Tham dự Hội thảo gồm hơn 80 đại biểu đại diện các cục, vụ thuộc Bộ GTVT; đại diện một số bộ, ngành liên quan; Sở GTVT một số tỉnh, thành phố lớn và các tổ chức quốc tế. Ngoài ra, Hội thảo còn có sự tham gia, trình bày trực tuyến của đại diện ICCT, WRI …
Thứ trưởng Lê Anh Tuấn phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết: Tháng 9/2020 vừa qua, Việt Nam đã hoàn thành cập nhật NDC và là một trong 20 quốc gia đệ trình báo cáo này sớm nhất lên Ban thư ký Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu. So với NDC đầu tiên được xây dựng năm 2015, mức đóng góp của NDC cập nhật năm 2020 đã tăng cả về lượng giảm phát thải và tỉ lệ giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam cam kết giảm 9% tổng lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát thải thông thường (BAU) và tăng đóng góp lên tới 27% khi có hỗ trợ quốc tế thông qua thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương và thực hiện cơ chế mới theo Thỏa thuận Paris.
“Dự án Hỗ trợ Bộ GTVT thực hiện NDC Việt Nam do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn nguyên tử CHLB Đức tài trợ, Tổ chức hợp tác quốc tế Đức là đối tác thực hiện chính, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương thực hiện, Bộ GTVT phê duyệt Văn kiện dự án, nhằm hỗ trợ Bộ GTVT tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển GTVT theo hướng các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện NDC của Việt Nam”, Thứ trưởng cho biết thêm.
“Dự án bắt đầu triển khai từ tháng 6/2020, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên các hoạt động của dự án đều bị chậm so với tiến độ được phê duyệt”, Thứ trưởng nói và nhấn mạnh, thời điểm hiện tại, dịch Covid-19 ở Việt Nam đã tạm thời được kiểm soát, nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn hết sức phức tạp, các chuyên gia quốc tế chưa thể đến Việt Nam để hỗ trợ thực hiện dự án do việc đi lại giữa các quốc gia bị hạn chế, việc triển khai dự án tới đây sẽ còn gặp khó khăn. Do đó, Vụ Môi trường với tư cách là Chủ dự án cần phối hợp chặt chẽ với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức và các đối tác thúc đẩy triển khai các hoạt động của dự án, bảo đảm chất lượng và ứng dụng kết quả, sản phẩm của dự án trong hoạt động quản lý nhà nước của Bộ GTVT.
Thứ trưởng cũng bày tỏ sự trân trọng đối với hỗ trợ của Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên, Xây dựng và An toàn nguyên tử CHLB Đức và Tổ chức hợp tác quốc tế Đức trong triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Bộ GTVT nhằm giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về ứng phó với biến đổi khí hậu và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ CHLB Đức trong thời gian tới.
Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực,
khung pháp lý thúc đẩy phát triển GTVT theo hướng các-bon thấp…
Theo báo cáo tại Hội thảo, Dự án NDC-TIA do Bộ Môi trường, Bảo tồn thiên nhiên và An toàn hạt nhân CHLB Đức tài trợ thông qua Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI). Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ và Vụ Môi trường thuộc Bộ GTVT, cùng với Hội đồng Quốc tế về giao thông sạch (ICCT), Viện Nghiên cứu Tài nguyên Toàn cầu (WRI) cùng triển khai dự án đến hết tháng 12 năm 2023.
Mục tiêu của Dự án nhằm hỗ trợ tăng cường năng lực, khung pháp lý thúc đẩy phát triển GTVT theo hướng các-bon thấp, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thực hiện NDC của Việt Nam.
Cụ thể, dự án hỗ trợ kỹ thuật Bộ GTVT: Xây dựng cơ chế, chính sách và lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện (E-mobility) cho quốc gia và một thành phố nhằm thúc đẩy sự ra đời và phát triển bền vững của các loại phương tiện giao thông sử dụng năng lượng điện tiên tiến, hiện đại, không phát thải tại Việt Nam; Xây dựng kịch bản giảm nhẹ phát thải khí nhà kính đến 2050 theo hướng phát triển phát thải các-bon thấp nhằm xác định các hành động giảm nhẹ tiềm năng trong GTVT góp phần thực hiện NDC Việt Nam; Xây dựng quy định về mức tiêu thụ nhiên liệu đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và Xây dựng Hệ thống đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) điện tử về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho các lĩnh vực đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không của ngành GTVT nhằm tăng cường sự minh bạch về phát thải KNK trong GTVT.
Nguồn vốn thực hiện dự án NDC-TIA tại Việt Nam là 4.000.000 Euro sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ CHLB Đức. Nguồn kinh phí hỗ trợ dự án được quản lý và giải ngân thông qua Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ. Vốn đối ứng của Việt Nam đóng góp bằng nguồn nhân lực của Bộ GTVT và cơ sở vật chất tương ứng 400.000 Euro.
Những trao đổi tại Hội thảo sẽ đóng góp đáng kể
cho việc thực hiện dự án một cách hiệu quả sau này
Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã trao đổi các kinh nghiệm quốc tế về lộ trình phát triển phương tiện giao thông điện, tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu cho xe cơ giới và kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc phát triển GTVT theo hướng phát thải các-bon thấp. Những trao đổi này sẽ đóng góp đáng kể cho việc thực hiện dự án một cách hiệu quả sau này.
KA