Máy bay năng lượng Mặt Trời Solar Impulse 2
Solar Impulse 2 đã cất cánh từ thành phố Mountain View ở California vào lúc 5 giờ sáng 2/5 (tức 19 giờ cùng ngày theo giờ Việt Nam) với điểm đến là thành phố Phoenix, bang Arizona, miền Tây Nam nước Mỹ.
Trong chặng bay dự kiến kéo dài 16 giờ này, Solar Impulse 2 do phi công người Thụy Sĩ Andre Borschberg cầm lái. Đây là chặng bay thứ 10 trong số 13 chặng bay dự kiến để hoàn thành hành trình vòng quanh thế giới của Solar Impulse 2.
Dự kiến, sau khi đến Phoenix, chiếc máy bay này sẽ có hai chặng dừng chân khác tại Mỹ trước khi vượt Đại Tây Dương đến châu Âu hoặc khu vực Bắc Phi.
Trước đó, ngày 24/4 vừa qua, Solar Impulse 2 đã hoàn thành chặng bay thứ 9 từ Hawaii đến Mount View trong hành trình vòng quanh thế giới.
Phi công Bertrand Piccard, người đảm nhiệm chặng bay này và cũng là người đứng đầu dự án Solar Impulse, khẳng định trong 10 năm tới, máy bay vận hành bằng điện sẽ có thể chuyên chở tới 50 hành khách.
Tháng 7/2015, khi đáp xuống Hawaii sau chuyến hành trình kỷ lục xuyên Thái Bình Dương trong chặng bay thứ 8, Solar Impulse 2 phải tạm dừng chuyến bay do gặp trục trặc với bộ pin Mặt Trời.
Bộ pin gồm hơn 17.000 viên pin Mặt Trời đã bị hỏng do nhiệt độ cao trong suốt chuyến bay dài ngày qua chặng bay kỷ lục hơn 6.400km trên. Tháng Hai vừa qua, Solar Impulse 2 đã bay thử thành công và trở lại hành trình trong chặng bay thứ 9 kết thúc ngày 24/4.
Bắt đầu chuyến bay vòng quanh thế giới vào ngày 9/3/2015 từ Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), dự kiến Solar Impulse 2 sẽ bay tổng cộng 35.000km và qua hai đại dương, dừng tại 12 điểm trên hành trình. Vận tốc bay trung bình của Solar Impulse 2 từ 50-100km/giờ và giảm xuống vào ban đêm để tiết kiệm năng lượng.
Solar Impulse 2 cấu tạo bằng sợi cácbon, nặng 2,3 tấn, sử dụng 4 động cơ 17,5 mã lực được cấp điện nhờ 17.248 viên pin Mặt Trời lắp dọc thân máy bay và sải cánh dài 72m, tương đương sải cánh của máy bay Airbus A380. Đây là máy bay vận hành bằng năng lượng Mặt Trời thứ hai, sau chiếc Solar Impulse đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm 26 giờ năm 2010 chứng minh ban ngày pin Mặt Trời có thể tích đủ năng lượng để dùng vào ban đêm.