Vì sao cần phải chuyển đổi xu hướng sử dụng xe điện tại Việt Nam?

Thứ sáu, 09/11/2018 09:41 GMT+7

Ngày 8/11, Trường Đại học Công nghệ GTVT (Bộ GTVT) đã tổ chức Hội thảo Quốc gia Khởi động Dự án nghiên cứu: “Xu hướng di chuyển bằng xe điện tại Việt Nam (tập trung vào xe 2 bánh)”.

Đây là Dự án hợp tác giữa Cơ quan Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Đại học Công nghệ GTVT; cùng với sự tham gia cố vấn chính sách và kỹ thuật của Ủy ban ATGT Quốc gia, Vụ Khoa học công nghệ (Bộ GTVT), Vụ Môi trường (Bộ GTVT), Cục Đăng kiểm Việt Nam, Hiệp hội các Nhà sản xuất xe máy Việt Nam. Dự án được thực hiện từ tháng 9/2018 đến tháng 6/2020.

Toàn cảnh Hội thảo Quốc gia Khởi động
Dự án nghiên cứu: “Xu hướng di chuyển bằng xe điện tại Việt Nam

Dự án nghiên cứu này nằm trong Dự án nghiên cứu “Xu hướng di chuyển bằng xe điện” được UNEP tài trợ thông qua Chương trình viện trợ của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức và UNEP và thực hiện tại 6 quốc gia gồm: Kenya, Uganda, Ethiopia, Philippines,Việt Nam và Thái Lan.

Tại Hội thảo, Ts. Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia chia sẻ, vấn đề ô nhiễm và an ninh năng lượng là một trong những thách thức của toàn cầu. Điều đáng nói là, hoạt động của các phương tiện GTVT nằm trong nhóm hàng đầu gây ra những thách thức đó. Trên thực tế, nguồn nhiên liệu hóa thạch đang dần cạn kiệt, và việc sử dụng nguồn nhiên liệu này cũng gây tác hại lớn đối với môi trường.

“Việc triển khai áp dụng các loại hình vận tải thân thiện với môi trường, không sử dụng nhiên liệu hóa thạch đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển như Việt Nam”, Ts. Khuất Việt Hùng nhấn mạnh.

Ông Bert Fabian - Cán bộ chương trình, Bộ phận Chất lượng không khí và Di chuyển, Ban Kinh tế, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết, mục tiêu của Dự án là đánh giá mức độ xây dựng chính sách tại 6 quốc gia mới bắt đầu chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông động cơ đốt trong sang xe điện.

Việc sử dụng xe điện có tác động trực tiếp lên cộng đồng các quốc gia do giảm ô nhiễm không khí, cải thiện an ninh năng lượng quốc gia, tạo ra nhiều vị trí việc làm thân thiện với môi trường, giảm nghèo đói và bất bình đẳng. Kết quả dự án sau đó sẽ được nhân rộng sang các nước trong khu vực sau khi triển khai được các bước chuyển đổi sang sử dụng xe điện.

Hoạt động của dự án này sẽ tập trung vào 3 công tác chính gồm: Lên kế hoạch và thiết lapạ được cơ sở dữ liệu (đặc điểm phương tiện, mức tiêu thụ nhiên liệu, tính toán lưới điện, các kịch bản chuyển đổi sang sử dụng xe điện, chính sách hiện có,…); đề xuất chính sách (vận động các bên liên quan tham gia, triển khai các dự án thí điểm sử dụng xe điện 2 và 3 bánh, đánh giá kỹ thuật, nâng cao nhận thức, xây dựng chính sách…), quản trị kiến thức công nghệ.

Nguồn: Tạp chí GTVT

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)