Hội thảo về công tác bảo đảm ATGT khu vực trường học

Ngày 18/12/2024
Ngày 17/12, Bộ GTVT phối hợp với Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (AIP) tổ chức hội thảo về công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) khu vực trường học.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT, Cục CSGT, Cục Đường bộ Việt Nam, Tổ chức AIP Foundation cùng đại diện Sở GTVT và Ban ATGT các tỉnh, thành phố.

Toàn cảnh Hội thảo quốc tế về công tác bảo đảm ATGT khu vực trường học.

Học sinh tử vong vì TNGT vẫn cao

Theo Ban tổ chức, những năm qua, công tác bảo đảm trật tự ATGT đã đạt kết quả quan trọng khi các tiêu chí số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm. Tuy nhiên, TNGT vẫn diễn biến phức tạp và để lại hậu quả nghiêm trọng cho nhiều gia đình và cộng đồng.

Ông Lê Kim Thành, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia

phát biểu tại hội thảo.

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, trong 10 tháng đầu năm 2024, ATGT liên quan đến trẻ em xảy ra 2.326 vụ làm chết 878 người, bị thương 2.266 người.

Mặc dù đã giảm so với cùng kì năm 2023 nhưng tỉ lệ nạn nhân TNGT trong lứa tuổi học sinh, sinh viên vẫn còn cao.

Tại hội thảo, ông Trương Trọng Doanh, chuyên viên Vụ Vận tải, Bộ GTVT cho biết, trong thời gian qua, Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam thường xuyên chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ, kết cấu hạ tầng giao thông để xây dựng và thực hiện kế hoạch bảo trì đường bộ hàng năm. Trong đó, điều chỉnh, bổ sung biển báo khu vực nút giao, đoạn tuyến cần tăng cường cảnh báo giao thông.

Các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông trên quốc lộ, tuyến đường có trường học cũng được địa phương đẩy mạnh, tích cực triển khai. Dù vậy, hiện nhiều tuyến đường, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện, chưa đáp ứng được yêu cầu, còn bất cập trong tổ chức giao thông.

Các địa phương cùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm
về phương án đảm bảo an toàn giao thông khu vực trường học.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong xử lý bất cập về tổ chức giao thông, khắc phục điểm đen, điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông của một số đơn vị còn rời rạc, thiếu thống nhất, tiến độ giải quyết khắc phục còn chậm, chưa hiệu quả.

Đáng nói, theo ông Doanh, việc tổ chức giao thông ở các cổng trường học còn bất cập, ùn tắc giao thông tại khu vực cổng trường vào giờ đến trường, tan học diễn ra thường xuyên. Một số trường học chưa bố trí được khu đưa, đón học sinh riêng. Nhiều trường học ở vị trí mặt đường tuyến quốc lộ, tỉnh lộ với mật độ phương tiện giao thông đông đúc, tốc độ cao, tiềm ẩn nguy cơ TNGT cao đối với học sinh...

ATGT khu vực trường học được các địa phương trên cả nước quan tâm.

Tăng cường tuyên truyền với lứa tuổi học sinh

Ông Võ Ngọc Quảng, Phó chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Gia Lai chia sẻ, tỉnh đã nhân rộng nhiều mô hình, các cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về pháp luật giao thông trong trường học. Đồng thời, thường xuyên kiểm soát, xử lý học sinh vi phạm trật tự giao thông cũng như cải thiện hạ tầng giao thông khu vực trường học.

Tuy nhiên, qua rà soát, nắm tình hình, vi phạm pháp luật giao thông trong thanh thiếu niên, lứa tuổi học sinh trên địa bàn tỉnh Gia Lai vẫn còn diễn biến phức tạp. Trong đó, tình trạng học sinh THCS đi học bằng xe điện, học sinh THPT điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi hoặc điều khiển xe mô tô trên 50cm3 diễn ra phổ biến trên toàn tỉnh; khó kiểm soát, có nguy cơ gây ra nhiều vụ TNGT.

