Trả lời kiến nghị cử tri tỉnh Bình Định về việc điều chỉnh một số quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng đường bê tông nông thôn

Ngày 27/12/2024
Bộ GTVT vừa có Văn bản số 14007/BGTVT-KHCN&MT gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới trước Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Trước đó, Bộ GTVT nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 942/BDN ngày 6/11/2024, nội dung kiến nghị như sau: 

Theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường giao thông nông thôn, các yêu cầu về độ dày bê tông, tiêu chuẩn vật liệu và phương pháp thi công… đang khiến chi phí xây dựng rất cao, một số địa phương hiện đang gặp phải khó khăn trong việc huy động sự tham gia và đóng góp của người dân. Cử tri kiến nghị Bộ GTVT nghiên cứu, xem xét điều chỉnh phù hợp và linh hoạt một số quy chuẩn kỹ thuật đối với việc xây dựng đường bê tông nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc đóng góp mà vẫn đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và an toàn giao thông”. 

Bộ GTVT trân trọng cảm ơn cử tri và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã quan tâm, góp ý đối với công tác quản lý, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh Bình Định nhằm giúp công tác quản lý nhà nước của Bộ ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của xã hội và người dân. 

Về nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên, Bộ GTVT xin trả lời như sau: 

Để phục vụ cho việc xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam (nay là Cục Đường bộ Việt Nam) chủ trì xây dựng và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn “Đường giao thông nông thôn - Yêu cầu thiết kế” mã hiệu TCVN 10380:2014, Bộ GTVT không xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường giao thông nông thôn. Tiêu chuẩn TCVN 10380:2014 đã góp phần xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn tại Việt Nam đảm bảo chất lượng, hiệu quả kinh tế - kỹ thuật, là cơ sở để các địa phương thực hiện và hoàn thành tiêu chí về đường giao thông nông thôn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và tiếp tục là cơ sở để thực hiện tiêu chí về giao thông thuộc bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới/xã nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn mới/huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025”. 

Tiêu chuẩn TCVN 10380:2014 được xây dựng theo hướng mở, mỗi loại đường có thể lựa chọn nhiều cấp kỹ thuật khác nhau và mỗi cấp kỹ thuật của đường có thể lựa chọn nhiều loại kết cấu mặt đường khác nhau để phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, đồng thời tiêu chuẩn cũng hướng dẫn, khuyến khích việc sử dụng, tận dụng các loại vật liệu sẵn có tại địa phương nhằm giảm giá thành xây dựng. Như vậy, có rất nhiều giải pháp kỹ thuật, vật liệu được sử dụng cho mặt đường giao thông nông thôn và bê tông xi măng chỉ là một trong các giải pháp có thể được lựa chọn áp dụng. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, quy mô, cấp hạng kỹ thuật của tuyến đường, điều kiện địa chất, thủy văn, nền, móng và các điều kiện khác, Chủ đầu tư có thể thực hiện việc khảo sát, thiết kế tính toán thống nhất theo toàn bộ kết cấu nhằm lựa chọn pháp kỹ thuật, xác định chiều dày lớp mặt đường bê tông xi măng (trong trường hợp sử dụng mặt đường bê tông xi măng) phù hợp, đảm bảo ổn định công trình và hiệu quả đầu tư cho dự án. 

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, thời gian qua, nhiều giải pháp, kỹ thuật tiên tiến đã được áp dụng trong kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, trong đó có đường giao thông nông thôn. Bộ GTVT sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chủ động nghiên cứu, rà soát, cập nhật tiêu chuẩn TCVN 10380:2014 theo hướng đa dạng hóa các giải pháp nhằm phù hợp với tình hình, công nghệ xây dựng đường giao thông nông thôn được triển khai trên cả nước cũng như trên thế giới trong thời gian qua. 

Trên đây là trả lời của Bộ GTVT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Định, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định để trả lời cử tri và rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, góp ý của cử tri đối với ngành GTVT./.
 

Nguồn: Bộ GTVT