Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy: Làm đường sắt tốc độ cao là tâm nguyện của nhiều thế hệ

Ngày 02/12/2024
Chia sẻ cảm xúc khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đường sắt Nguyễn Danh Huy khẳng định "làm đường sắt tốc độ cao là tâm nguyện của nhiều thế hệ cán bộ ngành Giao thông".

Là người theo sát dự án và trực tiếp đi học hỏi kinh nghiệm tại nhiều nước, trình bày báo cáo về đường sắt tốc độ cao tại nhiều hội thảo, hội nghị, khi Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án, ông có cảm nghĩ gì?

Thật khó tả! Tôi xin trích lại lời của một cán bộ lão thành ngành Đường sắt "Đây là tâm nguyện của các thế hệ cán bộ ngành Đường sắt" đánh dấu một kỷ nguyên mới. Từ hệ thống đường sắt lạc hậu, bằng Nghị quyết này, đánh dấu mốc quan trọng ngành Đường sắt nói riêng và Giao thông vận tải nói chung bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo.


Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy cho biết, Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp

với các bộ, cơ quan chuyên ngành nghiên cứu ngay các bước tiếp theo

Với cá nhân tôi, Nghị quyết này là sản phẩm kết tinh trí tuệ các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước trong 18 năm, đặc biệt là những chỉ đạo của Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị và đồng chí Tổng Bí thư, sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội.

Là người trực tiếp tham gia nghiên cứu dự án cùng các cơ quan của Bộ GTVT, cá nhân tôi rất xúc động khi Quốc hội thống nhất chủ trương đầu tư dự án. Đây là niềm vui lớn không chỉ đối với ngành GTVT mà còn đáp ứng sự mong mỏi, từ nhiều năm nay của cử tri, người dân trên cả nước.

Thưa ông, dự án sớm được đầu tư sẽ tạo sự lan tỏa, đột phá ra sao?

Vấn đề này đã được nêu rất rõ tại báo cáo tiền khả thi trình Quốc hội.

Với chiều dài 1.541km đi qua 20 tỉnh, thành, Dự án ĐSTĐC trên trục Bắc - Nam sẽ đóng vai trò quan trọng trong kết nối các hành lang Đông - Tây, các cực tăng trưởng để tạo động lực lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội.

Ngay ở giai đoạn đầu tư, việc đầu tư tuyến ĐSTĐC tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD; nếu tính cả hệ thống đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị sẽ tạo ra thị trường xây dựng khoảng 75,6 tỷ USD; phương tiện, thiết bị khoảng 34,1 tỷ USD và hàng triệu việc làm. Đây là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Để dự án triển khai đúng tiến độ, Bộ GTVT xác định trách nhiệm của mình thế nào?

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh vừa nhận nhiệm vụ được và Đảng và Nhà nước giao phó đã nêu rõ quyết tâm toàn ngành GTVT sẵn sàng, quyết tâm cao nhất để triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao như Nghị quyết Quốc hội đã đặt ra.

Để dự án đáp ứng được lộ trình dự kiến khởi công năm 2027, cơ bản hoàn thành vào năm 2035, chúng ta còn rất nhiều việc, nhiều bước phải làm như: Lập Báo cáo khả thi (FS); Thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED); thi công, mua sắm thiết bị; Vận hành thử và khai thác thương mại. Mỗi giai đoạn nêu trên đều có những thách thức cần phải vượt qua. Những thách thức ấy đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan chuyên ngành nghiên cứu ngay các bước tiếp theo.

Phía trước là thách thức, chúng ta đã nhận diện, đề ra giải pháp và phải quyết tâm bằng mọi giá để thực hiện thành công Nghị quyết 55 của BCH Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Quốc hội khóa XV thông qua Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Dự án đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; phương tiện, thiết bị; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Về công nghệ, áp dụng công nghệ đường sắt chạy trên ray, điện khí hóa; bảo đảm hiện đại, đồng bộ, an toàn và hiệu quả.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 1.713.548 tỷ đồng; sử dụng vốn đầu tư công, nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác.

 

Nguồn: Báo Giao thông