Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Hội nghị do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam phối hợp tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Hội nghị đã kết thúc thành công với bản cam kết chung về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo tại Việt Nam.
Các tổ chức tôn giáo cam kết nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai nhiều giải pháp tích cực, bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực để góp phần thay đổi hành vi theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của cộng đồng và xã hội.
Với mục tiêu đó, giáo dục bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ được đưa vào sinh hoạt của các cộng đồng tôn giáo.
Các tổ chức tôn giáo cũng tích cực tham gia có hiệu quả vào những chương trình hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường xây dựng năng lực tự ứng phó và giúp nhau ứng phó giữa các cộng đồng tôn giáo, giữa người có tôn giáo và người không tôn giáo khi có rủi ro thiên tai xảy ra để góp phần vào hiệu quả các hoạt động này tại cộng đồng dân cư.
Các tổ chức tôn giáo ký kết tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)
Cộng đồng các tôn giáo sẽ được chia sẻ thông tin của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ngành tài nguyên và môi trường liên quan đến những giải pháp cần thiết về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; được khuyến khích tham gia tích cực vào việc thực hành các giải pháp khẩn thiết này.
Các tổ chức tôn giáo thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan chức năng khác ở các cấp để vận động thực hiện, giám sát việc thực hiện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân liên quan nhằm đảm bảo hiệu quả của việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, Chương trình mục tiêu Quốc gia về biến đổi khí hậu.
Các tổ chức tôn giáo sẽ khuyến khích các hoạt động bác ái, từ thiện, giữ gìn và thân thiện với môi trường của chức sắc, tín đồ và người dân; kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ, chia sẻ với những người nghèo khó, người gặp khó khăn tại cộng đồng dân cư khi gặp phải thiên tai, bão, lũ; chia sẻ sự chăm sóc, hỗ trợ vật chất hay tinh thần đối với các cá nhân, cộng đồng bị tổn thương ở bất cứ nơi nào và bất cứ lúc nào có thể...
Với những cam kết đó, các tổ chức tôn giáo kêu gọi các nhà lãnh đạo, tổ chức, cá nhân, người dân, tất cả cộng đồng tôn giáo tại Việt Nam và quốc tế nhận thức rõ hiểm họa của ô nhiễm, suy thoái môi trường, biến đổi khí hậu mà nhân loại và Việt Nam đang đối mặt; cùng chia sẻ trách nhiệm, đồng tâm phối hợp hành động vì mục đích cao nhất là bảo vệ sự sống của con người và muôn loài.
Tại hội nghị, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam cam kết sẽ phối hợp, hỗ trợ các điều kiện cần thiết cho những hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các tổ chức tôn giáo; xây dựng các mô hình điểm của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.../.