Xưởng đóng tàu xả thải ra sông Tiền, trách nhiệm thuộc về ai?

Thứ hai, 22/08/2016 15:15 GMT+7

Nhiều xưởng đóng tàu tự phát và thường xuyên xả thải ra sông Tiền, gây ô nhiễm môi trường và vi phạm an toàn hành lang đường thủy nội địa.

Do nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy ở khu vực ĐBSCL ngày càng tăng, nên gần đây tại Tiền Giang nghề đóng tàu sắt phát triển mạnh. Điều đáng nói là có nhiều xưởng đóng tàu tự phát, không theo quy hoạch và thường xuyên xả thải ra sông Tiền, gây ô nhiễm môi trường và vi phạm an toàn hành lang đường thủy nội địa.

Nhiều bãi đóng tàu khủng ven sông Tiền chưa đủ điều kiện hoạt động

Thống kê của các ngành chức năng tại các xã Bình Đức, Kim Sơn, Song Thuận, huyện Châu Thành, có 12 doanh nghiệp, cơ sở đóng tàu sắt quy mô lớn. Trong đó, có 4 cơ sở hoạt động không phép. Theo quy định các bãi đóng tàu này phải thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn như: giấy phép kinh doanh, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phòng chống cháy nổ…

Tuy nhiên, phần lớn các cơ sở, doanh nghiệp đóng tàu đều không đáp ứng các nhu cầu đặt ra, nhất là phương án bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ.

Nhiều cơ sở đóng tàu gây ô nhiễm môi trường

Ông Nguyễn Hồng Phước, Bí thư Đảng ủy Bộ phận ấp Tân Thuận B, xã Bình Đức cho biết: Địa bàn có đến 7 cơ sở, doanh nghiệp đóng tàu sắt; hầu hết các xưởng đóng tàu nằm trong khu dân cư, nên thường xuyên thải ra khói bụi, nước thải và gây tiếng ồn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

“Các cơ sở đóng tàu bắn cát vào ban đêm, tạo ra cát bụi ảnh hưởng đến các gia đình, các cháu học hành. Các loại nước thải đóng tàu đều chảy xuống sông, không thông qua một hệ thống xử lý nào hết. Xử lý tàu phải dùng thuốc rất độc mà chảy xuống dòng sông Tiền, rất nguy hiểm. Theo tôi, tất cả sản xuất công nghiệp của tỉnh phải được quy hoạch khu công nghiệp tập trung, xử lý nước thải thì người dân rất tán thành” – ông Phước nói.

Bãi đóng tàu của doanh nghiệp tư nhân A Của,
tại xã Bình Đức, huyện Châu Thành xâm phạm trụ điện lưới quốc gia

Cũng tại ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, xưởng đóng tàu sắt của doanh nghiệp tư nhân A Của, không chỉ hoạt động không phép mà còn xâm phạm hành lang trụ điện số 20 đường dây điện cao thế 220 KV Mỹ Tho - Bến Tre, đưa dòng điện sang sông Tiền, phần diện tích đất chân trụ điện do

Công ty Truyền tải Điện 4, thuộc Tổng Công ty truyền tải Điện Quốc gia quản lý. Đáng lo ngại cách chân trụ điện cao thế vài mét một chiếc tàu sắt khổng lồ được đóng sắp hoàn thành.

Thời gian qua, các ngành chức năng của huyện Châu Thành và tỉnh Tiền Giang có đến kiểm tra hoạt động của xưởng đóng tàu này. UBND xã Bình Đức còn ký xác nhận cho chủ doanh nghiệp này làm hồ sơ xin sử dụng.

Công nhân đóng tàu dù nguy cơ tai nạn rất cao nhưng không mang bảo hộ lao động

Ông Nguyễn Văn Của, chủ doanh nghiệp tư nhân A Của cho rằng, doanh nghiệp đang làm thủ tục xin các ngành chức năng cấp phép hoạt động. Hơn nữa, bãi đóng tàu này ông đã cho ông Nguyễn Hữu Quý thuê nên ông cho rằng mình không có trách nhiệm.

Ông Của phân bua: “Tôi cho thuê là phạm vi khác, chỗ trụ điện nằm thì tôi không biết. Họ làm nhiều khi mấy anh kiểm tra, nhắc nhở hay phạt gì đó thì nhiệm vụ của ngành chức năng quản lý với những người đó chứ tôi đâu có làm chuyện đó. Người nào làm thì chịu trách nhiệm”.

Còn ông Trần Tấn Hùng, Đội phó phụ trách Đội truyền tải Điện Mỹ Tho, thuộc Công ty Truyền tải Điện 4, cho biết đã nhiều lần phát hiện doanh nghiệp A Của xâm phạm an toàn trụ điện, đơn vị đã lập biên bản, buộc cam kết và đề nghị ngành chức năng huyện Châu Thành xử lý. Tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp này vẫn còn hoạt động.

Ông Hùng nói: “Chúng tôi đi kiểm tra vi phạm và lập biên bản, theo tôi là nghiêm trọng. Vì ảnh hưởng đến toàn bộ lưới điện của miền Nam, trực tiếp là tỉnh Bến Tre. Nguy cơ xâm phạm, ảnh hưởng đến kết cấu móng, về phòng cháy chữa cháy. Nếu xe chạy trong lòng trụ điện thì ảnh hưởng đến kết cấu móng bên dưới của trụ. Công ty truyền tải Điện miền Tây đã có văn bản gửi qua Sở Công thương Tiền Giang nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi”.

Việc các bãi đóng tàu phát triển ngoài quy hoạch như ở khu vực ven sông Tiền của huyện Châu Thành đã và đang tồn tại, phát sinh những bất cập nhưng chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn chưa thể hiện hết trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước.

Khói bụi mịt mù tại các cơ sở đóng tàu sắt do khâu "bắn cát" làm sạch thân tàu

Hiện nay, dọc theo sông Tiền khu vực từ Mỹ Tho đến Châu Thành có nhiều xưởng đóng tàu lớn, đóng tàu hàng ngàn tấn nhưng không phải xưởng nào cũng có đầy đủ các giấy phép bến thủy, báo cáo đánh giá tác động môi trường. Theo phân cấp, các bến thủy này do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 tại Tiền Giang quản lý.

Ông Nguyễn Hữu Lợi, Trưởng đại diện Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực 3 cho biết, sẽ có biện pháp mạnh để chấn chỉnh tình trạng bãi đóng tàu ven sông Tiền tràn lan này: “Hướng tới chúng tôi sẽ rà soát lại đối với những bến thủy không phép; phối hợp Thanh tra giao thông số 5, sẽ kiểm tra nhắc nhở. Những bến nào không phép thì hướng dẫn đến các cơ quan có thẩm quyền để cấp phép. Tăng cường công tác giám sát sau khi cấp phép.

Đối với những bến không đủ tiêu chuẩn thì đề nghị không cấp phép hoạt động. Riêng trường hợp bãi tàu A Của, để tôi xem xét, kiểm tra lại xem có giấy phép của đường dây điện hay không. Nếu không phép thì tôi yêu cầu các cơ quan phối hợp để đình chỉ hoạt động”.

Đóng tàu là ngành kinh tế quan trọng, giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp rất lớn vào ngân sách của tỉnh Tiền Giang. Song việc thành lập các bãi đóng tàu sắt ven sông Tiền ở tỉnh như hiện nay cần được thực hiện theo quy hoạch, quy định của ngành chức năng và đúng pháp luật nhằm hạn chế những tác động bất lợi đến cuộc sống người dân.

Nguồn: VOV

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)