TP HCM đang chịu thiệt hại hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm do ngập nước

Thứ năm, 06/12/2018 11:20 GMT+7

Tham gia Hội thảo tìm giải pháp chống ngập tại Thành phố Hồ Chí Minh do Báo Tiền Phong tổ chức ngày 5/12, các chuyên gia, nhà khoa học đều đưa ra nhận định cần có giải pháp tổng thể cho vấn đề chống ngập nước trên địa bàn thành phố.

ttxvn hinh phat kem bai viet bai toan giam ngap tai thanh pho ho chi minh buc tranh con nhieu mau xam 538973

Một tuyến đường của Thành phố bị ngập nước

Tại hội thảo, các đại biểu nêu nhiều nguyên nhân dẫn đến ngập nước ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó chủ yếu là do ảnh hưởng của mưa lớn bất thường về cả tần suất, lượng mưa; thủy triều xâm nhập qua hệ thông sông Sài Gòn-Đồng Nai và sông Vàm Cỏ Đông cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dẫn đến đỉnh triều cao hơn các mức tính toán. 

Bên cạnh đó, hiện trạng cao độ nền thấp và vấn đề sụt lún nền đô thị dẫn đến cốt nền xây dựng đô thị thấp không đủ để tạo độ dốc phù hợp cho việc thoát nước và nhiều khu vực còn thấp hơn mức nước sông khi có triều cường nên không thể tiêu thoát tự nhiên ra ngoài. Đô thị phát triển nhanh chóng dẫn đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong đó có kỹ thuật thoát nước và chống ngập úng không theo kịp với tốc độ phát triển đô thị, cùng với hệ thống thoát nước cũ, nhỏ dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu thoát nước. 

Ngoài ra, ý thức của người dân còn hạn chế và việc quản lý chưa được thực hiện tốt nên nhiều nơi bị lấn chiếm, san lấp trái phép, tình trạng xả rác ra kênh rạch, cửa xả vẫn còn rất phổ biến làm thu hẹp dòng chảy, tắc nghẽn hệ thống thoát nước, hố ga.

Đánh giá về thiệt hại của ngập nước ảnh hưởng đến kinh tế, ông Lê Văn Thành, chuyên viên tư vấn của Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho biết vấn đề ngập nước không chỉ tác động lớn đến đời sống người dân mà còn gây thiệt hại về kinh tế. Diện tích bị ảnh hưởng do ngập nước chiếm khoảng 2/3 diện tích toàn thành phố, tác động đến đời sống, sinh hoạt, việc làm của gần 3 triệu người. 

Tổn thất kinh tế do ngập nước gây ra vô cùng lớn, ảnh hưởng ở hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch, giao thông, nhà cửa, phương tiện, sức khỏe người dân. Thống kê sơ bộ, ước tính tổn thất do ngập nước nặng nề trong ngày 25, 26/11 vừa qua khoảng 200 tỷ đồng; mỗi năm ước tính thiệt hại do ngập nước gây ra trên toàn thành phố khoảng hơn 1.500 tỷ đồng.

Theo ông Lê Văn Thành, ngập nước ảnh hưởng đến toàn bộ người dân thành phố, vì vậy công tác chống ngập không chỉ là nhiệm của lãnh đạo, các sở ngành thành phố mà còn là trách nhiệm của các doanh nghiệp và người dân. Trong đó, cần quan tâm nâng cao ý thức của người dân trong việc góp phần giảm ngập, phải tuyên truyền để người dân nhận thấy mỗi việc làm sai trái như vứt rác ở miệng cống, vứt rác trực tiếp xuống kênh rạch, lấn chiếm cửa thoát nước, kênh rạch đều gây ra ngập nước. Người dân cần có thói quen nhắc nhở khi chứng kiến những hành vi gây ảnh hưởng đến tình trạng ngập nước.

