Thử nghiệm xe buýt điện ở Hội An: Nhiều tín hiệu khả quan

Thứ năm, 08/02/2018 16:41 GMT+7

Sau 3 tháng đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống xe buýt điện, cho thấy loại hình phương tiện giao thông này phù hợp với phố cổ Hội An (tỉnh Quảng Nam). Đây cũng là một trong những nỗ lực hành động để xây dựng Hội An thành thành phố “Sinh thái - văn hóa - du lịch”.

Xe buýt điện được kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng Hội An thành
thành phố “Sinh thái - văn hóa - du lịch”.

Xây dựng mạng lưới “giao thông xanh”

Hệ thống xe buýt điện này được vận hành bởi Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An, trực thuộc Công ty CP Công trình công cộng Hội An. Ông Nguyễn Quốc Tiến - Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình công cộng Hội An cho biết, Hội An là một trong 10 thành phố trong cả nước được Chính phủ cho phép thí điểm xe buýt điện. Dựa trên điều kiện thực tế tại Hội An, đơn vị này đã trình phương án “Kinh doanh vận tải bằng xe 4 bánh chạy năng lượng điện đưa du khách tham quan TP Hội An” lên Sở GTVT Quảng Nam và đã được đồng ý, bắt đầu chạy thử nghiệm từ khoảng 3 tháng trước. Theo đó, từ bãi đỗ xe ở số 330 đường Lý Thường Kiệt (gọi tắt là bãi đỗ xe) của Công ty TNHH MTV Xe điện Hội An, sẽ có 6 tuyến để đưa khách bằng xe buýt điện đến khu phố cổ hay các điểm tham quan.

Cụ thể: Tuyến số 1 có chiều dài 1,2km, sẽ có điểm kết thúc là bãi đỗ xe Công an thành phố (cũ) trên đường Hoàng Diệu theo lộ trình bãi đỗ xe - đường Lý Thường Kiệt - đường Ngô Gia Tự - đường Hoàng Diệu - bãi đỗ xe Công an thành phố (cũ) và ngược lại; tuyến số 2 có độ dài khoảng 1,1km, bắt đầu từ bãi đỗ xe đến bãi đỗ xe Viettown theo lộ trình bãi đỗ xe - đường Hai Bà Trưng - đường Bà Triệu - đường Hai Bà Trưng - đường Phan Châu Trinh - bãi đỗ xe Viettown và ngược lại; tuyến số 3 có chiều dài khoảng 1,4km có điểm kết thúc là Quảng trường Sông Hoài theo lộ trình bãi đỗ xe - đường Hai Bà Trưng - đường Bà Triệu - đường Trần Hưng Đạo - Quảng trường Sông Hoài và ngược lại; tuyến số 4 dài 3,7km có 1 điểm dừng tại Làng rau Trà Quế (cho khách muốn tham quan làng rau) và điểm kết thúc là bãi giữ xe ngã tư biển An Bàng theo lộ trình bãi đỗ xe - đường Hai Bà Trưng (nối dài) - Làng rau Trà Quế - Bãi giữ xe ngã tư biển An Bàng và ngược lại; tuyến số 5 có chiều dài khoảng 9,8km, có điểm cuối là Bãi đỗ xe cảng Cù Lao Chàm, theo lộ trình bãi đỗ xe - đường ĐT603A - biển Cửa Đại - bến cảng đi Cù Lao Chàm và ngược lại; tuyến số 6 dài khoảng 3,8km, có điểm cuối là làng gốm Thanh Hà, theo lộ trình bãi đỗ xe - đường Nguyễn Tất Thành - đường 28.3 - đường Hùng Vương - làng gốm Thanh Hà và ngược lại.

