Hiệu quả từ hệ thống xe buýt nhanh

Thứ hai, 09/01/2017 13:15 GMT+7

Nhiều thành phố lớn trên thế giới đón nhận tích cực hệ thống xe buýt nhanh nhờ vào hiệu quả mà phương tiện công cộng này mang lại.

Nhằm bắt kịp nhịp sống hiện đại, gia tăng dân số, sự bùng nổ công nghệ và tình trạng môi trường đang được quan tâm, nhiều thành phố lớn trên thế giới đã và đang đầu tư mạnh vào hệ thống vận chuyển bền vững: nhanh, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm và hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong đó, hệ thống xe buýt nhanh (bus rapid transit-BRT) là một trong những lựa chọn ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách. BRT hiện có mặt trên nhiều đại lộ tại các quốc gia phát triển cũng như các quốc gia đang phát triển, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông cho các thành phố. Hiện BRT hoạt động tại hơn 170 thành phố trên thế giới, vận chuyển hơn 30 triệu lượt mỗi ngày.

Làn đường dành riêng cho BRT (phải) tại Jakarta của Indonesia. Ảnh: itdp.org

BRT đầu tiên trên thế giới được xây dựng tại thành phố Curitiba của Brazil vào năm 1974, nay trở thành hệ thống giao thông công cộng chủ chốt của thành phố, đáp ứng nhu cầu đi lại cho hơn 85% dân số Curitiba. Thành phố xanh Curitiba hay một thí điểm nền kinh tế xanh tại các quốc gia đang phát triển được tạo dựng từ những chính sách đô thị khá lý tưởng, trong đó phải kể đến BRT. Hay Bogota (Colombia) được đánh giá rất thành công với BRT khi nó đi vào hoạt động từ năm 2000, nhờ vào kế hoạch tổng thể đồng bộ, như cải thiện cơ sở hạ tầng. Bogota có khoảng 310km đường kể cả dành riêng cho BRT hay chung tuyến với các phương tiện giao thông khác, phục vụ 2,2 triệu khách/ngày, cao nhất thế giới. Sự thành công của BRT tại Curitiba và Bogota được xem là nguồn cảm hứng để BRT được nhân rộng trên nhiều thành phố.

Một nghiên cứu mới đây cho thấy, BRT có thể giảm hàng triệu giờ cho những người hay đi lại bằng xe buýt trên toàn thế giới. Cụ thể, tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ, BRT có thể tiết kiệm 28 ngày mỗi năm cho hành khách thường xuyên của BRT và sẽ là 73 triệu giờ cho toàn hành khách BRT trong giai đoạn 2007 - 2026. Do vậy, BRT được xem phương tiện giao thông công cộng góp phần cải thiện đáng kể đời sống của người dân khu vực. Hay xét về lĩnh vực kinh tế, BRT mang lại cho Mexico City 141 triệu USD nhờ vào tiết kiệm thời gian cho người lao động. Tại khu vực Mỹ Latinh, BRT cải thiện đáng kể tình trạng an toàn giao thông, giảm 40 - 80% các vụ tai nạn, số người chết tại các tuyến đường sử dụng BRT.

Tình trạng kẹt xe vốn tồi tệ tại thành phố đông đúc Jakarta của Indonesia chắc chắn sẽ trầm trọng hơn nếu như không có BRT - hệ thống đầu tiên ở khu vực Nam và Đông Nam Á, đi vào hoạt động từ năm 2004 với giá vé rẻ. Hiện có hơn 500 xe buýt nhanh hoạt động trên toàn Jakarta. Giống như hạ tầng tại nhiều thành phố tại Mỹ, Nhật Bản hay Trung Quốc, BRT tại đây được sử dụng ở một làn đường ưu tiên riêng. Các trạm dừng BRT được thiết kế kiểu nhà chờ có mái che và tường khép kín. Mỗi khi xe buýt chạy đến đậu ở trạm, cánh cửa kính tự động của trạm sẽ mở ra. Các trạm này đôi khi được nối với đường đi bộ trên không để hành khách dễ dàng di chuyển từ các tòa nhà, trung tâm mua sắm hoặc từ bên kia đường sang. Irfan Meiga (một cư dân tại Jakarta) cho biết: “Hằng ngày, tôi đi làm chỉ 10km và thường mất hơn một tiếng để di chuyển bằng xe cá nhân. Việc sử dụng BRT giúp tôi đến công sở sớm hơn, di chuyển thuận tiện hơn và chi phí đi lại rẻ hơn so khi sử dụng xe riêng”.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)