Chia sẻ về những giải pháp chống ngập thành phố đang thực hiện, ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Giai đoạn 2016-2020, thành phố tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng ngập tại lưu vực trung tâm thành phố và một phần của 5 lưu vực ngoại vi ở phía Bắc, Tây, Nam, Đông Bắc, Đông Nam rộng 550km2 với khoảng 6,5 triệu dân; đồng thời, cải thiện môi trường nước, tăng không gian trữ nước và tạo cảnh quan đô thị, góp phần cải thiện đời sống người dân và bảo vệ môi trường.

Để thực hiện mục tiêu này, thành phố triển khai nhiều giải pháp công trình như ưu tiên xây dựng và cải tạo các tuyến cống thoát nước thuộc các dự án theo quy hoạch 752, nạo vét, cải tạo kênh Tham Lương-Bến Cát-rạch Nước Lên với chiều dài 32km để giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 14.500 ha thuộc Dự án Quản lý rủi ro ngập khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, thực hiện Dự án Nạo vét, cải tạo rạch Xuyên Tâm dài 8,2 km giải quyết thoát nước và chỉnh trang đô thị cho lưu vực 700ha.

Bên cạnh đó, thành phố sẽ tập trung nguồn vốn để thực hiện Dự án Cải tạo rạch chính khu vực nội đô gồm rạch Bùi Hữu Nghĩa, Văn Thánh, Bà Tiếng, kênh Liên Xã, rạch Ông Búp; xây dựng hồ điều tiết Gò Dưa rộng 23ha, hồ Bàu Cát rộng 0,4 ha, hồ Khánh Hội có diện tích 4,8ha.

Theo ông Đỗ Tấn Long, với các giải pháp đang thực hiện, đến hết năm 2018, thành phố sẽ giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập do mưa và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tuyến đường ngập còn lại với mục tiêu giải quyết hết các tuyến đường ngập đến năm 2020.

Chia sẻ thêm về giải pháp chống ngập cụ thể, giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn An Niên, nguyên Viện Trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Nam cho biết việc nâng độ cao mặt đường để chống ngập cho các con đường trong thành phố tuy chỉ là biện pháp chống ngập cục bộ nhưng lại đang được sử dụng một cách thường xuyên. Cần giảm sử dụng biện pháp nâng đường trong công tác chống ngập, chú trọng sử dụng nhuần nhuyễn các giải pháp chống ngập do triều cường và giải pháp thoát nước có bơm đối với các vùng đất thấp bị ảnh hưởng triều để giảm thiểu tôn tạo nền.

Giáo sư-tiến sỹ khoa học Nguyễn An Niên đề xuất thêm thành phố còn nhiều vị trí ở vùng thấp bị ảnh hưởng triều đã được áp dụng giải pháp chống ngập do triều cường nhưng lại chưa áp dụng giải pháp thoát nước. Cần bổ sung giải pháp thoát nước dưới dạng bơm tiêu đặt tại các cửa xả của hệ thống thoát nước ra sông, kênh, rạch, bố trí hợp lý các bơm tiêu vừa và nhỏ tại các cửa xả có cửa van ngăn triều để tăng cường thoát nước và bố trí bơm công suất lớn để giải quyết ngập ở tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh, Kinh Dương Vương.

Trong khi đó, theo tiến sỹ Lê Xuân Bảo, Viện trưởng Viện Thủy lợi và Tài nguyên Thành phố Hồ Chí Minh: Các giải pháp chống ngập cho thành phố cần cập nhật thường xuyên các dự báo về yếu tố nguy cơ để có hiệu quả thực tế, đồng thời phải dựa vào nguồn lực, kinh phí hiện có để đưa ra phân kỳ đầu tư đối với các giải pháp công trình. Vấn đề ngập nước tại Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nét tương đồng với các thành phố ở Hà Lan, Phần Lan…; cần học hỏi các giải pháp và công nghệ tiên tiến đã thực hiện ở các quốc gia nhằm áp dụng hiệu quả tại Thành phố Hồ Chí Minh./.

Nguồn: TTXVN

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)