Nhà nước cân nhắc triển khai nền tảng phishing chủ động quy mô lớn phục vụ hoạt động đào tạo nhận thức an toàn thông tin ở quy mô toàn quốc; thường xuyên xây dựng, cập nhật các hình thức phishing theo tình hình thực tế để nâng cao hiệu quả truyền thông rộng rãi.

Theo ông Thái Trí Hùng, Phó Tổng Giám đốc cấp cao, Giám đốc công nghệ Momo, nhận thức khách hàng là một phần trách nhiệm của công ty. Vì vậy, Momo đã xây dựng các chương trình và áp dụng cơ chế game hóa để lồng ghép kiến thức cơ bản cho khách hàng dễ dàng hiểu và nắm được. Do các vùng tấn công (surface attack) trên môi trường số ngày càng rộng, Momo phải cập nhật liên tục nội dung truyền đạt. Ngoài ra, ví điện tử này cũng đang nắm trong tay đội ngũ data AI hơn 200 người, hai đội bảo mật độc lập và đội giám sát mạng xã hội để phân tích hành vi mới nhất, xây dựng biện pháp phòng chống hiệu quả.

Sự phối hợp giải pháp tổng thể

Chia sẻ về giải pháp phòng chống lừa đảo trực tuyến triển khai thời gian tới, ông Trần Quang Hưng, Quyền Cục trưởng Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông - TT&TT) cho hay, Cục sẽ tập trung vào quản lý xác thực người dùng, rà soát thông tin trên mạng. Không gian mạng cũng giống như cuộc sống thật, ngoài những thời cơ, không gian mạng cũng có những nguy cơ và thách thức về an toàn, an ninh với tất cả các chủ thể hoạt động trên đó.

Thời gian qua, tình hình an toàn, an ninh mạng có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Các cuộc tấn công mạng không chỉ là mối đe dọa đến tình hình chính trị, an ninh quốc gia mà còn là mối đe dọa thường trực tới hoạt động của mọi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Dẫn ra kinh nghiệm quốc tế trong quản lý không gian mạng và phòng chống lừa đảo trực tuyến, đại diện Bộ TT&TT cho hay, để quản lý không gian mạng, các quốc gia coi việc bảo vệ dữ liệu, thông tin cá nhân trở thành nhiệm vụ quan trọng. Theo thống kê, gần 90 quốc gia và khu vực trên thế giới đã ban hành luật đặc biệt nhằm bảo vệ thông tin cá nhân và tiến hành thành lập các trung tâm chống lừa đảo trực tuyến.

Xu hướng chung về chính sách, các quốc gia đều có các quy định ở mức luật để yêu cầu xác minh danh tính thực của người dùng với các dịch vụ viễn thông, nâng cao việc giám sát tài chính và chống rửa tiền, quản lý không gian mạng bằng các nhà cung cấp dịch vụ Internet hay các nền tảng kỹ thuật, đồng thời, tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp liên quan và quản lý gian lận mạng viễn thông.

Bộ TT&TT đã triển khai nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có nhóm giải pháp trọng tâm là hoàn thiện hành lang pháp lý. “Đến nay, hành lang pháp lý về bảo đảm an toàn, an ninh mạng, an toàn giao dịch điện tử đã cơ bản được hoàn thiện. Điều này có vai trò vô cùng quan trọng, để chúng ta có căn cứ triển khai các phương án, giải pháp quản lý không gian mạng nhằm hạn chế các nguy cơ rủi ro”, ông Trần Quang Hưng nhấn mạnh.

Song song đó, nhiều giải pháp khác cũng đã được thực hiện, cụ thể là: Xây dựng, phát triển kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia trên các nền tảng mạng xã hội để đưa thông tin, tuyên truyền về các vấn đề an toàn thông tin, nâng cao nhận thức cho người dân trước các dạng lừa đảo trực tuyến; lập trung tâm xử lý tin giả, thông tin xấu độc nhằm lan tỏa sự thật, nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống tin giả góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bộ TT&TT cũng đã định kỳ hàng năm mở chiến dịch ‘Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến’ có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, thiết lập cơ sở dữ liệu chống lừa đảo trực tuyến quốc gia, được kết nối, tích hợp với các trình duyệt, công cụ tìm kiếm và các giải pháp an toàn thông tin mạng; chủ động ngăn chặn hơn 3.300 trang web vi phạm pháp luật, qua đó giúp bảo vệ 3,6 triệu người dân không truy cập website vi phạm, không bị lừa đảo tiền bạc hoặc thu thập thông tin cá nhân bất hợp pháp.

Về kế hoạch thời gian tới, theo ông Trần Quang Hưng, Bộ TT&TT sẽ tập trung vào các giải pháp quản lý xác thực người dùng và rà soát thông tin trên không gian mạng. Trong đó, việc trình Chính phủ ban hành nghị định thay thế Nghị định 72 năm 2013 và một số chính sách khác được kỳ vọng sẽ tạo đột phá trong công tác quản lý không gian mạng.

Cụ thể, 4 nhóm giải pháp chính sẽ được Bộ TT&TT đề xuất triển khai thời gian tới gồm có: Yêu cầu xác thực tài khoản người dùng mạng xã hội qua số điện thoại nhằm hạn chế tội phạm mạng, tạo thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc giám sát, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dùng mạng xã hội khi đăng tải nội dung lên mạng.

Yêu cầu các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cung cấp thông tin trên không gian mạng Việt Nam tuân thủ và gỡ bỏ các nội dung vi phạm pháp luật khi có yêu cầu. Trường hợp không xử lý theo yêu cầu, Bộ TT&TT sẽ áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn các trang thông tin điện tử, ứng dụng, nền tảng cung cấp dịch vụ.

Bổ sung quy định yêu cầu các mạng xã hội tạm khóa hoặc khóa vĩnh viễn các tài khoản mạng xã hội, trang cộng đồng, nhóm cộng đồng, kênh nội dung thường xuyên vi phạm hoặc vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng an ninh quốc gia. Việc này sẽ giúp giải quyết cơ bản nguồn vi phạm, giảm thời gian và nguồn lực của các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chặn gỡ từng nội dung vi phạm.

Bổ sung một số quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của người dùng và đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Trong đó, có yêu cầu các nền tảng mạng xã hội phải có bộ phận tiếp nhận, xử lý các khiếu nại của người dùng; Chỉ cho phép người dùng tại Việt Nam từ 16 tuổi trở lên đăng ký tài khoản.

“Ngoài ra, Bộ TT&TT cũng dự kiến sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội trong nước và mạng xã hội xuyên biên giới phải cung cấp công cụ tìm kiếm, rà quét nội dung trên nền tảng của mình theo yêu cầu. Điều này nhằm tăng hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên không gian mạng”, ông Trần Quang Hưng thông tin thêm.

Nhận định tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, đại diện A05 cho rằng: Để giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế, góp phần xây dựng, triển khai hiệu quả thế trận toàn dân trong phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Cục sẽ tiếp tục tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Nguồn: TTXVN