IMO đã quyết định chấm dứt việc sử dụng các hợp chất cơ thiếc trong thành phần chế tạo sơn chống hà cho tàu biển cũng như các công trình ngoài khơi bằng việc thông qua Công ước AFS ngày 05/10/2001. Công ước có hiệu lực ngày 17/9/2008. Đến nay, Công ước AFS đã được 71 quốc gia thành viên IMO tham gia với tổng dung tích đội tàu toàn bộ chiếm 84,86% tổng dung tích đội thương thuyền thế giới.
Theo quy định của Công ước AFS, tàu không được sử dụng chất cơ thiếc là chất diệt vi sinh (bi-ô-xít) trong sơn chống hà. Trường hợp tàu đã sử dụng loại sơn có chứa chất cơ thiếc, nếu không làm sạch lớp sơn này, thì phải có lớp phủ bề mặt ngăn không cho chất cơ thiếc phát tán ra môi trường.
Công ước AFS áp dụng cho tất cả các tàu, kể cả dàn khoan di động, dàn khoan cố định, kho nổi chứa dầu trên biển; nhưng không áp dụng cho tàu chiến, tàu hỗ trợ hải quân. Tàu biển có tổng dung tích từ 400 trở lên phải có giấy chứng nhận về hệ thống chống hà phù hợp với Công ước AFS. Tàu biển có tổng dung tích dưới 400 nhưng có chiều dài từ 24 m trở lên chạy tuyến quốc tế phải có cản cam kết về hệ thống chống hà. Bản cam kết này phải có chữ ký của chủ tàu hoặc người đại diện có thẩm quyền của chủ tàu.
Theo quy định của Công ước AFS, tàu phải được kiểm tra lần đầu khi lần đầu tiên sử dụng sơn chống hà và kiểm tra trong quá trình khai thác khi sơn chống hà được sửa chữa, thay thế.
Các quy định của Công ước AFS đã được vào Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống chống hà của tàu (QCVN 74: 2014/BGTVT), ban hành theo Thông tư số 24/2014/TT-BGTVT ngày 30/6/2014 của bộ Giao thông vận tải có hiệu lực từ ngày 01/10/2014.
Mặc dù đến nay Việt Nam mới làm thủ tục gia nhập Công ước AFS, nhưng đội tàu Việt Nam về cơ bản đã tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước và Quy chuẩn QCVN 74: 2014/BGTVT. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu biển hoạt động tuyến quốc tế khi đến cảng của các quốc gia đã tham gia Công ước, từ năm 2008 Cục Đăng kiểm Việt Nam đã thực hiện việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận phù hợp của hệ thống sơn chống hà cho các tàu này.