Đáng nói, theo ông Quảng, Gia Lai là địa phương có nhiều học sinh người đồng bào, dân tộc thiểu số, nên nếu "làm căng", xử lý mạnh tay vi phạm giao thông, các em sẽ bỏ học. Cùng với đó, phụ huynh học sinh người đồng bào cũng ít được phổ biến pháp luật giao thông. Nhiều người chiều theo đòi hỏi của con cái, bán trâu, bán rẫy để mua xe... Điều này cũng gây ra nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình xử lý.

Trong khi đó, ở TP Hà Nội, ông Tạ Đức Giang, Phó chánh văn phòng Ban ATGT chia sẻ, với đặc thù là một trong những TP đông dân bậc nhất cả nước, các trường học được quy hoạch nằm trên tuyến đường trục chính. Trong nội thành thì mật độ giao thông cao, còn ngoại thành lại có nhiều xe tải lưu thông.

Khu vực cổng trường thường xuyên ùn tắc vào các giờ học sinh tan trường, thiếu khu vực dừng đỗ xe. TP Hà Nội cũng chưa hình thành đường riêng cho xe đạp, xe máy; thiếu đường cho người đi bộ vỉa hè phố bị chiếm dụng để kinh doanh, đỗ xe, lối đi bộ qua đường chưa an toàn...

Tương tự, tại TP.HCM, theo ông Nguyễn Vũ Hạnh Phúc, Chánh văn phòng Ban ATGT cũng chia sẻ, TP.HCM đang quản lý hơn 9,4 triệu phương tiện, gồm hơn 1 triệu ô tô và hơn 8,4 triệu xe máy. Trong khi đó, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn thành phố đạt 2,4 km/km² (theo quy định phải đạt 10 - 13,3 km/km2), tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 14,37% (theo quy định phải đạt 24 - 26%).

Những con số này cho thấy, mật độ giao thông tại TP.HCM đang quá tải nghiêm trọng, các giải pháp để lưu thông an toàn khu vực trường học là vấn đề được thành phố đặc biệt quan tâm.

Tại hội thảo, các địa phương đã cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác đảm bảo ATGT khu vực trường học. Đồng thời, thảo luận các giải pháp nâng cao điều kiện ATGT, trong đó nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về TTATGT đối với phụ huynh, thầy cô giáo và đặc biệt là học sinh.

Qua đó, giảm thiểu nguy cơ và hậu quả ATGT đường bộ, phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTg về việc tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới, trong đó giao nhiệm vụ cho Bộ GTVT: "Chủ trì, phối hợp UBND các địa phương tổ chức tổng rà soát về tổ chức giao thông, hạ tầng giao thông tại các tuyến quốc lộ có trường học trên toàn quốc; trường hợp có bất cập, thì ưu tiên xử lý, khắc phục, trong đó làm rõ lộ trình thực hiện, hoàn thành".

Bộ GTVT đã ban hành Quyết định số 64/QĐ-BGTVT ngày 22/01/2024 chỉ đạo các tỉnh/thành phố thực hiện đánh giá và xây dựng kế hoạch hành động nâng cao an toàn giao thông khu vực trường học tại địa phương.

Với mục tiêu đến năm 2030, 100% khu vực cổng trường học nằm trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, các đường trục chính đô thị được tổ chức giao thông bảo đảm an toàn và chống ùn tắc giao thông. Chung tay bảo vệ cuộc sống của các thế hệ học sinh Việt Nam trên hành trình đến trường, năm 2021-2022, Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (AIP) đã phối hợp với Trường Đại học GTVT xây dựng cuốn tài liệu "Sổ tay an toàn giao thông khu vực trường học".

Sau hai năm áp dụng thí điểm và hoàn thiện, tháng 8/2023 cuốn Sổ tay đã được Bộ GTVT gửi các địa phương làm tài liệu tham khảo khi triển khai các công trình, dự án, giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường bộ đi qua khu vực trường học trên toàn quốc.

Nguồn: Báo Giao thông