Đầu năm nay, một con sông ở Bandung, Indonesia, đã bị tắc nghẹt bởi rác thải nhựa, đến nỗi người ta không thấy nước chảy nữa. Kết quả, chính phủ điều quân đội đến để làm sạch lòng sông.
Tuy nhiên, đó chỉ là phương án tạm thời và Indonesia là một trong những quốc gia có vấn đề lớn nhất với rác thải nhựa. Surabaya, thành phố lớn thứ hai của quốc gia này, đang thử nghiệm cách làm mới: Nếu nộp chai nhựa để tái chế, bạn sẽ nhận được vé đi xe bus miễn phí trong thành phố.
Cụ thể, mỗi 5 chai nhựa hoặc 10 cốc nhựa dùng một lần, sẽ đổi được 1 vé bus 2 giờ đồng hồ. Ngoài những điểm thu gom nhựa thải, bạn có thể đổi nhựa trực tiếp để lấy vé bus. Theo Reuters, từ khi thử nghiệm đến nay, mỗi chiếc xe bus có thể thu gom gần 250kg nhựa/ngày.
Đó là nỗ lực bảo vệ môi trường đáng khen ngợi, khuyến khích nhiều người di chuyển bằng xe bus trong thành phố mà 75% chuyến đi diễn ra trên ô tô. Một nghiên cứu toàn cầu vào năm 2015 cho thấy, Indonesia thải vào môi trường lượng nhựa chỉ thua Trung Quốc mà thôi.
Vào năm 2016, chính phủ Indonesia từng ban hành điều luật mới, thu thuế trực tiếp trên lượng nhựa mà mỗi cá nhân/tổ chức thải ra môi trường. Tuy nhiên, biện pháp này đã phải dừng lại không lâu sau đó. Đến năm 2017, Indonesia lên kế hoạch hành động mang tầm quốc gia cũng như các chương trình giáo dục năng cao nhận thức về rác thải nhựa.
Việc ban hành quy đình về đổi rác nhựa lấy vé xe bus có lẽ không đặt trọng tâm vào việc thu gom rác, mà là giáo dục và tạo ra thói quen mới cho người dân.