Thời gian hoạt động của xe điện mỗi ngày 6 - 22 giờ vào mùa hè, 7 đến 21 giờ vào mùa đông với tần suất xe chạy 10 - 30 phút/tuyến tùy theo lộ trình đi. Ông Tiến cho biết giai đoạn 1 của thử nghiệm có 30 chiếc xe điện, trong đó có 5 xe loại 14 chỗ ngồi, 5 xe loại 11 chỗ ngồi và 20 xe loại 8 chỗ ngồi. Ở giai đoạn 2 sắp tới của thử nghiệm, sẽ có thêm 30 chiếc xe điện, nâng tổng số xe điện phục vụ du khách lên con số 60. Nhằm tối ưu hóa cho sự lựa chọn của du khách, đơn vị này bán ra 2 loại vé là khứ hồi và một chiều, ngoài điểm bán vé tại quầy vé tại số 330 đường Lý Thường Kiệt, còn kết hợp với một số điểm bán vé tham quan vào khu phố cổ, các điểm kết thúc của lộ trình tuyến. Các tuyến 1, 2, 3 có giá 10 nghìn đồng/vé/lượt; các tuyến 4, 6 có giá 15 nghìn đồng/vé/lượt và tuyến số 5 có giá vé 20 nghìn đồng/vé/lượt.

Du khách đón nhận

Sáng 5/2, sau khi xuống xe tại bãi đỗ xe Công an thành phố (cũ), nhóm của chị Trịnh Thu Thanh (một du khách đến từ Hà Nội) tỏ ra hứng thú với xe buýt điện. Chị Thanh cho biết trước đó 3 ngày nhóm chị đáp chuyến bay xuống Đà Nẵng sau một giờ bay từ Hà Nội. Sau khi du lịch tại Đà Nẵng, nhóm 5 người của chị ghép một tour để vào Hội An. “Đây không phải là lần đầu tiên mình đến Hội An, do đó mình thường theo dõi để cập nhật nhanh nhất có thể các sản phẩm, loại hình phục vụ du lịch mới nhất. Khi biết thành phố đưa vào hoạt động xe buýt điện, mình bàn cả nhóm chọn cách di chuyển bằng phương tiện này để vào tham quan phố. So với đi taxi như những lần trước, thì đi xe điện thuận lợi hơn trong việc thăm thú cảnh quan hai bên đường, giá cả hợp lý và đặc biệt là thân thiện với môi trường” - chị Thanh nói.

Mặc dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Tiến, du khách rất quan tâm đến dịch vụ xe điện ở Hội An. Trong hai tháng đầu chạy thử nghiệm, không có nhiều du khách lựa chọn di chuyển bằng xe buýt điện, nhưng đến tháng thứ 3 thì số lượng tăng lên rất nhiều sau nỗ lực tuyên truyền, quảng bá. “Một điều thú vị là cho đến lúc này, qua nắm bắt sơ bộ thì khách du lịch người Việt ở nhóm tuổi trẻ chiếm phần lớn trong số hành khách sử dụng xe buýt điện, còn khách nước ngoài chủ yếu là người già” - ông Tiến cho hay. Cũng theo ông Tiến, ngoài phục vụ du khách trên các tuyến đã đề cập, đơn vị này còn xây dựng phương án đưa du khách đi tham quan ở các địa điểm du lịch chưa nằm trên tuyến cũng như tự chủ về thời gian.

Theo chủ trương cho phép thí điểm của Chính phủ, tùy tình hình thực tế của mỗi thành phố, mà sau một thời gian thực hiện, sẽ điều chỉnh những điểm hạn chế, vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành. Riêng Hội An, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, nhưng ông Tiến cho rằng xe buýt điện sẽ phát huy hiệu quả cao khi thành phố hoàn thành việc xây dựng các bãi đỗ xe. Địa phương sẽ rà soát lại quy định các điểm cấm dừng, đỗ xe ô tô lớn tại khu vực sát khu phố cổ, điểm tham quan. Khi dịch vụ xe buýt điện được khai thác tối đa, sẽ giảm lượng ô tô lưu thông trong các tuyến đường sát khu phố cổ, vừa góp phần “giải nhiệt” tình trạng quá tải, ùn ứ trên các tuyến đường cũng như cải thiện môi trường cho thành phố.

Nguồn: Báo Quảng Nam

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)